Đảng phải xứng đáng với dân

KIẾN QUỐC 21/07/2014 09:11

Hiến pháp 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội...”.

 So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 có sự bổ sung và phát triển quan trọng, đã khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là “đội tiên phong của giai cấp công nhân” mà đồng thời là “đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”. Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu trong Điều 4 của Hiến pháp trước đây không nói rõ trách nhiệm của Đảng, thì lần này Hiến pháp 2013 đã đưa vào và nhấn mạnh “Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân”. Đó là sức sống của Đảng. Thêm vào đó, Đảng phải “phục vụ nhân dân, phải “chịu sự giám sát của nhân dân” và phải “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Nếu như quyết định không đúng, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước dân tộc. Đây là điểm rất mới của Hiến pháp.

Đảng có trọng trách trong việc lãnh đạo xây dựng bộ máy chính quyền.  Trong ảnh: Sở Nội vụ họp bàn công tác xây dựng chính quyền.
Đảng có trọng trách trong việc lãnh đạo xây dựng bộ máy chính quyền. Trong ảnh: Sở Nội vụ họp bàn công tác xây dựng chính quyền.

Đảng có vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội nhưng vì trong xã hội có lực lượng của nhiều tổ chức chính trị - xã hội khác nhau nên sự thừa nhận chính thức vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp là rất cần thiết. Với sự thừa nhận đó, Đảng có trọng trách trong việc lãnh đạo xây dựng bộ máy chính quyền, trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại để giành thắng lợi cho cách mạng. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc được thực hiện theo cơ chế chung là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

“Điều 4 Hiến pháp 2013 đã có những bổ sung hết sức quan trọng về vai trò, quyền và trách nhiệm của Đảng. Bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào, để có thể phát huy hiệu quả nhất vai trò của mình, bên cạnh việc được trao quyền lực phải đi liền với trách nhiệm. Quyền của Đảng là lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội. Nhân dân tin tưởng giao cho Đảng quyền lực này. Và nhân dân hoàn toàn có quyền yêu cầu Đảng phải xứng đáng với niềm tin đó, tức là yêu cầu Đảng phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, phải gắn bó máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân - những người đã trao cho Đảng quyền lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
(Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội)

Như vậy, Điều 4 Hiến pháp thể hiện quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong thời gian tới, với sự tác động mạnh mẽ của tình hình khu vực và thế giới, ảnh hưởng lớn từ các vấn đề trong nước dự kiến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức mới. Các thế lực thù địch, phản động đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện các âm mưu, chiến lược hoạt động “diễn biến hòa bình”, tác động từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta. Trong đó, mục tiêu hàng đầu của chúng là xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, từ đó lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chính vì vậy, việc bảo vệ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trên cả phương diện pháp lý và thực tiễn là rất quan trọng.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là tất yếu của lịch sử.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi: Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định như thế nào trong Hiến pháp?

- Trả lời: Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 2013 như sau:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

- Hỏi:Hiến pháp quy định quan hệ giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam như thế nào? Ngôn ngữ quốc gia là gì?

- Trả lời: Điều 5 Hiếp pháp năm 2013 quy định quan hệ giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam và sử dụng ngôn ngữ quốc gia như sau:

1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

KIẾN QUỐC

KIẾN QUỐC