17 năm chờ... bìa đỏ!
Đã 17 năm trôi qua, kể từ khi dựng nhà trên diện tích đất mà chính quyền địa phương phân bổ, 5 gia đình giáo viên vẫn mòn mỏi chờ đợi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ).
Cho phép dựng nhà
Đó là tình cảnh của 4 hộ giáo viên Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc và 1 giáo viên Trường Tiểu học Phạm Như Xương (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn). Sự việc khởi nguồn từ năm 1993, khi 5 gia đình giáo viên gồm: Đỗ Văn Trung (53 tuổi), Phạm Thị Hiền (52 tuổi), Đặng Thị Diệp (60 tuổi), Phan Thị Tân (49 tuổi, giáo viên Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc) và Phan Thị Thanh (53 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Như Xương) từ nơi khác đến công tác tại địa phương, sống tập thể trong một phòng học của Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc. “Thấu hiểu tình cảnh khó khăn của chúng tôi, năm 1997, chính quyền địa phương đã chỉ định chúng tôi được xây nhà trên khu đất là một đồng ruộng thuộc tổ 4, thôn Ngọc Vinh. Ai nấy khấp khởi mừng vui vì có đất dựng nhà nhưng khi nhà xây xong thì việc xin cấp bìa đỏ gặp trở ngại” - thầy giáo Đỗ Văn Trung kể lại.
Khu vực đất không có bìa đỏ của 5 hộ giáo viên. Ảnh: T.C |
Việc xây nhà trên phần đất chưa được cấp quyền quản lý, sử dụng khiến các thầy cô liên tục làm đơn kiến nghị, trình bày nguyện vọng với chính quyền địa phương mong được giải quyết. UBND xã Điện Ngọc nhận đơn và hứa hẹn mãi. Thấm thoắt 17 năm trôi qua, 5 hộ này phải sống trong tâm thế thấp thỏm âu lo vì không biết khi nào chính quyền địa phương sẽ yêu cầu dỡ nhà để bàn giao đất lại cho Nhà nước. Tâm sự với chúng tôi, cô Phạm Thị Hiền nói: “Lần nào gửi đơn, xã cũng tiếp nhận và hứa sẽ báo cáo với huyện xin cho 5 hộ được cấp bìa đỏ, nhưng ngày qua tháng khác, chúng tôi vẫn mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng. Chẳng biết đến bao giờ chúng tôi mới có quyền làm chủ mảnh đất mà mình gắn bó gần 20 năm qua”. “Chúng tôi đóng thuế đất đều đặn kể từ ngày về đây sinh sống. Đến năm 2013, xã không thu thuế nữa và bảo rằng phần đất của chúng tôi không có bìa đỏ nên miễn thu thuế nhà đất. Nếu vậy, tại sao mười mấy năm qua chúng tôi phải nộp khoản thuế đó?” - cô Phan Thị Thanh thắc mắc.
Muốn có bìa đỏ phải bỏ tiền mua(?!)
Trong số 5 trường hợp giáo viên nêu trên, ngoại trừ 4 giáo viên nằm trong độ tuổi lao động vẫn bám trụ ở địa phương, còn cô giáo Đặng Thị Diệp (60 tuổi) đã sang lại nhà cho một học trò cũ và chuyển về quê ở Hà Nội sinh sống. Các thầy cô cho biết, năm 2014, UBND xã Điện Ngọc thông báo đến 5 hộ giáo viên, muốn có bìa đỏ phải bỏ tiền mua lại phần diện tích đất ở của mình theo giá đất hiện hành. Theo đó, mỗi hộ muốn sử dụng phần đất đang sinh sống phải nộp số tiền ước chừng 300 triệu đồng. Ông Phan Văn Huyến - Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc, cho hay: “Xã cũng đã tạo điều kiện làm thủ tục để các hộ trên được cấp bìa đỏ, khúc mắc lớn nhất là những gia đình này định cư ở địa phương khá lâu nhưng không có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến khu đất ở. Mặt khác, vụ việc đã kéo dài đến 4 đời chủ tịch xã và tôi cũng chỉ mới tiếp nhận chức vụ này trong năm nay. Và kể từ ngày tôi tiếp quản công việc, xã đã chấm dứt thu thuế đất đối với 5 gia đình giáo viên trên”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hữu Lên - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, cho biết: “Việc thu thuế đối với những hộ đã xây nhà trên khu đất không có giấy tờ quyền sử dụng đất là hoàn toàn sai. Còn việc 5 hộ này liên tục làm đơn kiến nghị được cấp bìa đỏ trong nhiều năm thì huyện chưa từng nghe xã báo cáo. Nếu quả thật 5 gia đình trên là những hộ đầu tiên đến khai hoang khu đất một thời là đồng không mông quạnh và đóng thuế đất đầy đủ suốt 17 năm thì huyện sẽ xem xét giao quyền sử dụng đất, dĩ nhiên họ không phải bỏ tiền mua”.
TAM CA