Bộ Thông tin và Truyền thông cùng doanh nghiệp "mổ xẻ" 4 vấn đề nóng của viễn thông
(QNO) - Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông diễn ra sáng nay, 15.7 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt bởi sẽ tạo sở cứ để ban hành những quyết sách lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu chỉ đạo Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông sáng 15.7 |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng yêu cầu các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý Nhà nước tập trung thảo luận 4 vấn đề lớn để có định hướng quản lý trong 6 tháng cuối năm 2014.
Cần tăng sự hài lòng của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, thời gian qua có tình trạng một số dịch vụ viễn thông được công bố đạt chất lượng nhưng người tiêu dùng vẫn phàn nàn. Nói cách khác là có sự chênh lệch giữa việc đo kiểm, đánh giá chất lượng dịch vụ viễn thông của các cơ quan Nhà nước với cảm nhận, đánh giá của người tiêu dùng. Cần phải thu hẹp dần khoảng cách này. Đối với người tiêu dùng thì chất lượng là yếu tố quan trọng nhất của hàng hóa, dịch vụ. Trong môi trường cạnh tranh, nếu doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng sẽ nhanh chóng bị loại khỏi thị trường.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định: “Để đảm bảo được chất lượng dịch vụ viễn thông đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, có hai việc cần làm. Một là phải rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng, đặc biệt là hai dịch vụ điện thoại di động và Internet băng rộng cố định. Hai là tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, đo kiểm chất lượng để bảo đảm chất lượng phù hợp quy chuẩn. Tránh tình trạng quy chuẩn ban hành ra rồi nhưng cách đo đạc, cách công bố chất lượng nhiều khi chưa thể hiện, đánh giá đúng chất lượng dịch vụ”.
Quản lý giá cước phải theo cơ chế thị trường cạnh tranh
Thứ trưởng Lê Nam Thắng chia sẻ: “Sau khi Luật Viễn thông, Luật Giá ra đời, chúng ta vẫn đang quản lý giá cước theo quy định cũ (từ thời Nghị định 160) chứ không theo Luật Viễn thông và Nghị định 25. Cách quản lý giá cước hiện nay mang tính Nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế vẫn phải đăng ký từng gói cước với cơ quan quản lý, dẫn đến bị động”.
Nhắc lại câu chuyện tăng cước 3G gần đây, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định không phải các doanh nghiệp cố tình bắt tay nhau mà vì thấy doanh nghiệp kia đăng ký tăng cước thì doanh nghiệp này cũng đăng ký và việc phê duyệt trùng vào một thời điểm, khiến người tiêu dùng có cảm giác các doanh nghiệp đồng thời tăng giá cước. Cách quản lý giá như vậy không đảm bảo tính chủ động của các doanh nghiệp. Sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước vào thị trường viễn thông cũng chưa đúng tinh thần của Luật Viễn thông và Luật Giá là phải tôn trọng việc định giá của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng yêu cầu thời gian tới phải quản lý giá cước theo đúng tinh thần của Luật Giá và Luật Viễn thông, cũng như theo thông lệ quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước chỉ quản lý 2 yếu tố quan trọng nhất: Thứ nhất, tỷ số giá trần hàng năm, dựa trên cơ sở tốc độ phát triển của nền kinh tế, năng suất lao động, lạm phát… mà cho phép các doanh nghiệp tăng mức giá cước tối đa lên bao nhiêu phần trăm; hai là quản lý giá thành, giá trần, làm sao để doanh nghiệp không bán dịch vụ dưới giá thành dẫn tới hiện tượng phá giá thị trường.
“Phải triệt để quản lý giá cước theo cơ chế kinh tế thị trường, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp. Một mặt phải tránh phá giá, bán dưới giá thành và một mặt khác phải tránh tăng giá không có cơ sở. Nhà nước chỉ can thiệp trong những trường hợp cần thiết như có sự tăng giá quá mức hoặc giảm giá quá mức gây hại cho người tiêu dùng, gây bất ổn định cho thị trường.
90% tài nguyên viễn thông chỉ phục vụ 10% thuê bao
Một trong những bất cập lớn của thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng là 90% tài nguyên viễn thông về kho số đang dành cho dưới 10% thuê bao. Đến nay, hơn 90% thuê bao, doanh thu, lưu lượng là phục vụ cho mảng điện thoại di động, chỉ có dưới 10% thuê bao, doanh thu, lưu lượng là của mảng điện thoại cố định (mảng này ngày càng bị thu hẹp lại). Thế nhưng, trong số 9 đầu số đang được sử dụng ở Việt Nam thì 7 đầu số được dùng cho điện thoại cố định, chỉ còn 2 đầu số 9 và 1 được dùng cho các thuê bao di động.
“Cần phải giành nhiều nguồn kho số hơn nữa cho dịch vụ di động, giảm đầu số cho dịch vụ cố định, sắp xếp lại để 90% nguồn tài nguyên kho số phục vụ cho di động, còn 10% tài nguyên kho số phục vụ cho điện thoại cố định, thế mới đúng, mới phù hợp với xu thế hiện nay. Có hai cách để làm được việc này. Một là phải kéo dài đầu số di động từ 7 số lên 8 số để đảm bảo đủ kho số di động. Hai là sắp xếp lại mã vùng để đảm bảo số lượng đầu số dùng cho cố định giảm đi. Hiện mã vùng của 27 tỉnh thành dùng 3 chữ số, 35 dùng 2 chữ số, 2 tỉnh thành dùng 1 chữ số, rất lủng củng, cần sắp xếp lại”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng chỉ đạo.
Liên quan tới vấn đề đầu số, kho số, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng lưu ý việc phân bổ, bố trí đầu số cho các nhà cung cấp nội dung phải có quy hoạch rõ ràng hơn.
OTT với “bài toán” lợi ích doanh nghiệp - người tiêu dùng
“Việc quản lý các dịch vụ OTT không đơn giản. Đứng từ góc độ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thì OTT sẽ lấy mất doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng ở góc độ xã hội người tiêu dùng thì lại có thêm phương tiện bảo đảm thông tin liên lạc với giá rẻ, chất lượng không đến nỗi quá tồi. Đây là vấn đề giải quyết bài toán đặt lợi ích xã hội, của người tiêu dùng lên trên”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng đề xuất các doanh nghiệp cùng bàn cách quản lý để tạo điều kiện về lộ trình, thời gian cho doanh nghiệp viễn thông bởi các doanh nghiệp này vẫn phải đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, nơi người dân không có smartphone, vẫn phải dùng dịch vụ truyền thống.
Theo ictnews.vn