Nóng chuyện khai thác khoáng sản và tái định cư
Doanh nghiệp hết hạn giấy phép vẫn tiếp tục khai thác khoáng sản và tiền đền bù, giải tỏa dự án sắp xếp cư dân ven biển bị treo nhiều năm là hai chuyện làm nóng nghị trường Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VIII.
Dân không thể chờ nữa
Tình trạng dự án quy hoạch sắp xếp cư dân ven biển thi công quá chậm, dẫn đến “hệ lụy” cơ sở hạ tầng thiết yếu không được đầu tư hoàn chỉnh, thiếu hệ thống cấp nước tại các khu tái định cư (TĐC) và 5 năm qua vẫn chưa chi trả tiền đền bù cho những hộ dân có đất bị thu hồi… đã đặt ông Đỗ Xuân Diện – Phó ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai vào thế khó khi trả lời các câu hỏi chất vấn. Sự biện bạch của ông Diện rằng, do thiếu vốn nên phải dừng đầu tư khu TĐC Nồi Rang, Lệ Sơn, chưa chi trả xong tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân Duy Nghĩa (Duy Xuyên) hoặc chờ đợi cầu Cửa Đại hoàn thành sẽ rộng đường có quỹ đất cho các dự án đầu tư, nước sạch sẽ được cung cấp từ Hội An sang... đã không làm “hài lòng” đại biểu. Nhiều đại biểu yêu cầu kế sách giải quyết và khi nào giải quyết xong chuyện “lúng túng” này để an dân.
Dự án sắp xếp dân cư ven biển triển khai chậm gây khó khăn cho người dân. Ảnh: T.DŨNG |
Đại biểu Nguyễn Văn Khương (Duy Xuyên) nói dự án có vốn lớn quá nên thiếu vốn thì dừng là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng kéo dài nhiều năm đã gây khó khăn cho nhân dân. Theo ông Khương, cơ quan quản lý phải “phân định” ra những công trình nào đang dở dang thì phải làm dứt điểm, còn không thì dừng. Không thể cứ nói chờ dự án hoàn tất mới cung cấp điện, nước cho dân. “Cam kết đủ thứ khi triển khai dự án, thi công, nhưng đã ba, bốn năm rồi vẫn chưa thấy gì, kể cả tiền đền bù vẫn chưa thể giải quyết. Không lẽ kéo dài mãi, để dân khốn đốn không thấy đau lòng sao? Nói thì phải làm đúng cam kết, không thể để dân chờ.” - ông Khương nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ cho rằng, sau 5 năm giải phóng mặt bằng mà không thanh toán tiền đền bù thì dân không bức xúc mới là chuyện lạ. Nhưng đại biểu, nhân dân cũng cần chia sẻ với chính quyền và cơ quan quản lý, bởi dự án sắp xếp cư dân ven biển gắn với phòng chống thiên tai là một dự án tốt, nhưng nguồn vốn đầu tư quá lớn, trông chờ vào Trung ương. Khi Trung ương cắt nguồn hỗ trợ thì bị tắc vì không thể khai thác quỹ đất được. Tuy nhiên, ông Sỹ cũng kiến nghị cần phải nhanh chóng bố trí nguồn ngân sách xây dựng cho cơ sở hạ tầng thiết yếu. “Không lẽ dân Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) phải mượn đường Bình Dương (Thăng Bình) lên huyện. Việc sắp xếp TĐC thì làm sao dân phải có đời sống tốt hơn. Chính quyền đã hứa thì phải tìm được nguồn hoàn tất các dự án hạ tầng dở dang. Nếu không thể phải công bố dừng thi công. Đụng tới cuộc sống của người dân thì phải làm, UBND tỉnh cần chỉ đạo chứ Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai biết tìm đâu tiền đầu tư?” - ông Sỹ nói.
