60 năm ký kết Hiệp định Genève (20.7.1954 - 20.7.2014): Không thể chia cắt lòng dân với Đảng

PHẠM THÔNG 18/07/2014 08:21

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), từ phía nam sông Thu Bồn trở vào là vùng Mặt trận Việt Minh hoàn toàn làm chủ, nối dài đến Phú Yên tạo thành vùng tự do Liên khu 5 rộng lớn. Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh Quảng Nam đã lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh ra sức xây dựng vùng tự do, đồng thời sẵn sàng đánh địch càn quét lấn chiếm để bảo vệ thành quả đã giành được từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Suốt trong những năm từ 1947 đến tháng 7.1954, ta đã giữ vững trận địa, phát triển sản xuất, văn hóa xã hội; xây dựng nền an ninh chính trị vững vàng, bảo tồn và phát huy thành quả cách mạng đã giành được. Đến cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng đã phát triển hơn 35.000 đảng viên, được tổ chức chặt chẽ, phân bố khắp các vùng thành phố, nông thôn và miền núi. Hệ thống chính quyền, mặt trận, đoàn thể được xây dựng vững mạnh ở vùng tự do, vùng du kích. Thế và lực của lực lượng cách mạng đã lớn mạnh gấp bội so với những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trải qua chín năm gian khổ và ác liệt, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã đóng góp sức người sức của hết sức to lớn vào công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Cuối cùng cuộc chiến đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève, lấy Vĩ tuyến 17 làm ranh giới, sau 2 năm sẽ Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Miền Bắc tập trung sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam. Ảnh tư liệu.
Miền Bắc tập trung sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam. Ảnh tư liệu.

Theo quy định của Hiệp định Genève, Mặt trận Việt Minh phải bàn giao toàn bộ vùng đất miền Nam cho địch, rút gần như toàn bộ lực lượng cách mạng ra phía bắc Vĩ tuyến 17. Hiệp định Genève được ký kết, đứng về đại cuộc thì đó là một thắng lợi, nhưng tại miền Nam nói chung và Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng thì thế và lực của cách mạng đột ngột thay đổi: từ chỗ ta làm chủ một địa bàn rộng lớn nay phải bàn giao lại cho địch; từ chỗ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị không được phép dùng vũ khí; từ chỗ hoạt động công khai, chủ động với một lực lượng quân sự, chính trị hùng hậu, nay phải phân tán, xé lẻ và chuyển vào bí mật.

Tình hình Việt Nam sau Hiệp định Genève 1954

Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương được ký kết đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ đối với 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Tại Việt Nam, chúng ta đã thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản quy định về đình chiến, tập kết chuyển quân và chuyển giao khu vực. Nhưng phía Pháp chỉ thực hiện khi có những đấu tranh mạnh mẽ và kiên quyết của nhân dân ta.

Ngày 10.10.1954, quân Pháp rút khỏi Hà Nội. Cùng ngày, quân ta tiến vào tiếp quản. Thủ đô giải phóng rợp cờ hoa, biểu ngữ, vang dậy tiếng hoan hô của đồng bào mừng đón đoàn quân chiến thắng trở về.

Ngày 1.1.1955, tại quảng trường Ba Đình lịch sử đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể của hàng chục vạn nhân dân Hà Nội chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về thủ đô.

Ngày 16.5.1955, toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng, và đến ngày 22.5.1955 thì rút khỏi đảo Cát Bà. Miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng.

Trong tình hình đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền, Đảng và Chính phủ đề ra cho cách mạng mỗi miền những nhiệm vụ chiến lược phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu của cách mạng từng miền, nhằm chấm dứt tình trạng đất nước bị chia cắt.

Ở miền Bắc, sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân căn bản hoàn thành, Đảng chủ trương chuyển sang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, do vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Đảng chủ trương tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Mở đầu thời kỳ ta đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam. Hai miền đồng thời thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu chung của cách mạng cả nước là đánh Mỹ và bọn tay sai, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất đất nước, tạo điều kiện để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.

Trong việc thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu chung của cách mạng cả nước, cách mạng mỗi miền có vị trí và vai trò khác nhau. Miền Bắc là hậu phương nên nó có vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng cả nước và sự nghiệp thống nhất đất nước. Miền Nam là tiền tuyến nên nó có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hậu phương và tiền tuyến, cách mạng hai miền Bắc - Nam, do đó, có quan hệ gắn bó với nhau, phối hợp với nhau, tác động qua lại và thúc đẩy lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển.

Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh. Thời gian chuyển hướng phương pháp cách mạng và chuyển quân tập kết ra miền Bắc chỉ trong vòng 15 đến 30 ngày, thật vô cùng gấp rút. Trong thời hạn đó, hầu hết quân đội, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phải tập trung tại An Tân (huyện Núi Thành ngày nay) đi bằng đường bộ hoặc xuống cửa An Hòa lên thuyền vào Quy Nhơn để lên tàu ra miền Bắc. Trong lòng những người ra đi đều tin tưởng rằng, sau 2 năm sẽ quay về miền Nam cùng với nhân dân tiến hành Tổng tuyển cử thống nhất đất nước...

Nhưng lịch sử đã không diễn ra như vậy. Với rắp tâm chia cắt lâu dài đất nước ta, ngay từ những ngày đầu tiếp quản vùng đất phía nam tỉnh Quảng Nam, kẻ địch lập tức tiến hành cuộc chiến tranh một phía, đàn áp phủ đầu những người kháng chiến cũ và nhân dân vùng tự do. Tại Chợ Được, Thăng Bình; tại khu vực Miếu Trắng, Chiên Đàn, Tam Kỳ; tại Cây Cốc, Sơn - Cẩm - Hà, Tiên Phước và ở nhiều nơi khác chúng xả súng và dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo giết hại người dân vô tội. Chúng tấn công quyết liệt vào các tổ chức đảng, thực hiện triệt để chính sách “tố cộng”, nhằm đánh trốc tất cả mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng. Hàng ngày, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đến hàng trăm người bị bắt, bị giam, bị giết chết. Nhiều cán bộ, đảng viên được phân công ở lại địa phương để vận động nhân dân bằng phương pháp hòa bình đấu tranh với kẻ địch buộc chúng thực hiện Hiệp định Genève đã lần lượt rơi vào tay giặc. Lực lượng cách mạng lúc bấy giờ tổn thất nặng nề, phong trào cách mạng rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Nhưng, kẻ thù xâm lược không bao giờ khuất phục được nhân dân Quảng Nam anh hùng. Hơn thế nữa, những phong trào cách mạng được Đảng và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, tổ chức thực hiện trong chín năm “kháng chiến kiến quốc” luôn hàm chứa sâu sắc tính nhân văn với những lợi ích cốt yếu, gần gũi và thiết thực đã để lại dấu ấn vô cùng tốt đẹp, chiếm lĩnh tình cảm, ăn sâu trong trái tim, khối óc của quần chúng nhân dân Quảng Nam. Tất cả đã hun đúc, cô đặc trong mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng, giữa đồng bào với đồng chí. Vì vậy, dù kẻ thù có tàn bạo đến đâu, chúng cũng không thể nào chia cắt được dân với Đảng, và Đảng đã trụ vững giữa lòng dân trong thời kỳ đen tối nhất này. Các chiến sĩ cộng sản trung kiên đã nằm gai nếm mật giữ lửa cách mạng trong các vùng quê, trong từng góc phố, trong các bản làng nơi núi non hiểm trở.

Hiệp định Genève được ký kết, tính đến nay đã tròn 60 năm, bây giờ đất nước đã độc lập, thanh bình, chúng ta bình tâm nhìn lại thì đây quả là một thời kỳ thử thách cao độ nhất về đức hy sinh, lòng kiên nhẫn và niềm tin của các chiến sĩ cách mạng và nhân dân Quảng Nam đối với đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà do Đảng và Bác Hồ đề ra. Đây cũng là thời kỳ mà nhân dân miền Nam, nhân dân Quảng Nam đã chịu đựng những hy sinh, mất mát hết sức to lớn cho đại cuộc của dân tộc. Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng đã chứng minh hùng hồn rằng, sau Hiệp định Genève, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam luôn sắt son nuôi dưỡng niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Nhân dân Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của một Đảng bộ đã từng tôi luyện dày dạn trong khói lửa đấu tranh, đoàn kết một lòng cùng với nhân dân cả nước giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng, đất và người Quảng Nam trung dũng đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm nên những chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng cùng cả dân tộc đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước, thu cả giang sơn về một mối, xóa bỏ vết đau chia cắt đất nước. Và, kinh nghiệm thành bại trong những tháng năm đấu tranh đầy gian khổ, khốc liệt sau Hiệp định Genève trên chính quê hương mình cũng đã trở thành bài học giá trị máu xương để người dân đất Quảng tiếp bước đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay và mãi mãi về sau.

PHẠM THÔNG

PHẠM THÔNG