Trải nghiệm cùng "trekking"
Trekking là hình thức du lịch đi bộ khám phá dành cho những người yêu thiên nhiên và thích vận động.
Nếu như trên thế giới du lịch trekking đã xuất hiện từ lâu thì ở Việt Nam cũng như Quảng Nam loại hình du lịch này hoàn toàn mới mẻ. Hiểu đơn giản, du lịch trekking như một dạng “phượt” dành cho người thích mạo hiểm, chỉ có sự khác biệt nhỏ là với trekking, du khách phải đi bộ, tự mang đồ đạc và thường chọn những nơi rừng, núi, làng bản xa lạ không có trên bản đồ để đến. So với các loại hình du lịch khác, trekking ít tốn kém hơn song đòi hỏi người tham gia phải tính toán thật cẩn thận về lịch trình, khối lượng đồ đạc, thực phẩm… vì cung đường đi bộ chủ yếu là những vùng nông thôn, miền núi nơi những phương tiện giao thông không hoạt động được… Tại Quảng Nam, du lịch trekking chủ yếu được các công ty lữ hành đưa vào khai thác theo hướng kết hợp với du lịch trải nghiệm tại những làng du lịch cộng đồng có địa hình đặc thù, tương đối phức tạp như Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Bhơ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang)… Trong đó, đối tượng khách chủ yếu là người nước ngoài muốn có những trải nghiệm mới lạ giữa khung cảnh thiên nhiên của làng.
Những làng bản ở xa rất phù hợp với loại hình du lịch trekking.Ảnh: V.L |
Phút nghỉ ngơi giữa rừng của đoàn trekking ngược rừng lên Hòn Đền (Mỹ Sơn, Duy Xuyên). Ảnh: T.D |
Các địa điểm trekking lý tưởng Vì rất nhiều lý do nên một tour xuyên rừng theo kiểu trekking đầy cảm xúc vẫn chưa có doanh nghiệp du lịch nào mạnh dạn đứng ra khai thác. Dù vậy, trekking vẫn thực sự hấp dẫn không chỉ đối với du khách nước ngoài. Tại Quảng Nam, ngoài cung đường núi hiểm trở đầy bí ẩn đã được Công ty Du lịch Rose Travel đưa vào khai thác tại làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang), nếu muốn trekking, khách du lịch có thể chọn Mỹ Sơn, ngược đường rừng lên Hòn Đền. Quảng Nam cũng không thiếu những cánh rừng nhiệt đới. Nơi thượng nguồn sông Thanh đầy bí ẩn với những nóc, bản, hang động, thác lớn cùng hệ thực vật đa dạng hay cánh rừng phía tây của tỉnh vẫn còn vô số những bản làng chưa được khám phá. Theo giới mạo hiểm, trekking đơn giản chỉ là tổng hợp niềm đam mê khai phá thiên nhiên và vượt lên chính mình. Trekking thực sự là một trải nghiệm với đầy đủ những kỹ năng sống dành cho mọi lứa tuổi. Thế nên, không cần phải đợi tour được mở, hãy tự mở ra con đường khám phá cho bản thân.(TÂM AN) |
Theo chị Đinh Thị Thìn - hướng dẫn viên du lịch Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang), mỗi khi khách đến tham quan lưu trú trong làng, ngoài thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như múa hát cồng chiêng, ẩm thực, làng nghề… chị thường tổ chức cho khách trekking quanh làng hay đi bộ băng rừng đến tham quan những cảnh đẹp như suối, đồi, nương rẫy của đồng bào. Mỗi chuyến như vậy thường kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, dù không phải là hoạt động trekking đúng nghĩa nhưng vẫn mang đến cho khách những cảm xúc thú vị. Có thể nhận thấy, tại các huyện miền núi, trung du của tỉnh đều có thể triển khai loại hình du lịch này, tuy nhiên đến nay hầu như rất ít doanh nghiệp đứng ra tổ chức khai thác như một loại hình du lịch trekking đích thực. Ông Lê Hồ Phước Vĩnh – Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Lê Nguyễn (Hội An) cho rằng, du lịch trekking đúng nghĩa thường đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài đối tượng khách đảm bảo sức khỏe còn cần có những dụng cụ chuyên dụng như quần áo ấm, ủng lội nước, giày đi rừng, thuốc chống vắt, áo đi mưa... “Trải nghiệm tour này yêu cầu du khách phải mặc quần áo kín, có nhiều túi để đựng đồ, có khả năng chống nước hoặc nếu ngấm nước thì phải nhanh khô… chưa nói ba lô cũng phải loại tốt và không ngấm nước, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của du khách”- ông Vĩnh nói. Ngoài ra, còn những trang bị bảo hộ khác như các loại thuốc trị bệnh thông thường; thức ăn khô, đặc biệt là môi trường an ninh những nơi đến phải đảm bảo. “Đây là một loại hình du lịch tuy thú vị nhưng cũng rất nguy hiểm, nếu muốn triển khai phải có những tính toán hợp lý đến từng chi tiết nhỏ nhất”- ông Vĩnh chia sẻ.
GIA KHANG