Nhìn lại 75 ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép
Theo tin từ Cảnh sát biển Việt Nam, từ 21 giờ ngày 15.7, giàn khoan Hải Dương 981 dịch chuyển ra khỏi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, quay về đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Từ ngày 2.5, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt - Trung về không mở rộng, làm phức tạp tình hình biển Đông. Trung Quốc còn điều một lực lượng hùng hậu với hơn 100 tàu hộ tống, tàu chiến cùng nhiều máy bay quân sự để bảo vệ giàn khoan. Tuy lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đã ôn hòa, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam nhưng phía Trung Quốc liên tiếp có nhiều động thái khiêu khích làm “dậy sóng” biển Đông, gây mất ổn định và đe dọa nghiêm trọng đến an ninh khu vực. Các tàu Trung Quốc còn hung hăng, ngang ngược và vô nhân đạo khi nhiều lần rượt đuổi, ném đá, đánh đập các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trung Quốc bố trí gần 60 tàu các loại để hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 dịch chuyển ra khỏi vùng biển Việt Nam. |
Nghiêm trọng nhất là vào ngày 26.5.2014, tàu cá ĐNa 90152 cùng 10 ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm và ngăn cản nỗ lực cứu ngư dân từ các tàu Việt Nam. Thậm chí, trong những ngày đầu tháng 7, Trung Quốc còn bắt giữ 2 tàu cá cùng 13 ngư dân Việt Nam khi những người này đang hành nghề đánh bắt cá tại vịnh Bắc Bộ. Trước đó, vào ngày 23.6, Trung Quốc phát hành bản đồ hình dọc với “đường 10 đoạn” “ôm trọn” biển Đông, bị cộng đồng quốc tế lên án và không công nhận tấm bản đồ trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Còn nhớ, trong lúc tình hình tiếp tục leo thang trên biển Đông thì tại một hội nghị quốc gia, người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo tăng cường phòng thủ biên giới cả trên bộ và trên biển.
Trong 75 ngày, căng thẳng biển Đông trở thành điểm nóng trong khu vực và trên trường quốc tế, tin bài về biển Đông xuất hiện dày đặc trên các trang báo nhiều nước. Người Việt khắp năm châu đã có những hành động thiết thực hướng về quê hương, biển đảo, các chuyên gia, học giả, các nhà lãnh đạo các quốc gia cùng đông đảo bạn bè quốc tế bày tỏ quan điểm ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, mặt khác, tất cả đều lên án hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp của Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đem lại hòa bình cho khu vực.
Trong 75 ngày qua cũng như trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục kêu gọi cả dân tộc Việt Nam đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để giải quyết căng thẳng theo luật pháp quốc tế cũng như yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi gây leo thang căng thẳng trong khu vực, trên hồ sơ biển Đông.
QUỐC HƯNG