Vị thế mới của Mặt trận
Hiến pháp 2013 đã hoàn thiện một bước cơ bản quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, làm nổi bật và phù hợp vị trí, vai trò của các tổ chức này trong xã hội nước ta, tạo cơ sở pháp lý phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong đời sống chính trị của đất nước trong thời kỳ mới.
Hiến pháp 2013 đã hoàn thiện một bước cơ bản quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong ảnh: Quang cảnh Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2014 - 2019.Ảnh: VINH ANH |
Hiến pháp 2013 đã quy định tách biệt vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Điều 9 được trình bày thành 3 khoản riêng biệt: Khoản 1 viết về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam; khoản 2 viết về các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình (Hiến pháp 1992 chỉ viết về tổ chức Công đoàn, còn các tổ chức khác chỉ nói chung là MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên); khoản 3 quy định việc hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ. Đây là một bước tiến quan trọng trong kỹ thuật lập pháp, đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò của MTTQ trong Hiến pháp.
So với Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 có những quy định mới như: MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân (Hiến pháp 1992 quy định MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân). Như vậy, Hiến pháp lần này khẳng định rõ vai trò của MTTQ, bởi vì MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, trong đó đã bao hàm các tổ chức thành viên của MTTQ. Hiến pháp mới hiến định MTTQ là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân (Hiến pháp 1992 viết MTTQ cùng với Nhà nước), như vậy đã xác định rõ hơn vai trò của MTTQ vừa là cơ quan đại diện, vừa là cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Hiến pháp 2013 quy định MTTQ có vai trò tăng cường đồng thuận xã hội (Hiến pháp 1992 chỉ quy định động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ), khẳng định rõ hơn thực hiện quyền làm chủ, gắn với tăng cường đồng thuận xã hội. Bên cạnh đó cũng đã quy định MTTQ có vai trò giám sát, phản biện xã hội (Hiến pháp 1992 chỉ quy định giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức Nhà nước), là nhiệm vụ lớn hơn, rộng hơn, bao trùm hơn, khó hơn, nhất là thực hiện việc phản biện xã hội. Tuy nhiên đây lại là điều xác định vai trò rất quan trọng của MTTQ đối với thể chế chính trị ở nước ta hiện nay. Với quy định MTTQ có vai trò trong hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Hiến pháp 1992 chưa quy định nội dung này), Hiến pháp 2013 khẳng định MTTQ không chỉ có vai trò đối nội là tập hợp, đoàn kết các lực lượng trong xã hội mà còn có vai trò to lớn trong thúc đẩy hoạt động đối ngoại, chủ yếu thông qua đối ngoại nhân dân để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, theo đó đối ngoại nhân dân ngày càng quan trọng, điều này, Đảng, Nhà nước tin tưởng trao cho MTTQ là cơ quan chủ động tham gia.
Những nội dung nêu trên được quy định trong Hiến pháp 2013 là sự khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ trong cơ cấu thể chế chính trị ở nước ta hiện nay. Điều quan trọng hiện nay là mọi cấp, mọi ngành, mọi người cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị, tạo điều kiện để Mặt trận các cấp hoạt động hiệu quả. Đồng thời không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận để hoàn thành nhiệm vụ to lớn, vẻ vang nhưng không ít khó khăn theo đúng vị trí, vai trò của MTTQ đã được Hiến pháp 2013 quy định.
HỎI ĐÁP HIẾN PHÁP - Hỏi: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận được quy định như thế nào? - Trả lời: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận được Hiến pháp năm 2013 quy định như sau: 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 2. Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG) |
KIẾN TÂN (Tổng hợp)