Xã hội hóa điểm tham quan di tích

VĨNH LỘC 26/07/2014 07:56

Xã hội hóa công tác quản lý các điểm tham quan di tích, cho phép doanh nghiệp đấu thầu khai thác du lịch vẫn là hình thức khá mới mẻ với Quảng Nam.

Đột phá

Trong nhiều năm qua, du lịch Quảng Nam phát triển chủ yếu dựa trên 2 danh hiệu di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đã có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc được xây dựng từ 2 “trung tâm” du lịch này như Văn nghệ Chăm; Đêm phố cổ; Tham quan làng nghề…. Dù được đánh giá cao về tính độc đáo, mới lạ nhưng qua thời gian dài do chưa có sự đổi mới, các sản phẩm này đang dần mất đi sự hấp dẫn, cùng với chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực tại một số điểm du lịch chưa tốt là nguyên nhân làm mất điểm trong mắt du khách. Đã có không ít ý kiến phản ánh thái độ ứng xử của một bộ phận nhân viên an ninh, kiểm soát tại phố cổ Hội An hay sự nghèo nàn sản phẩm du lịch tại Mỹ Sơn.

Du lịch Mỹ Sơn sẽ phát triển hơn nếu giao doanh nghiệp quản lý khai thác.
Du lịch Mỹ Sơn sẽ phát triển hơn nếu giao doanh nghiệp quản lý khai thác.

Theo ông Lê Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, để nâng cao hiệu quả khai thác du lịch tại điểm di tích, một trong những giải pháp là xã hội hóa công tác quản lý du lịch thông qua việc kêu gọi doanh nghiệp đấu thầu quản lý - một điều hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam cũng như Quảng Nam. “Theo tôi, nên bắt đầu thí điểm từ di tích Mỹ Sơn vì đây là một điểm đến ấn tượng, nhưng thời gian qua chưa khai thác hiệu quả, sau đó sẽ là Hội An như đấu thầu bán vé, phát triển dịch vụ trong phố cổ…” - ông Dũng đề xuất. Ông Dũng cho rằng, khi giao di tích cho doanh nghiệp quản lý, khai thác sẽ tạo nên  những đột phá, không chỉ nâng cao chất lượng điểm đến mà còn góp phần đưa thương hiệu Mỹ Sơn vươn xa hơn. Thực tế, không riêng gì Mỹ Sơn mà tại nhiều điểm di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua hiệu quả khai thác du lịch rất thấp mặc dù một số nơi có những lợi thế nổi trội, thậm chí có điểm số tiền bán vé không đủ chi trả lương cho cán bộ nhân viên làm việc tại chỗ.   

Liệu khả thi không?

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích thông qua các hoạt động du lịch luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Không ít di tích xuống cấp hoặc đối diện với nguy cơ hư hại do áp lực từ khai thác du lịch gây nên. “Xã hội hóa công tác quản lý, khai thác di tích là giải pháp không khả thi và nhiều rủi ro”- ông Nguyễn Công Hường - Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn khẳng định. Theo phân tích của ông Hường, rủi ro nhất chính là nhà nước không thể kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp tại điểm di tích cũng như thực hiện các chính sách miễn giảm vé nơi đây…. “Chẳng hạn như trước đây chúng tôi làm tour tham quan Mỹ Sơn ban đêm thấy không có lợi cho di tích nên dừng, nhưng nếu là doanh nghiệp chắc chắn sẽ không có trách nhiệm như vậy vì mục đích chính của họ là lợi nhuận, chưa nói họ có thể khai thác theo kiểu tận thu thì sao quản lý được” - ông Hường đặt giả thuyết.   

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Dũng, xã hội hóa công tác quản lý, khai thác di tích sẽ mang lại những lợi ích lớn như tiết kiệm được nguồn kinh phí để nuôi bộ máy cán bộ, nhân viên làm việc tại di tích, đặc biệt hiệu quả khai thác du lịch cũng sẽ cao hơn. “Tất nhiên phải có những tiêu chí quy định bắt buộc cụ thể đối với doanh nghiệp, vấn đề là quan điểm của nhà nước về quản lý di tích như thế nào thôi”- ông Dũng nói. Ngoài ra, việc giao quyền quản lý, khai thác cho doanh nghiệp trong thời gian dài từ 20 đến 50 năm cũng sẽ mang lại nguồn ngân sách lớn cho địa phương. Ông Lê Ngọc Tường - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL) khẳng định, giao doanh nghiệp quản lý khai thác du lịch tại điểm di tích là giải pháp hay và hiệu quả nhưng sẽ khó khả thi vì là vấn đề lớn chưa có tiền lệ. “Riêng với di sản Mỹ Sơn sẽ khó hơn vì phụ thuộc vào các quy định từ phía UNESCO….”- ông Tường nói thêm.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC