An sinh xã hội và quyền làm việc của công dân
Bảo đảm an sinh xã hội và quyền làm việc là hai vấn đề mới được Hiến pháp 2013 hiến định, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34) là một quyền mới trong Hiến pháp 2013 mà các bản Hiến pháp trước đây không quy định. Hiến pháp 2013 còn quy định ở Điều 59, khoản 2: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội... Bên cạnh đó, Điều 35 Hiến pháp 2013 quy định về quyền làm việc của công dân, đây cũng là điểm khác so với Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1992 quy định nội dung này ở các Điều 55 và 56, với nội dung cơ bản là quy định trách nhiệm của Nhà nước như: “Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động; Nhà nước ban hành chính sách, chế độ bảo hộ lao động. Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ bảo hiểm xã hội đối với viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương; khuyến khích phát triển các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động”. Hiến pháp năm 2013 chỉ có một điều tập trung quy định về quyền làm việc của công dân, còn những chính sách, quan điểm, trách nhiệm của Nhà nước thì đưa vào Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường. Theo đó, Điều 35 Hiến pháp 2013 quy định về quyền của công dân như sau:
Quyền làm việc và được bảo đảm an sinh xã hội là hai nét mới được quy định trong Hiến pháp 2013. Ảnh minh họa |
1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc;
2. Người làm công ăn lương được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi;
3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.
Như vậy, xuất phát từ đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung một quyền mới của công dân là: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34). Quyền mới này là cơ sở hiến định để công dân bảo đảm có được thu nhập tối thiểu nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập. Đây cũng là cơ sở để Nhà nước xây dựng hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội. So với các quyền khác của công dân, quyền bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện và trở thành hiện thực chỉ khi Nhà nước xây dựng được một hệ thống duy trì thu nhập. Vì vậy, Nhà nước có vai trò quyết định trong việc thực hiện quyền này của công dân. Chính vì thế, cùng với Điều 34, ở Điều 59 còn quy định Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Về việc làm, công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc là quyền cơ bản của công dân. Để quyền này được thực hiện, ngoài vai trò quyết định của bản thân công dân, trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Theo đó, ngoài Điều 35, tại Điều 57 (Chương III) quy định:
1. Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, tạo việc làm cho người lao động.
2. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Đồng thời để bảo đảm cho công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm, Hiến pháp 2013 còn quy định người sử dụng lao động phải bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương và chế độ nghỉ ngơi; nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 không những quy định quyền của công dân mà còn quy định các bảo đảm để cho công dân có điều kiện để thực hiện quyền trong đó có trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động.
HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP - Hỏi:Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức nào? - Trả lời: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. - Hỏi:Việc bầu cử, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào? - Trả lời: Điều 7 Hiến pháp năm 2013 quy định việc bầu cử, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân như sau: 1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân. - Hỏi:Nhà nước được tổ chức, hoạt động và quản lý xã hội theo nguyên tắc nào? - Trả lời: Theo Điều 8 Hiến pháp năm 2013, Nhà nước được tổ chức, hoạt động và quản lý xã hội theo nguyên tắc: 1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. 2. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG) |
KIẾN TÂN (tổng hợp)