Nhân Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Nam Giang lần thứ II, năm 2014: Vang mãi bài ca kết đoàn

ALĂNG NGƯỚC 22/07/2014 10:40

Hôm nay 22.7, huyện Nam Giang tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2014. Đại hội tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần: “Đại đoàn kết các dân tộc và sự gắn kết các cộng đồng dân cư là truyền thống quý báu, động lực chủ yếu cho sự phát triển toàn diện…”.

Mối tình non ngàn

Huyền tích Bến Giằng lưu dấu về bài ca kết đoàn, về mối tình keo sơn giữa các dân tộc anh em, giữa đồng bào hai miền xuôi - ngược trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc. “Mối tình” đó - nay được tiếp nối bằng những dòng nhật ký đầy màu sắc về tinh thần đoàn kết bền chặt, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương Nam Giang ngày càng phát triển.

Đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang đoàn kết, chung sức gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang đoàn kết, chung sức gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới.

In đậm trong ký ức của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng,… là những tháng ngày cùng nhau kiên cường đánh giặc, bám đất giữ làng. Trong đó, tiêu biểu là những cuộc đấu tranh của các vị tộc trưởng dòng họ Kaphu trong phong trào Cần vương (1885); cuộc nổi dậy của nhân dân Nam Giang xuống đồn Bốt Six, rồi tới Hội An buộc Công sứ Pháp Đuy-cơ-rê phải chấp nhận chấm dứt mở các cuộc hành quân lên vùng cao, bắt dân đi xâu và ngăn cản việc đi lại mua bán giữa các đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang với thương lái Bến Giằng. Hay cuộc đấu tranh đánh địch tại ngọn núi Công C’neng do các ông Tr’gia, Tr’ging đứng đầu với chiến công vang dội.

Học sinh thôn Vinh, xã Tà Pơơ vui trên cây cầu của Coor Dênh xây dựng cho dân làng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Học sinh thôn Vinh, xã Tà Pơơ vui trên cây cầu của Coor Dênh xây dựng cho dân làng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cùng với phong trào chống “xâu Giằng”, phong trào nuôi giấu, bảo vệ cán bộ của đồng bào vùng cao đã cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh giành độc lập, đi đầu là nhân dân làng Rô đùm bọc cho nhà Tố Hữu và nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ sau cuộc vượt ngục Đăk Lây (Kon Tum) về Đại Lộc bắt liên lạc với Đảng. Khi Đảng bộ huyện Nam Giang được thành lập (6.1949), đã “tiếp lửa” cho các cuộc vận động đoàn kết giữa các dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ vững vùng biên giới và xây dựng Nam Giang trở thành căn cứ địa vững chắc của chiến trường Quảng Nam. Giữa tình yêu núi rừng, lòng khát khao tự do đã rèn cho đồng bào vùng cao Nam Giang lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất. “Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc đoàn kết thực hiện thắng lợi phong trào chiến tranh du kích, chống âm mưu của địch trong việc chia cắt miền núi. Thực hiện chính sách dân tộc trên các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội; cũng như phong trào “Rèn cán, chỉnh quân” đạt được nhiều kết quả quan trọng”- Bí thư Huyện ủy Nam Giang, Chơ Rưm Nhiên nói.

“Không có con đường nào khác, ngoài việc các tộc người nghe theo lời Đảng, lời Bác Hồ xóa hết oán thù, đoàn kết lại với nhau. Chỉ có đoàn kết, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc mới có được hạnh phúc, sống yên vui với núi rừng”.
(Thông điệp của Đại hội đoàn kết các dân tộc huyện Bến Giằng tại Oóc Rung vào tháng 3.1953)

Chú trọng việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được khẳng định qua các kỳ đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số huyện Nam Giang, ghi dấu những “cột mốc” giữa mối tình non ngàn; tạo thế trận vững chắc, xóa bỏ hiềm khích thù hận giữa các dân tộc, mở ra trang sử mới: đoàn kết một lòng, ăn thề kết nghĩa anh em. Sức mạnh tình đoàn kết, lòng tự hào dân tộc đã gắn kết đồng bào vùng cao Nam Giang ngày càng gần nhau, keo sơn vững chắc, có thể kể từ Đại hội liên huyện Bến Giằng - Bến Hiên, ngày 10 đến 12.1.1950, tại Cột Bườm (Bến Giằng); cho đến các kỳ Đại hội tháng 2.1951, tại Pà Rồng (Bến Giằng), tháng 3.1953 tại Oóc Rung (xã Ra Ràng), tháng 1.1961 tại thôn Pà Ghì (xã Tà Pơơ); 10.1963 tại thôn Pà Păng (xã Tà Pơơ),  tháng 11.1967, tại Pà Ghì (xã Tà Pơơ) và 5.1973, tại thôn  Pà Păng (xã Tà Pơơ).

