Tạo tiền đề phát triển
Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, 6 năm qua huyện Nông Sơn đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Hạ tầng khu trung tâm hành chính huyện được xây dựng khang trang. |
Phát triển hạ tầng giao thông
Về Nông Sơn hôm nay, đâu cũng thấy những tuyến đường giao thông nông thôn nối dọc ngang các xóm làng. Đoạn đường từ cầu Bà Sự đến cầu Quăng dài 1,2km thuộc xã Quế Ninh vừa được kiên cố hóa đã khiến nhiều người dân phấn khởi. Bà Văn Thị Hạnh (một người dân địa phương), cho biết: “Trước đây, con đường này đầy ổ gà, ổ voi khiến việc đi lại hết sức khó khăn. Bây giờ, nó được nâng cấp và đổ bê tông rộng thoáng, người dân ai nấy đều vui. Từ nay, nhân dân trong vùng có thêm cơ hội giao lưu, trao đổi hàng hóa, đầu tư phát triển kinh tế hộ và đặc biệt là chuyện đến trường của con cái cũng dễ dàng hơn”. Tại xã Quế Lâm, tuyến đường chính dài 900m từ cầu Bến Đình đến khu tái định cư Bằng Cây Gia cũng đã thi công xong. Cả 2 tuyến đường trên được đầu tư với tổng kinh phí 6,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Đây là 2 trong nhiều công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 40 năm chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước.
Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Nông Sơn là 52,8%, giảm 14% so với lúc vừa tái lập huyện. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,7 triệu đồng, tăng 11,6% so với năm 2012. Năm năm qua, Nông Sơn đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng xây dựng cơ bản. Huyện đã triển khai xây dựng 70 công trình có quy mô lớn và mang tính thiết yếu như đường tránh lũ, đường trục chính, trung tâm y tế, trung tâm hội nghị, nhà công vụ, trụ sở làm việc của nhiều cơ quan, đơn vị. |
Theo ông Nguyễn Chí Tùng - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Nông Sơn, sau khi tái lập, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện rất yếu kém, nhất là hệ thống giao thông, nhưng chỉ trong thời gian ngắn địa phương đã cải thiện tình trạng này. Ngoài 43km đường tỉnh, đường huyện đã và đang gấp rút thi công thì 5 năm qua bằng nhiều nguồn vốn, Nông Sơn tiến hành bê tông hóa được 88km giao thông nông thôn với tổng số tiền hơn 62 tỷ đồng. Ông Tùng nói: “Năm 2014 này huyện sẽ tiếp tục chi 4,3 tỷ đồng để kiên cố hóa thêm 6km đường liên xã, liên thôn, liên xóm. Nếu được cấp trên quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí thì đến cuối năm 2015, Nông Sơn sẽ hoàn thành việc bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng”.
Chú trọng giải quyết việc làm
Ngoài Công ty CP Than - điện Nông Sơn và Nhà máy thủy điện Khe Diên đang hoạt động hiệu quả, để tạo thêm cơ hội cho địa phương phát triển, năm 2011 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp dịch vụ - thương mại Nông Sơn với diện tích 15,2ha thuộc địa phận xã Quế Trung. Tuy nhiên, do quá eo hẹp về tài chính nên từ đó đến nay huyện chưa tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng tại cụm công nghiệp này nên chưa thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Trước tình hình đó, thời gian qua Nông Sơn chú trọng phát triển mạnh những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm tăng nhanh giá trị kinh tế. Hiện nay trên địa bàn huyện có 250 cơ sở sản xuất dó trầm hương, 2 cơ sở may mặc và 10 xưởng mộc hoạt động khá tốt. Hàng năm, số cơ sở này giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Huyện Nông Sơn vừa triển khai thực hiện dự án làng nghề thủ công mỹ nghệ trầm hương với nguồn kinh phí 10 tỷ đồng. Hạng mục đầu tiên là khu nhà trưng bày sản phẩm đang được thi công với số tiền 600 triệu đồng.
Những năm qua huyện Nông Sơn cũng rất quan tâm đến khâu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tính từ năm 2008 đến nay, riêng Phòng Kinh tế & hạ tầng huyện đã chi gần 200 triệu đồng để mở 6 lớp đào tạo nghề may mặc, thủ công mỹ nghệ, sửa chữa máy nông nghiệp… cho hơn 200 học viên. Chị Nguyễn Thị Bích Nhựt (trú xã Quế Lộc) chia sẻ: “Hồi trước, tôi làm nông, cực khổ mà thu nhập bấp bênh quá. Cuối năm ngoái, định ra Đà Nẵng xin làm công nhân thì nghe tin huyện mở lớp đào tạo nghề may mặc nên tôi đăng ký học. Tôi đang làm việc cho một cơ sở may ở gần nhà với mức lương mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, cuộc sống giờ đã ổn định hơn”.
Ông Nguyễn Chí Tùng cho biết thêm, năm 2013, không kể khoản doanh thu 120 tỷ đồng của Nhà máy thủy điện Khe Diên và Công ty CP Than - điện Nông Sơn thì giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương đạt 33 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2008. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, giá trị ngành này đạt 45,6 tỷ đồng, bằng 139% kế hoạch cả năm.
VĂN SỰ