Nhận diện những đột phá - Bài 1: Tuyển sinh vào lớp 10: Sáng tạo, linh hoạt
Sau nhiều năm tổ chức thi tuyển, từ năm 2012, tuyển sinh lớp 10 của Quảng Nam chuyển sang phương thức xét tuyển kết hợp với phân tuyến theo địa bàn. Người khen, kẻ chê nhưng sau 2 năm thực hiện, đa số đều thống nhất với nhận định đây là phương thức tuyển sinh hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay.
Nhiều thay đổi
Một thời gian dài, Quảng Nam thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 theo 2 phương thức khác nhau tùy theo điều kiện của từng địa phương. Cụ thể, đối với các huyện miền núi, do yêu cầu tuyển sinh 100% số học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào lớp 10 nên chọn phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập và hạnh kiểm (cho đến nay vẫn tiếp tục thực hiện). Riêng đối với các địa phương đồng bằng, với nhiều loại hình trường và yêu cầu phân luồng HS, do đó phương thức tuyển sinh thi 2 môn Văn, Toán kết hợp xét tuyển dựa trên kết quả học tập 4 năm ở bậc THCS được lựa chọn. Theo từng năm, dù có nhiều thay đổi để hoàn chỉnh như phân định vùng ven, HS được đăng ký dự thi 2 nguyện vọng vào 2 trường THPT (ngoài trường THPT chuyên) nhưng phương thức thi kết hợp với xét tuyển vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều năm loay hoay với tuyển sinh lớp 10 khiến không chỉ Sở GD-ĐT mà cả UBND tỉnh cũng phải vất vả, phụ huynh gửi đơn kiến nghị.
Bỏ thi chuyển qua xét tuyển vào lớp 10 giảm áp lực cho học trò. Ảnh: X.PHÚ |
Vì lẽ đó, năm 2012 sau “hội nghị Diên Hồng” như cách nói của cố Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả, phương thức tuyển sinh lớp 10 bắt đầu được thay đổi. Thay vì thi kết hợp với xét như trước đây, các trường THPT ở đồng bằng tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp phân vùng tuyển sinh. Với phương thức này, các huyện, thành phố có trách nhiệm phân vùng tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn sao cho hợp lý, tạo điều kiện cho HS đi học thuận lợi. Năm học 2014 - 2015 tới sẽ là năm thứ 3 liên tiếp thực hiện tuyển sinh lớp 10 theo phương thức này. Lý giải về việc thay đổi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tấn Thắng cho rằng, đó là phương thức tuyển sinh mang tính linh hoạt, sáng tạo khi vận dụng quy chế của Bộ GD-ĐT, phù hợp với thực tiễn của tỉnh (quy mô HS ngày càng giảm trong khi đội ngũ, trường lớp ổn định) và đặc biệt là xu thế chung về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đặt ra. “Hơn nữa, phân tuyến tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi chính đáng của HS, tạo sự đồng đều về chất lượng của các trường, giúp tạo nên một cuộc cách mạng trong đội ngũ giáo viên” - ông Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ý nghĩa nêu trên, tuyển sinh theo phương thức xét tuyển sẽ giảm áp lực thi cử không đáng có trong HS và phụ huynh; giúp HS được học tập nhiều môn hơn (vì không phải tập trung cho 2 môn thi là Toán và Văn), chống tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, tiêu cực; tiết kiệm nguồn ngân sách cho công tác tổ chức thi. Ngoài ra, phân tuyến còn giải quyết được những bất cập trong tuyển sinh trước đây như trường thừa - trường thiếu HS, hay tình trạng nhiều em điểm thi cao lại rớt, điểm thấp lại đậu… Thế nên, không ngạc nhiên khi tại hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh lớp 10 và bàn phương hướng tuyển sinh cho năm học 2014 - 2015 do Sở GD-ĐT tổ chức cách đây không lâu, đa số ý kiến của lãnh đạo các trường THPT đều đánh giá khá cao những ưu điểm của xét tuyển kết hợp phân vùng tuyển sinh trong thời gian qua; đồng thời đề nghị tiếp tục thực hiện trong tuyển sinh năm học 2014 - 2015 và các năm đến.
