Uống nước nhớ nguồn
Với trách nhiệm và thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Quảng Nam luôn nỗ lực trong công tác giải quyết chế độ chính sách, chăm lo cho người có công (NCC) với cách mạng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Nguyễn Đức Hải thăm hỏi, động viên người có công. Ảnh: D.LỆ |
Chăm lo mọi mặt
Quảng Nam được cả nước biết đến là một tỉnh có truyền thống anh hùng với hơn 20% dân số là NCC với cách mạng. Trong đó có 8.490 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 65 nghìn liệt sĩ, 135 nghìn thân nhân NCC, hơn 30 nghìn thương bệnh binh, gần 48 nghìn NCC giúp đỡ cách mạng. Ngoài ra còn có 6.400 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 33.500 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương; hơn 5 nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Nhắc đến những con số trên để thấy rằng việc chăm lo cho đời sống NCC luôn là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh.
Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Sau ngày tái lập tỉnh, công tác xác nhận và thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCC luôn được chú trọng. Nhờ đó, việc xét và xác nhận các chế độ được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Hằng năm, NCC đều được đưa đi điều dưỡng thường xuyên và luân phiên hoặc điều dưỡng tại gia nhằm nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” ở Quảng Nam đã đi vào xã hội hóa sâu rộng. Các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đỡ đầu con thương - bệnh binh, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng nhà tình nghĩa... được nhân rộng”. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ vào các nghĩa trang cũng là nhiệm vụ đặc biệt. Dù công việc này hết sức khó khăn, nhưng với sự chung tay góp sức của toàn quân, toàn dân, hơn 80 nghìn hài cốt liệt sĩ đã được quy tập vào các nghĩa trang. Nghĩa trang và mộ chí liệt sĩ hằng năm đều được tu bổ, nâng cấp, sửa chữa; các nhà bia, công trình tưởng niệm anh hùng liệt sĩ lần lượt được xây dựng, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đề án xây dựng, sửa chữa, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015 đã đi gần hết chặng đường. Vừa tranh thủ nguồn hỗ trợ từ trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa, Quảng Nam đã huy động hơn 205,41 tỷ đồng nâng cấp hoàn chỉnh gần 40 nghĩa trang liệt sĩ theo mô hình nghĩa trang công viên (trong tổng số 130 nghĩa trang liệt sĩ toàn tỉnh), xây 70 đài tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ và nhiều công trình ghi công liệt sĩ khác; hỗ trợ xây hơn 22 nghìn mộ liệt sĩ ở nghĩa trang gia tộc.
Đảm bảo cuộc sống cho người có công
Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27.7), trong 2 ngày 17 và 18.7, tại TP.Hội An, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Biểu dương NCC với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2014. Tham dự hội nghị có 328 NCC tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Quảng Nam có 4 đại biểu, gồm 3 thương binh và 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. |
Công tác chăm sóc NCC gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã từng bước được xã hội hóa bằng nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần NCC cách mạng. Các cấp, ngành, địa phương đang triển khai nhiều phần việc để phấn đấu đến năm 2015 Quảng Nam sẽ không còn hộ NCC thuộc diện nghèo. Thương binh Nguyễn Thị Thiệt (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) tâm sự: “Vợ chồng tôi tuy là thương binh nhưng với sự giúp đỡ tận tình của chính quyền, xã hội, làng xóm nên cuộc sống không còn gặp nhiều vất vả. Bây giờ, toàn xã hội chăm lo cho NCC nên những thương binh như tôi hằng năm đều nhận được sự giúp đỡ, thăm hỏi thường xuyên, đó là nguồn động viên để chúng tôi vươn lên trong cuộc sống”.
Từ những việc làm tình nghĩa trên, đến nay Quảng Nam có 97,28% số hộ chính sách mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện. Góp phần vào thành quả đó, không thể không nhắc đến công tác cải thiện nhà ở cho NCC. Giai đoạn 1997 - 2012, toàn tỉnh đã vận động được gần 412 tỷ đồng xây nhà tình nghĩa, qua đó hỗ trợ 35.960 trường hợp NCC gặp khó khăn đặc biệt về nhà ở. Ngoài ra, toàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 8,575 tỷ đồng cho 343 trường hợp là cán bộ lão thành cách mạng làm nhà ở; hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất khi mua nhà ở, đất ở cho hàng nghìn trường hợp theo chính sách ưu đãi dành cho NCC của tỉnh. Trưởng phòng NCC Sở LĐ-TB&XH Trần Văn Chiến cho biết: “Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở NCC giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh đã đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả đáng mừng. Trong 2 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh đã huy động hơn 203 tỷ đồng thực hiện cải thiện 9.541 nhà. Đến năm 2013, khi Quyết định 22 của Chính phủ ra đời, Quảng Nam có thêm 7.107 NCC được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở”.
Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, thời gian tới, những hồ sơ đề nghị xác nhận NCC còn tồn đọng sẽ tiếp tục được rà soát, xác nhận kịp thời nhằm giải quyết các chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC. Những mô hình làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và NCC sẽ được nhân rộng để xã hội cùng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.
DIỄM LỆ