Thực hiện các nghị quyết an sinh xã hội: Khó tìm nguồn lực

TÙY PHONG 15/07/2014 08:52

HĐND tỉnh vừa thông qua 14 nghị quyết, tất cả đều quan trọng và thiết thực để thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về việc đưa ra quá nhiều đề án liệu có đủ nguồn lực tài chính để thực thi?

Thu hút người tài về làm việc cho các HTX và việc vay vốn phát triển của HTX vẫn là câu chuyện khó.
Thu hút người tài về làm việc cho các HTX và việc vay vốn phát triển của HTX vẫn là câu chuyện khó.

Thiếu vốn thực hiện

Thẩm tra của các Ban Kinh tế - ngân sách, Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh và đại biểu đều cho rằng việc ban hành các nghị quyết sẽ tạo tiền đề cho sự tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội thời gian tới. Hầu hết đại biểu thống nhất cho rằng chính quyền, cơ quan quản lý ghi rõ nguồn vốn thực hiện các đề án này không nằm trong tổng kinh phí hàng năm của tỉnh cân đối cho các địa phương. Không ai nghi ngờ về mục tiêu của những đề án được nêu ra, bởi tất cả đều đang rất cấp thiết với nhu cầu tạo ra nền móng cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn hay cải thiện phúc lợi, an sinh xã hội. Nhưng nhiều người lo lắng về tính khả thi của các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, nguồn kinh phí và giải pháp thực hiện, bởi để thực thi hiệu quả các đề án này cần nguồn kinh phí lớn. Nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại không biết tìm đâu ra nguồn lực tài chính để thực hiện các nghị quyết, nhất là các đề án phát triển kinh tế hợp tác, khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh, cơ chế chính sách thoát nghèo… Trong khi hiện tại, ngân sách tỉnh đang phải “thắt lưng buộc bụng” để bảo đảm chi tiêu thì khó có nguồn lực triển khai các báo cáo, đề án theo như nghị quyết đã ban hành.

Bà Nguyễn Thị Thu Lan - Phó Bí thư Thành ủy Tam Kỳ nói, cần rà soát tính khả thi việc cấp nguồn vốn để thực hiện các nghị quyết, bởi trên thực tế, ban hành chính sách hay nghị quyết rất dễ, nhưng thực hiện các nghị quyết trên thực tế rất lúng túng, gian nan vì không thể tìm đâu ra nguồn vốn cả nghìn tỷ đồng để thực hiện. Liệu có đủ thời gian hay tiền bạc để thay đổi bộ mặt hợp tác xã hay không, bởi xóa bỏ thì dễ nhưng xây dựng nên điển hình trong điều kiện hạn hẹp kinh phí là điều dường như không thể. Theo ông Nguyễn Cảnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, muốn đẩy nhanh giảm nghèo cần phải có vài tỷ đồng/năm cho mỗi huyện. Nhưng với tiềm lực ngân sách hiện tại sẽ rất khó. Không thể đưa ra nghị quyết mà không tính đến năng lực và giải pháp tài chính có khả thi hay không? Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam cho rằng đề án thoát nghèo nói vốn sẽ được “cấp” từ ngân hàng này, nhưng thực tế nguồn vốn này đã hết thì lấy đâu nguồn mà ngân hàng cho dân vay?

Cố gắng bố trí nguồn lực

Trong một cuộc làm việc với Sở Kế hoạch - đầu tư mới đây, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho biết, Sở Kế hoạch - đầu tư công bố trong vòng 4 năm qua, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 230 tỷ đồng để triển khai đầu tư các chương trình. Nguồn lực đầu tư cho việc thực hiện các đề án đã được HĐND thông qua quá ít, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các đề án phục vụ phát triển nông nghiệp như thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và các đề án xây dựng thiết chế văn hóa. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho rằng cần tính toán đến tiền đâu để chi cho hộ, thôn thoát nghèo. UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát, đánh giá hiệu quả và nhu cầu đầu tư để có giải pháp tăng cường nguồn đầu tư tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành những chỉ tiêu, mục tiêu của các đề án đặt ra.

Trước những băn khoăn này, ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết tinh thần của Quảng Nam là xã hội hóa đầu tư chợ, nhưng đầu tư của tư nhân ở nông thôn sẽ khó. Còn việc phát triển hợp tác xã (HTX) không phụ thuộc vào việc hỗ trợ tiền mà phụ thuộc vào sự hoạt động của HTX như thế nào mới quan trọng. Việc ấn định thời gian, mức hỗ trợ cụ thể và các dự án đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất kinh doanh đối với HTX làm ăn hiệu quả là cần thiết, phù hợp với chủ trương Chính phủ và điều kiện ngân sách tỉnh hiện nay. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho rằng, ngân sách tỉnh cũng đang nan giải khi chưa biết tìm đâu nguồn lực để thực hiện chính sách nhà ở cho người có công. Vì vậy, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, chỉ có thể tạm ứng ngân sách để giải quyết dứt điểm, không thể dở dang các trường hợp sửa chữa, xây mới nhà cho người ở có công trong danh sách 9.541 nhà đã duyệt ban đầu, không thể hoàn tất 22.633 ngôi nhà như theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng cho rằng, hiện có 35 đề án đang triển khai theo nghị quyết HĐND tỉnh, mỗi năm chiếm hơn mấy chục tỷ đồng, chính quyền đang quyết liệt triển khai phát triển bằng nhiều cơ chế chính sách trung ương, địa phương, nhưng nguồn lực quá thấp. Nhưng vì sự phát triển Quảng Nam, quan điểm của chính quyền là tiếp tục giảm nghèo, bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các đề án. Quyết tâm nghị quyết ban hành sẽ phải được bảo đảm nguồn lực để thực thi. Với đề án giảm nghèo, nếu Ngân hàng Chính sách xã hội không đủ tiền, chính quyền sẽ đứng ra bảo lãnh cho dân vay vốn ngân hàng thương mại, tiến hành công cuộc đổi mới. Giai đoạn từ nay đến năm 2015 ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng thương mại cho các xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời chú trọng nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo các chợ hiện có. Việc đầu tư xây dựng mới chỉ được thực hiện sau khi đã khảo sát chặt chẽ hiện trạng, nhu cầu, thói quen tập quán trao đổi hàng hóa của người dân tại khu vực dự kiến đầu tư xây dựng công trình (theo quy hoạch) nhằm tránh lãng phí nguồn lực và phát huy hiệu quả công trình sau khi đầu tư.

TÙY PHONG

TÙY PHONG