Những băn khoăn
Bên cạnh nhiều ưu điểm, phương thức xét tuyển kết hợp phân vùng tuyển sinh vào lớp 10 cũng gây không ít băn khoăn trong một số nhà quản lý giáo dục. Bỏ thi tuyển ảnh hưởng đến ý chí, nỗ lực phấn đấu học tập của một bộ phận HS bởi các em cho rằng mình đương nhiên có “ghế” ở trường THPT. Cạnh đó, lãnh đạo nhiều trường THPT than phiền chất lượng giáo dục thấp, tình trạng bỏ học gia tăng trong thời gian thực hiện xét tuyển. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành) cho biết năm học vừa qua, ngày đầu tiên nhập học đã có 24 em lớp 10 không đến lớp và đến cuối năm đã có 70 em bỏ học, coi như trường mất trắng 2 lớp. Trong khi đó, với mong muốn càng nhiều con em được học THPT nên chính quyền các địa phương lại đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10. Đây thật sự là bài toán nan giải khi ý tưởng giữa các trường THPT và địa phương không gặp nhau, gây khó khăn trong xây dựng kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh. Vì vậy, từ 95% của năm học 2013 - 2014, UBND tỉnh đã quyết định giảm tỷ lệ tuyển sinh năm học 2014 - 2015 xuống còn 90% so với số HS tốt nghiệp THCS. Với một số trường THPT, tỷ lệ này vẫn còn cao nhưng theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tấn Thắng, 3 năm gần đây số HS lớp 9 sụt giảm đến 6.000 em nên nếu hạ tỷ lệ tuyển sinh thêm sẽ dẫn đến nguy cơ lãng phí do dư thừa cơ sở vật chất, đội ngũ.
Nói về việc thành lập Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, ông Thắng cho biết sau 10 năm, chỉ có 87 HS các địa phương phía bắc của tỉnh vào học Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vì vậy, vấn đề đặt ra là thành lập thêm ngôi trường chuyên thứ 2 tại TP.Hội An để làm nhiệm vụ thu hút, đào tạo nhân tài. Việc thành lập 2 trường THPT chuyên theo đúng tinh thần đề án của Thủ tướng Chính phủ là mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường chuyên và số lượng HS chuyên chiếm tối đa 2% so với tổng số HS THPT cả tỉnh. Hiện Quảng Nam là một trong 8 địa phương trên cả nước có 2 trường THPT chuyên. |
Trước đây khi HS còn được quyền tự do chọn lựa trường THPT để thi tuyển đã tạo nên những ngôi trường “hạng hai” khi gần như không có HS giỏi, không có HS đậu đại học; giáo viên ít nhiều cũng mang tâm lý tự ti, mặc cảm. Khi xóa bỏ tự do chọn trường chuyển sang phân vùng tuyển sinh, đầu vào của các trường THPT sẽ đồng đều hơn, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, kể cả đội ngũ giáo viên của các trường không đều nhau, thậm chí khá chênh lệch. Chẳng hạn tại TP.Tam Kỳ, so với các trường thì Trường THPT Duy Tân kém xa về nhiều mặt. Sau 3 năm kể từ khi thành lập, hiện trường vẫn phải mượn tạm cơ sở cũ đã không còn sử dụng của một trường THCS để giảng dạy. Đội ngũ giáo viên cũng có những hạn chế vì phần lớn đều còn trẻ, từ miền núi luân chuyển về. Từ đó, nhiều phụ huynh ở các xã vùng đông Tam Kỳ cho rằng, buộc vào học tại Trường THPT Duy Tân khiến cho con em họ chịu nhiều thiệt thòi so với khi lên học THPT Trần Cao Vân hay Phan Bội Châu.
Theo ông Nguyễn Tấn Thắng, quan điểm đầu tư là bình đẳng chứ không phân biệt trường này đầu tư nhiều, trường kia đầu tư ít. Còn điều kiện của Trường THPT Duy Tân chưa bằng các trường khác là do mới thành lập và trước đây TP.Tam Kỳ là chủ đầu tư nhưng vì khó khăn về nguồn vốn dẫn đến chậm trễ trong xây dựng. “Dù vậy, phân vùng tuyển sinh vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của HS, vừa tạo ra công bằng cho giáo viên, giúp họ có thêm động lực thi đua dạy tốt. Và điều quan trọng hơn, thời gian tới sẽ có thêm nhiều trường Sào Nam, Trần Quý Cáp, Nguyễn Duy Hiệu hay Trần Cao Vân - những ngôi trường có thương hiệu về chất lượng dạy - học” - ông Thắng chia sẻ.
XUÂN PHÚ
Bài 2: Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú:
Đằng sau một chủ trương nhân văn