Hội nghị Huyện ủy Thăng Bình lần thứ 18: Khả quan các mục tiêu kinh tế - xã hội
(QNO) - Sáng 11.7, Huyện ủy Thăng Bình tổ chức hội nghị lần thứ 18 nhằm đánh giá sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014; sơ kết 5 năm thực hiện chương trình tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) và ban hành kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hội nghị đã ghi nhận những thành quả kinh tế - xã hội của huyện đồng thời bàn, thông qua các giải pháp phát triển trong thời gian đến.
Trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thăng Bình đều đạt kết quả, trong đó, hầu hết các chỉ tiêu đều vượt so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; các chương trình phát triển sản xuất thực hiện đảm bảo theo kế hoạch. Về trồng trọt, vụ đông xuân của huyện được mùa, năng suất bình quân đạt 59,6 tạ/ha. Tổng sản lượng khai thác đánh bắt hải sản 6 tháng đầu năm đạt gần 9000 tấn, đạt 74,7% kế hoạch.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay, toàn huyện có 5 địa phương đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 3 xã đạt từ 8 đến 9 tiêu chí. Toàn huyện có 10 cụm công nghiệp, thu hút được 14 doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó có 7 doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho 1.947 lao động địa phương. Ngành chăn nuôi đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo.
Công tác giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1A đã bàn giao kịp thời, đảm bảo tiến độ.
Về tam nông, sau 5 năm triển khai, kinh tế - xã hội của huyện đã có những chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Theo UBND huyện Thăng Bình, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp bình quân hằng năm là 4,5% (theo giá cố định năm 1994), đạt kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt, sản lượng khai thác hải sản, nuôi trồng thuỷ sản đều đạt cao so với kế hoạch. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển dần theo hướng bền vững, trong đó tỷ trọng chăn nuôi tăng dần trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Về văn hóa - xã hội, nổi bật là giáo dục khi chất lượng giáo dục của huyện ngày càng được nâng cao. Về xây dựng trường chuẩn, đến nay toàn huyện có 35/74 trường đạt chuẩn quốc gia. UBND huyện đã tổ chức gặp mặt tuyên dương, khen thưởng 267 em học sinh vượt khó học giỏi và học sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia năm học 2013 - 2014. Công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Công tác chăm lo đời sống nhân dân, các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng xã hội được chú trọng. Huyện đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ đối với đối tượng chính sách, xã hội theo quy định. Về đào tạo nghề lao động nông thôn, giai đoạn 2011- 2020, đến nay huyện đã phối hợp với các ngành mở các lớp dạy nghề cho gần 500 đối tượng tham gia học nghề và giới thiệu đi xuất khẩu lao động cho 12 trường hợp.
Tại hội nghị, ông Hồng Quốc Cường - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy đã thống nhất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, đáng chú ý nhất là tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại theo quy hoạch; phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn; coi trọng công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào huyện.
Về phát triển tam nông, ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình khẳng định sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng tăng nhanh về giá trị; phát triển đồng bộ công tác quy hoạch, cơ sở hạ tầng, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, cơ sở chế biến, môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Thăng Bình thống nhất mục tiêu đến năm 2015 nâng tổng giá trị ngành nông nghiệp lên 1.928 tỷ đồng (giá cố định 2010), đến năm 2020, tổng giá trị ngành nông nghiệp của huyện đạt 2.335,4, tỷ đồng. Để thực hiện các mục tiêu đó, huyện chú trọng các giải pháp về quy hoạch lại các vùng sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...
Q.VIỆT - T.CHÂU