Gương sáng giữa đời thường

HOÀNG LINH 17/07/2014 08:44

Từng trải qua trận mạc, dù cơ thể còn đó vết thương chiến tranh, họ vẫn giữ trong mình bản chất người lính Cụ Hồ để trong cuộc sống hôm nay tiếp tục khẳng định trên mặt trận làm kinh tế. Họ xứng đáng là những điển hình của Quảng Nam vinh dự tham gia Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc 2014.

1. Năm 1993, thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế, thương binh Nguyễn Cống (SN 1955, thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức) nghỉ việc tại Xí nghiệp Lâm nghiệp Thăng Bình, cùng vợ mới cưới về quê với quyết tâm vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Sau vài năm chăm chỉ làm ăn, dành dụm được 2 chỉ vàng, cùng với sự giúp đỡ của đồng đội, bà con và vay thêm ngân hàng, vợ chồng ông mua xe công nông vận chuyển gỗ. Rồi ông tự mày mò học hỏi, đóng xe công nông và vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng. Công việc thuận lợi, năm 2007, vợ chồng ông thành lập Công ty TNHH Hoa Công, hoạt động trên lĩnh vực giao thông vận tải và xây dựng. Không chỉ tạo việc làm cho thanh niên lao động tại địa phương, ông Cống luôn ưu tiên nhận các cựu chiến binh và con em họ vào làm việc tại công ty. “Công ty của tôi hiện có 40 công nhân là lái và phụ xe (các loại xe tải, xe múc, xe ủi) cùng 18 lao động phổ thông, mức lương tối thiểu 3 triệu đồng/lao động/tháng. Tổng tài sản của gia đình hiện nay hơn 10 tỷ đồng. Và điều quan trọng là vợ chồng tôi đã nuôi dạy 3 con ăn học thành tài, gồm một thạc sĩ, hai cử nhân đại học và cao đẳng” - ông Cống nói.

Ông Nguyễn Cống.
Ông Nguyễn Cống.

Ý thức được trách nhiệm xã hội, ông Cống thường quan tâm các hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ gia đình khó khăn neo đơn, đóng góp vật liệu xây dựng nhà ở cho người nghèo trong huyện, góp công sức thực hiện chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn… Ông tâm sự: “Chia sẻ lúc ngặt nghèo rất ý nghĩa, như chính sự giúp đỡ của mọi người đối với gia đình ông năm xưa để có thể vươn lên trong cuộc sống, ổn định kinh tế hôm nay”.

2. Mô hình trồng rừng theo hình thức trang trại, kết hợp nuôi bò, thêm hoạt động sản xuất kinh doanh đã giúp thương binh Nguyễn Kim Dũng SN 1954, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) trở thành một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Trên mảnh đất quê hương nghèo khó, dù bị mất sức lao động do vết thương cũ và là nạn nhân chất độc hóa học, ông Dũng vẫn luôn mang quyết tâm phải vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình.

Ông Nguyễn Kim Dũng.
Ông Nguyễn Kim Dũng.

Với quyết tâm ấy, bất cứ khóa tập huấn nào của Hội Nông dân xã Quế Trung liên quan đến sản xuất nông lâm nghiệp, ông Dũng đều tích cực tham gia. Qua học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, ông quyết định thực hiện trồng rừng kết hợp nuôi bò trên diện tích đất rừng ít ỏi của gia đình. Mô hình này bước đầu giúp gia đình ông ổn định cuộc sống. Với sự cần cù, chịu khó, ông tích góp mua thêm đất rừng để sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập mỗi người 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Không dừng lại ở đó, ông Dũng còn đầu tư mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, hoạt động khá hiệu quả. Ông tâm sự: “Những vết thương vẫn khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng không vì thế mà tôi buông xuôi. Những người lính Cụ Hồ đã trải qua bao hy sinh gian khổ trong chiến tranh còn không sờn lòng, cớ gì trong thời bình lại nản lòng. Cựu chiến binh còn phải đi đầu, làm gương cho con cháu, cho thế hệ trẻ nữa”. Vì thế mà trong tất cả hoạt động địa phương, ông Dũng đều xung phong đi đầu. Không chỉ làm gương trong xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, phát triển kinh tế, ông còn tham gia giữ gìn nếp sống văn minh, xây dựng mối đoàn kết của thôn xóm với vai trò thành viên tổ hòa giải cơ sở của thôn Trung Phước.

3. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xóm Chiêu An Mỹ - vùng căn cứ địa vững chắc của Thị ủy Hội An, thương binh Lê Anh Tuấn (SN 1945, phường Cẩm Châu, TP.Hội An) là người chiến sĩ gan dạ trên chiến trường, tận tình chu đáo khi lui về chăm sóc thương binh, một lòng kiên trung theo cách mạng khi bị địch bắt tù đày tra tấn… Hòa bình lập lại, ông Tuấn tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng quê hương, đến năm 1992 phải xin nghỉ vì sức khỏe không đảm bảo. Chỉ còn một chân đi lại được và một mắt nhìn rõ, ông cùng vợ chăm chỉ làm ruộng, trồng rau, nuôi gà vịt nhằm tạo nguồn thu nhập chăm lo cho mẹ già và 2 con ăn học. Vất vả quanh năm nhưng nguồn thu nhập từ làm nông không được bao nhiêu, ông Tuấn tìm cách chuyển sang hoạt động kinh doanh. Khi phong trào nuôi tôm nở rộ, ông gom góp vốn liếng kinh doanh thức ăn nuôi tôm. Sức khỏe yếu, kinh nghiệm thương trường chưa có, ông liên tục thất bại trong cạnh tranh với các đại lý khác. Không nản lòng, ông tìm hướng đi riêng cho mình trong kinh doanh trên lĩnh vực này: cung cấp thức ăn nuôi tôm cho bà con và cho nợ đến cuối vụ, thu hoạch xong mới thanh toán.

Ông Lê Anh Tuấn.
Ông Lê Anh Tuấn.

Với phương thức đó, cơ sở bán thức ăn nuôi tôm của ông phát triển dần, doanh số bán hàng mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Ba lao động thường xuyên ở cửa hàng của ông thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng/người. Ông Tuấn chia sẻ: “Trong cuộc sống sẽ không ai nói trước được điều gì, nhưng tôi có thể tự hào rằng mình đã sống đúng với lý tưởng đã chọn. Tôi chưa thể giúp ích nhiều cho xã hội, nhưng trong khả năng sức lực của bản thân, tôi sẽ còn tiếp tục phấn đấu cho đến khi nào không làm được nữa mới thôi.  Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là các con được chăm lo ăn học đến nơi đến chốn và đã thành đạt trong cuộc sống”.

HOÀNG LINH

HOÀNG LINH