Nhân kỷ niệm 84 năm ngày Truyền thống ngành tuyên giáo (1.8.1930 - 1.8.2014): Đổi mới từ cơ sở

HÀN GIANG 01/08/2014 08:17

Nâng cao chất lượng hoạt động của tuyên giáo cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đó cũng là nội dung đề tài khoa học “Đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của ban tuyên giáo cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là đề tài) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện, được Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh đánh giá loại xuất sắc.

Yêu cầu thực tiễn

TS. Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay tại 244 tổ chức cơ sở (TCCS) đảng xã, phường, thị trấn đều thành lập ban tuyên giáo cơ sở. Toàn tỉnh có 4.244 cán bộ làm công tác tuyên giáo cơ sở, trong đó xã ít nhất có 6 cán bộ, xã nhiều nhất 17 cán bộ, nhưng phần lớn là kiêm nhiệm. Những năm qua, công tác tuyên giáo nói chung, công tác tư tưởng nói riêng ở cơ sở luôn được các cấp ủy chú trọng. Nhờ vậy, các phong trào hành động cách mạng ở địa phương được duy trì và ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều cuộc vận động lớn của Đảng, phong trào của Mặt trận, đoàn thể, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ đột phá của tỉnh và của từng địa phương đã đi vào cuộc sống. “Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng cho thấy, công tác tuyên giáo cơ sở vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhất là về tổ chức bộ máy và nguồn lực, năng lực cán bộ, chất lượng và hiệu quả hoạt động, chế độ chính sách đãi ngộ... nên chưa phát huy tích cực vai trò tham mưu hay thực hiện các nhiệm vụ tuyên giáo tại cơ sở” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ngô Văn Hùng nói.

Những năm qua, công tác tuyên giáo đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển chung của tỉnh.  TRONG ẢNH: Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2013. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Những năm qua, công tác tuyên giáo đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển chung của tỉnh. TRONG ẢNH: Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2013. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Để xây dựng nội dung giải pháp cho đề tài, vào tháng 6.2013, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức điều tra dư luận xã hội về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ở cơ sở. Qua 2.000 phiếu điều tra cho thấy, riêng mục hỏi về có hay không những hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục ngay trong việc thực hiện nghị quyết ở đảng bộ, chi bộ thì có đến 64,1% số người được hỏi trả lời có khuyết điểm, hạn chế. Trong những khuyết điểm, hạn chế đó, nổi lên là cấp ủy chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đảng viên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (chiếm 29,3%); kế đến là trong nội bộ tổ chức đảng có khuyết điểm nhưng chưa chỉ ra (13,1%) và tổ chức kiểm điểm trong đảng bộ, chi bộ chưa nghiêm túc (11,1%); thực hiện qua loa, chiếu lệ (6%); chưa có chương trình, kế hoạch thực hiện (4,6%). Kết quả điều tra dư luận xã hội trên cũng phần nào phản ánh thực trạng về công tác xây dựng Đảng hiện nay. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng đề tài dựa trên nhận định đối với những yêu cầu về xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị nói riêng gắn với tình hình thực tiễn hiện nay của tỉnh. Đồng thời nhận thấy công tác tuyên giáo của các cấp ủy cũng như tại cơ sở xã, phường, thị trấn cần được tăng cường nguồn lực; đổi mới phương thức và nội dung hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thật sự là hạt nhân chính trị, đem lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Đổi mới hoạt động

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ngô Văn Hùng, đề tài của đơn vị nhằm tạo cơ sở khoa học, nhất là đề ra các giải pháp củng cố, ổn định tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở. Đồng thời đề cao trách nhiệm, đổi mới phương thức và nội dung hoạt động của ban tuyên giáo cơ sở xã, phường, thị trấn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Trên cơ sở đó, đề tài nghiên cứu và đề xuất hai nhóm giải pháp về đổi mới nội dung và đổi mới phương thức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu công tác tuyên giáo ở cơ sở trong tình hình mới.

“Đề tài đưa ra phương pháp hoạt động theo chương trình, xác định nội dung công tác tuyên giáo, xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với các vùng, miền của tỉnh. Nhờ đó, khắc phục tình trạng giáo điều, không liên hệ, vận dụng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với tình hình thực tiễn của địa phương. Theo phản hồi từ các địa phương, đã có sự chuyển biến tích cực bước đầu của hoạt động tuyên giáo cơ sở khi triển khai ứng dụng đề tài. Nhất là tại các địa phương đang thực hiện các cuộc vận động lớn trong công tác giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi”.
(Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Văn Cận)

Đề tài nhấn mạnh, để thực hiện đổi mới tư duy về phương thức hoạt động của tuyên giáo cơ sở, các cấp ủy đảng, cán bộ làm công tác tuyên giáo cơ sở cần quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác tuyên giáo. Tiếp đến, phương thức ra nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy đảng cơ sở cũng cần được đổi mới, liên hệ cụ thể, gắn với điều kiện thực tế của địa phương, không mang nặng tính lý luận chung chung, mà phải tập trung vào các vấn đề bức xúc của nhân dân để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả... Về đổi mới nội dung hoạt động của ban tuyên giáo cơ sở, đề tài đặt ra yêu cầu trước hết cần tăng cường công tác chính trị, tư tưởng nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Ban tuyên giáo cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội thông qua giao ban với các tổ chức chính quyền, mặt trận, đoàn thể, cán bộ và quần chúng cốt cán để kịp thời tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm ngay ở cơ sở. Bên cạnh đó, cán bộ tuyên giáo cần nghiên cứu, tìm tòi để xây dựng những nội dung thông tin, cách thức tuyên truyền phù hợp với nhiệm vụ phát triển, gắn với bản sắc văn hóa, điều kiện của từng vùng miền...

HÀN GIANG

HÀN GIANG