Cho muôn đời sau

Qua 5 năm thực hiện quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Nam Giang lần thứ I, nhiều chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được triển khai khá đồng bộ: hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hơn 3.000 gia đình chính sách, khai hoang hơn 10ha diện tích lúa nước, xây dựng 56 công trình phục vụ dân sinh, 17 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 719 hộ sử dụng và hỗ trợ kinh phí cho 1.176 hộ sử dụng nước phân tán,… với tổng kinh phí đầu tư trên 73 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Nam Giang cũng đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.200 lao động với thu nhập bình quân mỗi tháng 3,28 triệu đồng/lao động. Đến nay, 100% các xã trên địa bàn huyện có đường ô tô, 10/12 xã có điện lưới quốc gia thắp sáng; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp tăng từ 41,292 tỷ đồng (năm 2009) lên 157,095 tỷ đồng (năm 2013).

Lần đầu tiên, sau hơn 30 năm kể từ khi Đại hội đoàn kết các dân tộc huyện Nam Giang được mở vào cuối năm 1978, đồng bào các dân tộc toàn huyện được chứng kiến một cuộc đại hội với sự kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, về con đường mà mình đã lựa chọn, đầy niềm tin, lòng tự hào và kiêu hãnh, được tổ chức vào năm 2009. Sự đồng lòng đã được thể hiện tại quyết tâm thư của đại hội, bày tỏ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ; nguyện chung tay xây dựng buôn làng phát triển bền vững, nâng cao đời sống dân sinh; phát huy bản sắc dân tộc và giữ vững tinh thần đấu tranh chống mọi kẻ thù. Qua 5 năm, quyết tâm thư của đại hội đã trở thành “cột mốc” để đồng bào vùng cao Nam Giang hướng đến, tạo nên sự đồng thuận, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”, góp sức xây dựng nông thôn mới. Những công trình, dự án được đầu tư đồng bộ, có thể nhắc đến như: nhà máy xi măng Thạnh Mỹ, các dự án thủy điện sông Bung; làng dệt thổ cẩm Za Ra; đường Đông Trường Sơn, quốc lộ 14B-14D, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc,… đang dần đánh thức tiềm năng phát triển của vùng, góp phần tạo nên diện mạo mới đầy màu sắc của Nam Giang hôm nay.
Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, cùng với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, khối đại đoàn kết dân tộc luôn được quan tâm, tạo thế mạnh vững chắc và đem lại nhiều kết quả đáng mừng. “Công tác xây dựng nông thôn mới, quy hoạch cán bộ, cho đến công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện chính sách dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số,… đã mang lại nhiều khởi sắc cho công cuộc đổi mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn huyện”, ông Mai tự hào.

Luồng sinh khí mới đã thổi vào nhận thức của đồng bào vùng cao Nam Giang với nhiều tấm gương được nhắc đến với bao niềm tự hào, trân trọng. Đó là những hộ dân Zơrâm Hiếu (ở thôn Đắc Ch’đây, xã La Dêê), Alăng Rinh, Bh’nướch Agư (thôn Vinh, xã Tà Pơơ),… tình nguyện hiến đất làm đường và xây trường học; hành động nghĩa hiệp của Coor Dênh (thôn Vinh, xã Tà Pơơ), Arất Mông (thôn Công Dồn, xã Zuôih) tự bỏ tiền túi hàng trăm triệu đồng để xây cầu bê tông và trường học cho dân làng. Những tấm gương đó, sẽ còn tiếp tục được viết nên bởi người dân Nam Giang, bởi tình đoàn kết bền chặt luôn được ghi dấu trên dòng sông Bung, giữa huyền tích Bến Giằng.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC