Quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân

KIẾN QUỐC (Tổng hợp) 18/07/2014 08:25

Hiến pháp năm 2013 có nhiều nội dung mới. Một trong những điểm mới cơ bản là chủ quyền Nhân dân được đề cao và thể hiện xuyên suốt, nhất quán toàn bộ nội dung của bản Hiến pháp.

“Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” đã được trang trọng ghi nhận tại điều 2 Hiến pháp 2013. Đây là sự tiếp tục quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về việc đề cao chủ quyền Nhân dân, khẳng định ở “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ” (điều 2). Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Thông qua Hiến pháp, Nhân dân giao quyền, Nhân dân ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho Nhà nước. Vì thế, không những điều 2 quy định nội dung nói trên mà còn rất nhiều điều thể hiện sâu sắc và nhất quán tư tưởng đề cao chủ quyền Nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam không những là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà còn phải “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Hiến pháp 2013 quy định, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Trong ảnh: Nhân dân TP.Tam Kỳ góp ý xây dựng chính quyền. Ảnh: V.ANH
Hiến pháp 2013 quy định, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Trong ảnh: Nhân dân TP.Tam Kỳ góp ý xây dựng chính quyền. Ảnh: V.ANH

Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta “là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân” (khoản 1, điều 2). Hiến pháp sửa đổi đã bổ sung một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Đó là quyền lực nhà nước là thống nhất, không chỉ được phân công, phối hợp mà còn có sự kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (khoản 3, điều 2). Đây là một trong những nguyên tắc nền tảng về tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Bởi Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nên Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là một tất yếu. Kiểm soát quyền lực nhà nước được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các chương của Hiến pháp sửa đổi đặc biệt là trong các chương về Quốc hội, Chính phủ, Tòa án và Viện Kiểm sát. Trong các chương này của Hiến pháp sửa đổi đã có những điều chỉnh để làm rõ hơn, minh bạch hơn chức năng nhiệm vụ quyền hạn của từng cơ quan. Đó là cơ sở để hình thành cơ chế Nhân dân đánh giá, kiểm soát quyền lực của Nhà nước mà mình đã trao cho mỗi quyền. Đây là cơ sở Hiến định để sau này các luật về tổ chức bộ máy nhà nước sẽ cụ thể hóa cơ chế đó.

Phương tiện để Nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình, đó là thực hành quyền lập hiến. Bằng quyền lập hiến, Nhân dân ủy thác quyền lập pháp cho Quốc hội, quyền hành pháp cho Chính phủ và quyền tư pháp cho Tòa án. Theo đó, có thể thấy rằng quyền lập hiến là quyền lực tối cao; ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều khởi xướng từ quyền lập hiến. Quyền lập hiến là quyền thể hiện một cách trọn vẹn nhất quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, bởi Hiến pháp là bản văn thể hiện quyền lực nhà nước cao nhất. Vì thế, trong nhà nước dân chủ và pháp quyền thì quyền lực nhà nước thuộc về ai, chủ thể đó có quyền lập hiến và khi Nhân dân có quyền lập hiến thì Nhân dân trở thành chủ thể phân công quyền lực nhà nước. Nhận thức sâu sắc điều đó, điều 69 của Hiến pháp 2013 quy định: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến…” (khác với Hiến pháp năm 1992 quy định “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến” - điều 83). Đồng thời Quốc hội được Hiến pháp (tức là Nhân dân) giao cho một số quyền của quyền lập hiến như đề xuất sửa đổi Hiến pháp, thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, thảo luận và biểu quyết thông qua Hiến pháp, khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định (điều 120).

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi:Nhà nước, bản chất nhà nước và quyền lực nhà nước ta được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định như thế nào?

- Trả lời: Nhà nước, bản chất nhà  nước và quyền lực nhà nước ta được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) quy định như sau:


1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

3. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức.

4. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

- Hỏi:Nhà nước có trách nhiệm như thế nào đối với Nhân dân?

- Trả lời: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.(BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN QUỐC (Tổng hợp)

KIẾN QUỐC (Tổng hợp)