Thương binh Lê Hữu Cát - một đời cống hiến
(QNO) - Từ một đại đội trưởng đến tiểu đoàn trưởng của một tiểu đoàn thuộc Bộ Tư lệnh 559, ông Lê Hữu Cát (sinh năm 1944, quê Hà Tĩnh, nay sinh sống tại xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) chiến đấu anh dũng để bảo vệ từng đoạn đường Trường Sơn. Khi về với đời thường, người thương binh ấy vẫn không ngừng đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương…
Dù đã 70 tuổi nhưng ông Cát vẫn tham gia nhiều cuộc họp đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và phát triển kinh tế xã hội địa phương. |
Người anh hùng thời chiến
Năm 1962, ông Lê Hữu Cát lên đường nhập ngũ khi vừa 17 tuổi. Ban đầu, ông được phân bổ đến chiến trường biên giới Việt Nam - Lào với nhiệm vụ bảo vệ tên lửa. Đến năm 1966, khi đường Trường Sơn bị đánh phá ác liệt bởi không quân của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, ông Cát được điều động về Đại đội 26 thuộc Tiểu đoàn 20, Binh trạm 34, Bộ Tư lệnh 559 bảo vệ đường Trường Sơn. Với nhiều kinh nghiệm của một người lính phòng không, ông được cấp trên cử làm đội trưởng Đại đội 26, chỉ huy 120 người với 6 khẩu pháo 37 (pháo cao xạ có cỡ nòng 37 mm).
Nhiệm vụ của Đại đội 26 là bảo vệ đường Trường Sơn đoạn biên giới giữa tỉnh Savanakhet (Lào) với tỉnh Quảng Trị (Việt Nam). Trên đoạn đường này, máy bay địch thường xuyên bắn phá ngầm Khà Kháp. Các trận chiến giữa Đại đội 26 với máy bay địch diễn ra hết sức ác liệt. Mỗi ngày máy bay địch đến bắn phá từ khoảng 5 đến 10 lượt, vì thế Đại đội 26 sẵn sàng tác chiến cả ngày lẫn đêm. Các khẩu pháo được chuyển lên một ngọn đồi gần sát ngầm Khà Kháp. Ông Cát chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ nhận thông tin máy bay địch từ các trinh sát, dò đoán đường bay của máy bay địch và quyết định khai hỏa. Việc này đời hỏi phải nắm đúng thời cơ mới quyết định bắn. Khi chưa phải thời cơ mà pháo của ta bắn, máy bay địch sẽ phát hiện địa điểm đặt pháo và thả bom bắn phá. Với sự mưu trí của ông cùng cả Đại đội 26, nhiều máy bay của địch đã bị bắn hạ ngay trước khi thả bom. Có ngày đại đội bắn rơi đến 11 chiếc máy bay, bảo vệ thành công ngầm Khà Kháp, Trường Sơn.
Năm 1970, ông Cát chuyển về làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28, Binh trạm 44, Bộ Tư lệnh 559 (Bộ đội Trường Sơn), bảo vệ ngầm Sê-ka-mán trên tuyến đường Trường Sơn thuộc huyện H40 tỉnh Kon Tom (nay là huyện Đăk Glei). Bấy giờ, ông Cát chỉ huy ba đại đội pháo 37, một đại đội pháo 12,7 ly, một đại đội pháo 14,5 ly, một đại đội pháo 23,2 ly. Tại chiến trường Quân khu 5 trong những năm kháng chiến ác liệt 1970 đến 1972 này, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bắn phá đường Trường Sơn càng ác liệt, vì thế, các đại đội phải đưa pháo lên nhiều khu đồi gần các tuyến đường cùng nhau tác chiến bắn máy bay địch đến phá đường.
Ông Cát kể, máy bay địch lúc này đã có nhiều chiến thuật nguy hiểm hơn trước. Chúng chia thành nhiều tốp, tốp làm nhiệm vụ trinh sát tìm các địa điểm đặt pháo của ta, tốp bay nghi binh và tốp chủ lực bắn phá đường. Ông Cát cùng các đồng đội thường xuyên theo dõi, nhận biết được các tốp bay bắn phá chủ lực để tiêu diệt. Nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm nhưng tiểu đoàn 28 của ông nhiều lần bắn phá thành công máy bay địch, bảo vệ tuyệt đối đường Trường Sơn. Chiến công hiển hách nhất của ông và đơn vị là vào ngày 12.8.1970, 12 chiếc máy bay địch đã bị bắn hạ khi đang tìm cách ném bom đường Trường Sơn và các ngầm quan trọng của ta. Nhưng những mất mát của các chiến sĩ phòng không Tiểu đoàn 28 cũng không ít. Ông Cát tâm sự: “Không có chiến thắng nào là không có đổ máu. Khi bắt đầu tổ chức một đợt bắn phá máy bay địch, ở tiểu đoàn tôi đều chuẩn bị sẵn sẵn các huyệt mộ. Nhưng không vì thế mà các chiến sĩ nhụt chí. Ngược lại, ai nấy đều khí thế bừng bừng và quyết tâm trong mỗi khi ra trận, quyết tâm bảo vệ đường Trường Sơn”.
Người thương binh mẫu mực
Năm 1972, ông tham gia Chiến dịch đường 9 Nam Lào, sau chuyển về phục vụ tại chiến trường Nông Sơn (Quảng Nam). Hòa bình lập lại, ông tham gia chiến đấu giải phóng nước bạn Campuchia. Đến năm 1989, ông rời quân ngũ, về sinh sống cùng gia đình tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ).
Là thương binh 4/4, ông Cát vẫn tham gia công tác ở địa phương và được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tam Ngọc gần 20 năm, tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, đưa xã Tam Ngọc từ một xã khó khăn vươn lên thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong gần 5 nhiệm kỳ ông Cát làm chủ tịch hội, phong trào CCB của xã phát triển vững mạnh. Ngoài ra, trong thời gian này ông còn tham gia đảm nhiệm Bí thư chi bộ thôn Trà Lang. Ông sắp xếp công việc hợp lý vừa hoàn thành công tác hội vừa làm tròn vai trò của một người lãnh đạo thôn, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất. Đối với nhân dân, ông tìm hiểu, giúp đỡ các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, giữ vai trò tiên phong trong các hoạt động phúc lợi cộng đồng để nâng cao đời sống cho người dân.
Đến nay 70 tuổi, sức yếu, lại thêm những vết thương do chiến tranh để lại đau nhức khi trái gió trở trời nhưng ông Cát vẫn tham gia sôi nổi trong các cuộc họp do HĐND, UBND xã, thôn tổ chức, đóng góp những ý kiến quan trọng vào công tác xây dựng Đảng cũng như phát triển kinh tế. Ngoài ra, ông còn được trường Tiểu học Trần Quý Cáp tại địa phương tin tưởng trao trách nhiệm Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh. Với trọng trách này, ông tham gia tích cực trong công tác khuyến học của nhà trường, vận động nguồn quỹ hiếu học, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Ngoài Bằng khen “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông còn được Tỉnh ủy Quảng Nam trao tặng danh hiệu “Đảng viên 5 năm liền (2007-2012) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và nhiều giấy khen khác của UBND tỉnh.
TƯỜNG QUÂN