Nhận diện những đột phá - Bài 4: Giáo dục đại học, cao đẳng: Đối mặt với nhiều thách thức

XUÂN PHÚ Bài 5: Đi trước một bước 25/07/2014 08:16

Quy mô, mạng lưới giáo dục đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở Quảng Nam phát triển khá nhanh và theo kế hoạch sẽ còn tiếp tục mở rộng hơn nữa trong giai đoạn 2015 - 2020. Tuy nhiên, đã và đang có nhiều thách thức đặt ra...

  • Nhận diện những đột phá - Bài 2: Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú: Đằng sau một chủ trương nhân văn
  • Nhận diện những đột phá - Bài 1: Tuyển sinh vào lớp 10: Sáng tạo, linh hoạt
  • Nhận diện những đột phá - Bài 3: Lời giải cho bài toán cử tuyển

Phát triển nhanh

Tốc độ phát triển giáo dục chuyên nghiệp ở Quảng Nam có thể nói là khá nhanh. Thời điểm tái lập tỉnh chỉ có vài trường trung cấp quy mô đào tạo nhỏ (2 của Trung ương và 2 của tỉnh) nhưng đến nay, Quảng Nam đã có mạng lưới trường ĐH, CĐ khá lớn với 2 trường ĐH (Quảng Nam và Phan Châu Trinh), 6 trường CĐ (Y tế Quảng Nam, Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, Đông Á, Phương Đông, Điện lực miền Trung, Công nghệ - kinh tế và Thủy lợi miền Trung,) với 83 chuyên ngành đào tạo (20 ĐH, 63 CĐ). Các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đào tạo đa ngành, đa cấp; cạnh đó còn liên kết với nhiều trường ĐH trên cả nước để đào tạo ĐH. Nhờ đó, đã đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung với lưu lượng học sinh - sinh viên (HS-SV) hàng năm khoảng hơn 20 nghìn người.

Sinh viên Trường ĐH Quảng Nam trong lễ tốt nghiệp.
Sinh viên Trường ĐH Quảng Nam trong lễ tốt nghiệp.

Trong số các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp hiện nay, Trường ĐH Quảng Nam được xem là cánh chim đầu đàn. Từ một trường trung học sư phạm được thành lập năm 1997, chỉ sau 10 năm đã nâng cấp lên thành trường ĐH đa ngành, đa cấp, đa hệ. Nhà trường không ngừng mở rộng quy mô, mở thêm ngành đào tạo, nhất là đào tạo ĐH với các mã ngành thu hút nhiều người học như tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh hay phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh như văn hóa - du lịch, công nghệ thông tin. Văn hóa - du lịch và công nghệ thông tin cũng là 2 chuyên ngành được nhà trường xác định là mũi nhọn và tập trung đầu tư để tạo nên bước đột phá trong xây dựng thương hiệu ĐH Quảng Nam. Sau 17 năm thành lập và 7 năm trở thành trường ĐH, Trường Đại học Quảng Nam trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu của tỉnh với hơn 7 nghìn HS-SV mỗi năm, trong đó gần 3 nghìn SV bậc ĐH với 12 ngành đào tạo.

Cũng như Trường ĐH Quảng Nam, nâng cấp lên từ các trường trung cấp, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam và CĐ Y tế Quảng Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng về quy mô, chất lượng đào tạo, mỗi năm cung cấp cho xã hội hàng nghìn người có trình độ chuyên môn cao. Cạnh đó, các trường CĐ Điện lực miền Trung, CĐ Công nghệ - kinh tế và Thủy lợi miền Trung, 2 trường tư thục mới thành lập sau này là CĐ Công kỹ nghệ Đông Á và CĐ Phương Đông cũng góp phần đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của người dân. Riêng Trường ĐH Phan Châu Trinh, tuy gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác tuyển sinh nhưng vừa qua đã chuyển đổi sang mô hình hoạt động phi lợi nhuận hy vọng sẽ đem lại luồng gió mới để phát triển trong thời gian tới.

Nhiều thách thức

Tại hội nghị công bố Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020 được tổ chức vào đầu năm 2013, UBND tỉnh cho biết sẽ quy hoạch mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp, đến năm 2020 toàn tỉnh có 4 trường ĐH. Cụ thể, ngoài 2 trường ĐH hiện có là ĐH Quảng Nam và Phan Châu Trinh, sẽ nâng cấp Trường CĐ Y tế Quảng Nam lên thành Trường ĐH Điều dưỡng và kỹ thuật y tế, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam thành Trường ĐH Cộng đồng. Cạnh đó, các trường CĐ tư thục như Đông Á, Phương Đông, trong lộ trình phát triển cũng vạch ra định hướng nâng cấp lên thành trường ĐH trong thời gian tới.