Không để tự do khai thác khoáng sản
Không khí nghị trường còn nóng lên về chuyện thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách, hủy hoại môi trường trước tình trạng nhiều doanh nghiệp đã hết hạn cấp phép thăm dò, khai thác vàng nhưng vẫn tiếp tục khai thác. Thậm chí có đại biểu đặt ra nghi vấn, sự tồn tại dai dẳng này có phải do sự thông đồng, bao che của một số người có chức có quyền? Ai chịu trách nhiệm và có thể đánh giá được mức độ thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường… do việc quản lý lỏng lẻo này? Ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường thừa nhận hiện tại vẫn còn nhiều doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép, nhưng vẫn tiếp tục khai thác khoáng sản. Lý giải cho sự tồn tại “trái khoáy” này, ông Viễn cho là do quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 là chỉ có các cơ quan Trung ương mới có thẩm quyền cấp phép hay gia hạn giấy phép đã hết hiệu lực. Sở Tài nguyên – môi trường đã gửi công văn kiến nghị nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền trả lời. Theo ông Viễn, chuyện thông đồng, bao che hay không thì cần các cơ quan chức năng vào cuộc. Còn hiện tại, những doanh nghiệp đã có đầu tư trang thiết bị, làm ăn bài bản nhưng chưa khấu hao hết, thì vẫn cho họ tiếp tục khai thác để thu hồi vốn. Nếu xử lý mạnh thì sẽ ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp và lực lượng lao động mất việc làm sẽ dẫn tới tình trạng khai thác khoáng sản trái phép khó kiểm soát.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh thừa nhận vì phân cấp nhưng thiếu hậu kiểm nên đã buông lỏng quản lý, làm tổn hại đến môi trường. Kể từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Quảng Nam chưa cấp một giấy phép khai thác khoáng sản nào. Vì vậy, sẽ rà soát, nếu doanh nghiệp có đầu tư trang thiết bị chưa khấu hao hết thì sẽ xem xét đề nghị Trung ương gia hạn giấy phép. Nếu Trung ương không tiếp tục gia hạn thì kiên quyết cắt, xử lý nghiêm túc. Riêng dự án ven biển, cũng sẽ rà soát chính thức các dự án, công trình đang đầu tư, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Nếu công trình nào dang dở thì cắt vốn. Còn việc đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng thu hồi đất từ cầu Cửa Đại thì ngân sách sẽ chi trả, bởi chuyện này đã nói đến rất nhiều lần, nên không thể trù trừ được nữa! |
Cách trả lời của ông Viễn đã khiến một số đại biểu không thể yên tâm. Ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quảng Nam nói chẳng lẽ cơ quan quản lý bất lực trước các cơ quan Trung ương, không phải muốn là cấp, trong khi địa phương có đủ thẩm quyền quản lý. Khi thấy sai là phải trình cơ quan chức năng, đề nghị Trung ương xem xét, trách nhiệm trước dân Quảng Nam, chứ không thể lờ đi được. Chưa kể đến việc tùy tiện “cắt” đất rừng đến 4.200ha thăm dò, khai thác, ảnh hưởng đến cả Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, trong khi doanh nghiệp này đang nợ thuế rất lớn.
Đại biểu Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nói nhân dân đã trao quyền thì cơ quan quản lý không có quyền bất lực. Không có lý do gì quyền lực nhà nước lại không thể thực thi. Không thể có kiểu hết phép vẫn hoạt động. Tình trạng như thế này thì sẽ không thu được thuế, tài nguyên thất thoát. “Không thể không ai chịu trách nhiệm. Cần trả lời bao giờ xử lý dứt điểm. Không vòng vo tam quốc. Cần thiết phải thu thuế và xử phạt. Trong khi chờ đợi sự cấp phép có thẩm quyền vẫn tiếp tục khai thác là vô lý” - ông Hùng nói. Trước những chất vấn cụ thể của đại biểu, ông Nguyễn Viễn nói sẽ rà soát và công bố ai sẽ được cấp phép gia hạn để doanh nghiệp có kế hoạch khai thác.
TRỊNH DŨNG