Thế giới sẽ kiểm soát được HIV/AIDS vào năm 2030
Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS đang diễn ra tại thành phố Melbourne (Úc) ghi nhận những kết quả đạt được trong cuộc chiến HIV/AIDS trên toàn cầu, bày tỏ tiếc thương nhà nghiên cứu hàng đầu về AIDS, Joep Lange đã tử nạn trong vụ máy bay MH17 rơi tại Ukraine.
Được tổ chức hai năm một lần, Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS lần thứ 20 diễn ra từ ngày 20 - 25.7 với sự tham gia của khoảng 12 nghìn đại biểu là các nhà lãnh đạo, nghiên cứu, chuyên gia y tế…Hội nghị được tổ chức trong lúc Liên hiệp quốc vừa có báo cáo mới nhất về căn bệnh thế kỷ AIDS với những tín hiệu đáng mừng. Số ca nhiễm mới HIV và tử vong do AIDS trên toàn cầu đã giảm. Cụ thể, số trường hợp mới được phát hiện vào năm 2013 là 2,1 triệu người - ít hơn so với con số 3,4 triệu năm 2011 (tức giảm 38%). Số ca tử vong do nhiễm AIDS đã giảm 1/5 trong ba năm qua, dừng ở mức 1,5 triệu người/ năm. Kết quả này được xem như bước ngoặc để thế giới có thêm hy vọng tiến tới việc kiểm soát được căn bệnh chết người này vào năm 2030, sẽ ngăn chặn 18 triệu ca nhiễm HIV mới và 11,2 triệu ca tử vong AIDS.
Joep Lange, “cây đại thụ” nghiên cứu về AIDS của thế giới đã tử nạn khi đang trên đường tới hội nghị.Ảnh:Masable.com |
Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong đợi, thế giới cần có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 35 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS nhưng chưa đến một nửa của số đó được điều trị với kháng vi rút HIV. Theo Cơ quan Phòng chống HIV/AIDS của Liên hiệp quốc (UNAIDS), những người nhiễm HIV cần được đoán sớm và điều trị tốt hơn, mới đánh bại được AIDS. “Thách thức hiện nay là các nhóm dễ bị nhiễm nhất, như người đồng tính nam, người bán dâm và người nghiện ma túy, họ không tìm cách điều trị vì sợ bị kỳ thị hoặc truy tố. Nếu chúng ta không thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh trong các nhóm này, AIDS sẽ ở mãi bên chúng ta”- ông Loures, Phó Giám đốc điều hành của UNAIDS đã nói.
Thật đáng tiếc, Hội nghị quốc tế về AIDS lần này bị bao trùm bởi thảm kịch vụ máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị rơi ở vùng chiến sự miền đông Ukraine vào ngày 17.7, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Trong đó có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu y tế đang trên đường đến Úc để tham dự Hội nghị quốc tế về AIDS. Như giáo sư Joep Lange, được cả thế giới vinh danh là “cây đại thụ” trong lĩnh vực nghiên cứu và tìm ra những tiến bộ vô giá trong điều trị bệnh AIDS ở châu Á và châu Phi. Ông cũng đóng vai trò tiên phong trong việc tìm ra phác đồ thuốc kháng vi rút với giá cả phải chăng và đơn giản để phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con.
Hiệp hội quốc tế về AIDS đã ra tuyên bố có đoạn: “Vào thời khắc vô cùng đau khổ và nhạy cảm này, hiệp hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình cựu chủ tịch của chúng tôi cũng như toàn bộ thân nhân những hành khách trên chuyến bay MH17. Sự ra đi của ông Joep Lange là mất mát to lớn không dễ gì bù đắp với phong trào phòng chống HIV/AIDS trên thế giới”. Những chuyên gia nổi tiếng khác cùng chung số phận với Joep Lange là Pim de Kuijer thuộc tổ chức phòng chống HIV/AIDS STOP AIDS NOW, Giám đốc tổ chức châu Âu hành động vì AIDS Lucie van Mens cùng đồng nghiệp của bà là Maria Adriana de Schutter, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới WHO Glenn Thomas và chuyên gia của viện phát triển và y tế toàn cầu Amsterdam, Jacqueline van Tongeren.
QUỐC HƯNG