“Nâng cấp lên thành trường ĐH thì trước mắt là một ĐH yếu và phải nỗ lực, cố gắng mất một thời gian dài khoảng 10 năm may ra mới trở thành trường mạnh, đào tạo có chất lượng. Do vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có quyết định phù hợp…”.
(Ông Lương Văn Vui, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam)

Thực tế trong vài năm gần đây, các trường ĐH, CĐ trên cả nước, kể cả những trường công lập có truyền thống vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Số lượng trường tăng nhanh trong khi HS phổ thông lại giảm mạnh; cạnh đó là sự khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng nhiều đến người học, làm cho nhiều trường ĐH, CĐ “sống dở chết dở” vì tuyển không ra HS-SV. Các trường trên địa bàn Quảng Nam cũng không thể thoát ra khỏi “vùng xoáy” đó. Trường ĐH Quảng Nam những năm qua dù không đến nỗi vất vả nhưng chưa năm nào tuyển sinh đủ chỉ tiêu (chưa nói chất lượng thấp, phải tuyển dưới điểm sàn), còn Trường ĐH Phan Châu Trinh thì gần như ngừng hoạt động. Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam cũng gặp không ít thách thức. Theo Hiệu trưởng Lương Văn Vui, tuyển sinh CĐ chính quy năm 2012 nhà trường chỉ tuyển được 755 SV/chỉ tiêu 1.500 (tỷ lệ 51,7%) và năm 2013 còn thấp hơn nữa với 619 SV/1.500 chỉ tiêu (tỷ lệ 41,7%). Sự giảm sút trong tuyển sinh và tình trạng bỏ học giữa chừng đã kéo theo sự sụt giảm nhanh chóng số lượng HS-SV toàn trường khi từ 8.079 em ở năm học 2011 - 2012 giảm còn 7.489 trong năm học 2012 - 2013 và đến năm học 2013 - 2014 chỉ còn 6.157 HS-SV (giảm gần 2 nghìn học viên). Tương tự, sau thời gian phát triển khá mạnh mẽ (nhờ một phần đào tạo các ngành văn thư lưu trữ, kế toán), các trường CĐ tư thục Đông Á, Phương Đông đang bước vào thời kỳ thoái trào, thậm chí Trường CĐ Phương Đông chuyển hướng đào tạo nhưng vẫn khó thu hút người học.

Phát biểu tại hội nghị công bố Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng Quảng Nam không thể cạnh tranh với các trung tâm khác mà gần nhất là Đà Nẵng trong việc phát triển các trường ĐH.  Vì vậy, nên đầu tư xây dựng trường nghề có chất lượng cao, tạo ra thương hiệu và Quảng Nam hoàn toàn có điều kiện để thực hiện mục tiêu này.

Rõ ràng, thách thức cho các trường ĐH, CĐ hiện tại là rất lớn và thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn, thậm chí còn lớn hơn. Đó là chưa kể, vừa qua Bộ GD-ĐT có quyết định siết chặt đào tạo bằng việc cắt một số ngành đào tạo của những cơ sở giáo dục không đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giảng viên. Trường ĐH Quảng Nam bị cắt 5 ngành ĐH trong tuyển sinh năm 2014 và 4 ngành CĐ đưa vào diện cảnh báo trong tuyển sinh năm 2015. Thế nên, theo các chuyên gia giáo dục, việc phát triển thêm trường ĐH trên địa bàn tỉnh là điều cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng. Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam Lương Văn Vui cho rằng, nâng cấp lên thành trường ĐH sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho trường như nhận được sự đầu tư từ Trung ương, cải thiện tình hình tuyển sinh, đóng góp tốt hơn cho việc đào tạo nguồn cán bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề đặt ra khi nâng cấp lên thành trường ĐH như diện tuyển sinh sẽ bị thu hẹp lại do phải giảm chỉ tiêu đào tạo CĐ và không còn trung cấp. Chất lượng đào tạo và hiệu quả đầu tư cũng là điều đáng bàn. “Nâng cấp lên thành trường ĐH thì trước mắt là một ĐH yếu và phải nỗ lực, cố gắng mất một thời gian dài khoảng 10 năm may ra mới trở thành trường mạnh, đào tạo có chất lượng. Do vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có quyết định phù hợp về định hướng (chuyên ngành hay cộng đồng) và thời điểm nâng cấp” - ông Vui nói. Trong khi đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tấn Thắng chia sẻ: “Theo quan điểm cá nhân tôi, Quảng Nam không nên phát triển thêm trường ĐH mà tập trung củng cố 2 trường ĐH hiện tại là ĐH Quảng Nam và Phan Châu Trinh vì nhu cầu học tập hiện nay không lớn, vả lại Bộ GD-ĐT cũng không cho mở thêm. Trong tương lai, Trường ĐH Quảng Nam là trung tâm còn các trường khác là vệ tinh sẽ giúp cho giáo dục ĐH, CĐ Quảng Nam phát triển mạnh và có chất lượng”.

XUÂN PHÚ
Bài 5: Đi trước một bước

XUÂN PHÚ Bài 5: Đi trước một bước