Sáng tạo từ thực tế
Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo đoàn viên. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm ra đời đem lại hiệu quả thiết thực trong lao động sản xuất và phục vụ cộng đồng.
Giúp anh em bớt vất vả
Cho đến nay, sản phẩm “Thiết bị đọc chỉ số công tơ đo đếm điện năng bằng camera và màn hình” của Điện lực Thăng Bình vẫn đang được ứng dụng hiệu quả. Trước đây, nhân viên ngành điện lực phải ghi chữ số theo cách thủ công ở từng đồng hồ, mất rất nhiều thời gian, công sức và không an toàn. Với suy nghĩ làm sao giúp anh em bớt vất vả, ông Hoàng Ngọc Chung - Phó Giám đốc Điện lực Thăng Bình đã tìm cách chế tạo ra thiết bị này. Rất nhiều điện thoại di động có camera bị anh Chung tháo rời, nghiên cứu chế tạo và nối dây vào, rồi đưa bằng cần lên đồng hồ đọc nhưng không thấy gì vì quá mờ. Sau nhiều lần tìm tòi, thay thế, thiết bị ban đầu được gắn bởi một cái cây dài để đưa lên cột điện và đứng dưới đất ghi chỉ số. Nhưng mang cây đi thì vất vả, hiệu quả cách điện không cao, nhất là vào mùa mưa bão. Ông Chung liền lấy loại cần câu cá có thể thu gọn vào và cách điện, gắn camera và màn hình vào, gắn thêm một bình ắc quy xe máy để duy trì nguồn điện cho thiết bị trong suốt một ngày, tạo thành một bộ thiết bị đọc chữ số điện nhanh, thuận tiện.
Thiết bị đọc chỉ số điện đang được sử dụng hiệu quả trong thực tế. |
Ông Chung cho biết: “Với thiết bị này, Điện lực Thăng Bình và Duy Xuyên đã ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả gấp đôi so với trước kia. Cụ thể như ở Thăng Bình, hiện có 39 nghìn khách hàng, ghi bằng phương pháp thủ công thì phải tốn 97,5 công (bình quân ghi được 50 khách hàng/giờ). Nhưng khi đọc bằng bộ thiết bị này, từng đó khách hàng chỉ tốn 48,75 công, tức hiệu suất tăng gấp đôi, mỗi giờ ghi được 100 khách hàng. Theo đó, số tiền công cũng giảm xuống chỉ còn một nửa. Nếu áp dụng cho cả ngành điện lực toàn tỉnh thì giá trị làm lợi sẽ rất cao”. Thiết bị này cũng được giải Nhất trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V.
Từ thực tế của nông dân
Chúng tôi hẹn gặp chị Lương Thị Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh khi chị đang chuẩn bị đi Hà Nội làm thủ tục nhận kinh phí thực hiện dự án “Nâng quyền và tăng cao năng lực kinh tế của phụ nữ” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đây là dự án có được nhờ giải pháp do chính chị Thủy đề ra và bảo vệ thành công năm 2013 ở giải “Phụ nữ sáng tạo”, cũng chính là giải thưởng chị được nhận, phục vụ hoàn toàn cho cộng đồng. Dự án sẽ được thực hiện tại xã A Nông và A Tiêng (huyện Tây Giang) cho phụ nữ Cơ Tu. Chị Thủy nói: “Mỗi khi đi miền núi, tôi thấy phụ nữ vất vả quá, lo tất cả mọi việc trong gia đình, trong khi đàn ông thì ở nhà ngồi chơi, uống rượu. Tôi nảy ra ý tưởng phải làm gì đó giúp phụ nữ Cơ Tu bớt khổ, cho đồng bào từ bỏ lề thói trọng nam khinh nữ. Khi có cuộc thi, nghe nói giải thưởng sẽ là sự tài trợ để thực hiện dự án trong thực tế, tôi tham gia và được giải. Sau khi đi Hà Nội về đợt này, tôi sẽ làm việc với huyện Tây Giang, triển khai dự án ở A Nông, A Tiêng”. Nếu vậy, phụ nữ Cơ Tu sẽ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, xóa đói giảm nghèo lồng ghép với bình đẳng giới bằng cách tuyên truyền cho chồng con giúp họ thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Chị Lương Thị Thủy (bìa trái) hướng dẫn nông dân nuôi gà an toàn. Ảnh: D.L |
Một ứng dụng có hiệu quả sử dụng ở cộng đồng nữa do chị Thủy sáng tạo là hỗn hợp thảo dược tươi (nghệ, gừng và tỏi) để phòng bệnh cho gà thả vườn trong chăn nuôi nông hộ. Ở những vùng cao, việc mua thuốc kháng sinh không dễ, lại đắt đỏ. Chị Thủy cùng với các cán bộ ở trung tâm đã mày mò nghiên cứu đặc tính của các loại thảo dược có sẵn ở nhiều vùng quê, và nhận thấy rằng khi kết hợp nghệ, gừng và tỏi tươi sẽ phòng bệnh ở gà hiệu quả. Chị Thủy nói: “Làm công tác khuyến nông thì phải xuống tận dân mới biết thực tế mà cho ra giải pháp, càng gần gũi với người dân càng tốt. Có giải pháp thì phải ứng dụng vào thực tiễn mới biết được hiệu quả tới đâu. Chúng tôi đã mang kết quả này ứng dụng và một số đàn gà mô hình do trung tâm xây dựng, kết quả gà được phòng bệnh rất tốt. Từ đó, hỗn hợp thảo dược này đã được sử dụng rộng rãi ở các nhóm nông hộ Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên. Phương pháp này còn giúp đàn gà tiêu tốn thức ăn ít hơn, trọng lượng khi xuất chuồng cao hơn, và cho hiệu quả kinh tế rõ rệt đối với nông dân”.
TIÊN GIANG