Bằng cả tấm lòng

LÊ NGUYỄN - HỒNG NHÂN 25/07/2014 08:27

Đến nay, Quảng Nam có 238 (trong số 244) xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ - người có công (TBLS-NCC). Dưới đây là điển hình 2 xã, phường như thế.

Tận tình, minh bạch

Trong giải quyết chế độ chính sách cho NCC, mặc dù quy định đã có đầy đủ nhưng không phải dễ thực hiện, bởi lẽ hồ sơ nhiều, chế độ nhiều và cần phải làm rõ ràng, chính xác quá trình lịch sử của đối tượng được giải quyết. Xác định được vấn đề này, phường An Phú (TP.Tam Kỳ) luôn nêu quan điểm phải ưu tiên thực hiện tốt những vấn đề liên quan đến TBLS - NCC. Ông Nguyễn Thanh Khôi - Phó Chủ tịch UBND phường An Phú cho biết: “Từ nhiều năm nay, An Phú luôn cố gắng thực hiện và liên tục được công nhận là phường làm tốt công tác TBLS. Đến nay toàn phường có 209 đối tượng gồm thân nhân liệt sĩ (LS), thương binh (TB), bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được trợ cấp hằng tháng. Trong giải quyết chế độ cho các đối tượng, chúng tôi luôn đảm bảo sự công khai, nhờ đó tránh được sai sót. Mặc dù gặp một số khó khăn trong việc giải quyết các trường hợp đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học ở khâu giám định sức khỏe, An Phú vẫn phấn đấu giải quyết hoàn tất toàn bộ 23 hồ sơ trên lĩnh vực này”.

Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với người có công giúp các xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.  TRONG ẢNH: Cán bộ chuyên trách công tác thương binh xã hội xã Tiên Hà (Tiên Phước) thăm hỏi người có công. Ảnh: L.N
Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với người có công giúp các xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ. TRONG ẢNH: Cán bộ chuyên trách công tác thương binh xã hội xã Tiên Hà (Tiên Phước) thăm hỏi người có công. Ảnh: L.N

Để làm tốt công tác TBLS-NCC, tuyên truyền và đối thoại là cách mà phường An Phú thường xuyên thực hiện. Bởi qua đối thoại, rất nhiều vấn đề được người dân thẳng thắn góp ý và hiến kế để lãnh đạo phường thực hiện tốt hơn. Bà Ung Thị Mỹ Nhàn - cán bộ LĐ-TB&XH phường An Phú chia sẻ: “Đối với người dân, không thể nắm hết những chính sách đã ban hành. Vì thế chúng tôi phải nắm kỹ chính sách để tuyên truyền, hoặc khi người dân hỏi, thắc mắc là có thể trả lời, giải thích thấu đáo. Và đối thoại là phương thức đem lại hiệu quả, qua đó nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của bà con, chế độ nào giải quyết tốt, chế độ nào còn chưa tốt để khắc phục. Đối thoại và tuyên truyền cũng sẽ giúp chúng tôi kêu gọi sự đồng thuận, vào cuộc của nhiều người, nhiều gia đình và đơn vị trên địa bàn cùng chung tay chăm sóc tốt hơn cho NCC”. Như trường hợp thương binh Lương Đình Thoại, hồ sơ chế độ được giải quyết một cách nhanh chóng, không sai sót. Ông Thoại nói: “Tôi cảm thấy như vậy là rất thỏa mãn. Trong nhiều trường hợp khác, khi người dân có khó khăn về hồ sơ giấy tờ, cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình, nhờ vậy mà các hồ sơ được giải quyết hưởng chế độ nhanh. Gần đây phường tổ chức đối thoại, có cả cán bộ thành phố về tham dự nên bà con biết nhiều hơn về chính sách, nếu có kiến nghị, thắc mắc được giải thích rõ ràng ngay”.

Chu đáo

Xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước) có 103 đối tượng TBLS-NCC. Vượt lên những khó khăn của một xã vùng trung du, Tiên Hà luôn quan tâm đến phong trào đền ơn đáp nghĩa, tri ân NCC. Về Tiên Hà, đi đâu chúng tôi cũng nghe nhắc đến phong trào chăm sóc NCC của các hội, đoàn thể của xã. Khi NCC cải thiện nhà ở cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân..., Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên xã huy động hội viên góp công giúp sức; Hội Phụ nữ xã huy động nguồn kinh phí trong chị em, góp phần lo cơm nước cho thợ và những người giúp công trong suốt thời gian thi công. Đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh neo đơn, Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ cử người thay nhau chăm sóc lúc ốm đau, gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thời (thôn Trung An, xã Tiên Hà) là thân nhân liệt sĩ, gia cảnh còn khó khăn nên thường xuyên nhận được sự động viên, giúp đỡ của cán bộ, chính quyền xã Tiên Hà. “Mỗi khi đến dịp lễ tết, tôi luôn được ưu tiên nhận những phần quà mà các đoàn về thăm tặng. Mỗi khi có khó khăn trong cuộc sống, chị em thường xuyên ở bên động viên, thậm chí giúp đỡ cả về mặt vật chất. Nhờ tình làng nghĩa xóm, nhờ vào chính sách trợ cấp của Nhà nước đã giúp gia đình tôi rất nhiều” - bà Thời tâm sự.

Ông Bùi Văn Thuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết: “Trong quá trình thực hiện công tác TBLS-NCC, xã luôn tiến hành thận trọng, chặt chẽ, công khai và đúng quy trình, đối tượng, chế độ ưu đãi. Hằng năm, UBND xã đều chỉ đạo bộ phận chuyên trách công tác thương binh xã hội hướng dẫn tận tình, chu đáo cho các đối tượng khi làm hồ sơ chế độ. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi tới các thôn, tại các cuộc họp khu dân cư về chế độ, chính sách ưu đãi nhằm giúp người dân nắm rõ để thực hiện đúng”. Cũng theo ông Thuấn, với các gia đình chính sách, thương binh còn gặp khó khăn trong cuộc sống, địa phương có những cách giúp đỡ, động viên cụ thể nhằm giúp họ có mức sống ổn định, phấn đấu bằng mức sống bình quân của người dân trong xã. Từ các nguồn hỗ trợ huy động được, xã Tiên Hà tặng sổ tiết kiệm 10 gia đình chính sách, tặng quà đối tượng NCC, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, đưa đón thân nhân liệt sĩ tới thăm viếng mộ nghĩa trang. Theo kế hoạch, nhân kỷ niệm ngày TBLS năm nay, Tiên Hà tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ xã vừa được tu bổ. Dịp này, xã Tiên Hà mời nhân chứng lịch sử, NCC đến dự, giao lưu với thế hệ trẻ của địa phương.

LÊ NGUYỄN - HỒNG NHÂN

LÊ NGUYỄN - HỒNG NHÂN