Giảm nghèo bền vững: Cơ hội và thách thức (bài 2)

DIỄM LỆ 08/07/2014 09:02

BÀI 2: CHÍNH SÁCH NHIỀU, HIỆU QUẢ THẤP

Thời gian qua đã có nhiều chính sách giảm nghèo được các cấp từ trung ương đến địa phương ban hành, áp dụng, nhưng có những chính sách nhỏ giọt, dàn trải nên hiệu quả chưa cao.

  • Giảm nghèo bền vững: Cơ hội và thách thức (bài 1)
Nhiều chính sách hỗ trợ đã giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Ảnh: D.L
Nhiều chính sách hỗ trợ đã giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Ảnh: D.L

Đi vào đời sống

Từ năm 2011 đến 2013, Quảng Nam đã được trung ương đầu tư thực hiện hàng loạt chương trình, chính sách giảm nghèo, tạo động lực cho người nghèo có cơ hội, điều kiện thoát nghèo. Tổng nguồn kinh phí trung ương phân bổ trong 3 năm qua gần 4.101 tỷ đồng thực hiện các chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 1489 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn và các chính sách giảm nghèo khác. Ngân sách tỉnh cũng đã dành hơn 637,7 tỷ đồng thực hiện các chương trình, chính sách đặc thù như hỗ trợ nhà ở 167 và nhà đại đoàn kết, tín dụng ưu đãi, Chương trình 30c, phát triển giao thông nông thôn, chính sách đối với học sinh thuộc khu vực II, Chương trình 135, hỗ trợ học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, hỗ trợ người nghèo đón tết.

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2,5 - 3%/năm. Hết nửa chặng đường của nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 2,97%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,90% năm 2011 còn 14,91% năm 2013. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn 73,93%, tỷ lệ hộ nghèo 4 huyện nghèo từ 67,04% còn 62,47%, 57 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 từ 72,33% còn 67,72%, 21 xã nghèo đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 257 từ 20,45% còn 17,38%.

Đối với các chính sách của trung ương, đã thực hiện cho hơn 138 nghìn lượt hộ nghèo vay ưu đãi với tổng doanh số hơn 1.690 tỷ đồng; chính sách khuyến công phân bổ cho các địa phương 21,395 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo, phát triển nghề, phát triển doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, chuyển giao công nghệ mới... Người nghèo, cận nghèo được cấp hơn 1.143 thẻ bảo hiểm y tế với tổng kinh phí gần 496 tỷ đồng; cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 509.523 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo với tổng số tiền gần 269 tỷ đồng. Hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 12.488 hộ nghèo với tổng kinh phí 117,837 tỷ đồng. Hàng nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng tiền điện, trợ giúp pháp lý, miễn giảm thuế, nước sinh hoạt, định canh định cư... Nhờ đó, người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh từ 1,23 triệu đồng/người/năm (2011) lên 1,6 triệu đồng/người/năm (2013).

Những chính sách trên đã thực sự đi vào đời sống, tuy nhiên, trong triển khai, việc thực hiện được phân cấp cho từng ngành, cấp quản lý, không tập trung vào một đầu mối nên mỗi ngành làm mỗi kiểu, không khớp nối được với nhau dẫn đến hiệu quả chưa cao. Khi chính sách đến với nhân dân, người dân chỉ biết nhận chứ đôi khi cũng chẳng hiểu mình nhận chính sách gì, sự hỗ trợ đó dành cho việc gì. Ông Trương Văn Dỗ (xã Trà Don, huyện Nam Trà My), một hộ đã thoát nghèo, nói: “Hồi còn trong diện hộ nghèo, tôi được Nhà nước hỗ trợ nhiều lắm, không nhớ hết nữa. Lúc thì nghe nói đi nhận tiền điện, nhận thẻ bảo hiểm, tiền các nơi hỗ trợ... Cán bộ thông báo đi nhận thì đi chứ cũng chẳng biết và chẳng nhớ nhận chính sách chi”.

Được và chưa được

Có thể nói, hàng loạt chính sách đầu tư của trung ương và tỉnh đã làm thay đổi bộ mặt các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo của tỉnh. Bây giờ, ở các huyện nghèo như Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn, đường ô tô, điện, sóng truyền hình, trường học, trạm y tế đã phủ về các xã, thậm chí đến tận thôn. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân được nâng lên, ý thức người dân thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, về các chính sách hỗ trợ hiện nay, ông Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My góp ý: “Chính sách đầu tư cho huyện nghèo nhiều, nhưng lại không tập trung, nhiều ngành quản lý, mỗi ngành mỗi kiểu, quá nhiều quyết định, quy định nên nhớ không hết, nguồn lực bị phân tán thành ra nhỏ lẻ. Tôi đề nghị nên tập trung nguồn lực vào một đầu mối, từ đó dễ lồng ghép thực hiện, sẽ hiệu quả hơn. Đầu tư cho giảm nghèo cần tập trung mới tạo nên đột phá”.

Trung ương có sự đầu tư lớn cho công cuộc giảm nghèo, nhưng nhiều chính sách được ban hành đến nay đã không còn phù hợp nhưng vẫn chưa thay đổi. Như mức hỗ trợ hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng chỉ 200 nghìn đồng/ha/năm, hay hỗ trợ hộ nghèo làm chuồng trại 1 triệu đồng/hộ, mức hỗ trợ tiền điện 30 nghìn đồng/hộ/tháng... so với tình hình thực tế hiện nay là quá thấp. Trong khi đó, người nghèo thường tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cách trở, vừa tốn công đi nhận số tiền ít như thế vừa không có tác dụng bao nhiêu với việc giảm nghèo... Hoặc như mức hỗ trợ cho một xã nghèo, xã bãi ngang ven biển, hải đảo mỗi năm 1 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện sản xuất là quá thấp, trong khi biến động giá vật tư, nhân công, cây, con giống theo chiều hướng ngày càng tăng; nguồn vốn vay phân bổ không đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo. Bà La Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don (huyện Nam Trà My) cho hay: “Xã Trà Don là một xã miền núi nghèo nên được đầu tư rất nhiều chương trình, nói thật có lúc chính tôi cũng không thể nhớ hết các chương trình, phải giở sổ theo dõi mới nói được. Ở miền núi, cán bộ năng lực còn hạn chế, nên nhiều chính sách quá khiến cán bộ cũng loạn lên, có lúc người dân hỏi không thể trả lời ngay được. Nhiều chính sách thì tốt, nhưng có những khoản hỗ trợ trực tiếp cho người dân ít quá, điều kiện đi lại ở miền núi xa xôi cách trở, bắt dân trực tiếp đi và ký nhận vài chục nghìn đồng mà mất cả buổi, mất tiền xăng xe nữa thì rõ ràng là không hiệu quả”.

Cần có chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững

Đánh giá nửa chặng đường thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về giảm nghèo, UBND tỉnh nhận định: Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các hội, đoàn thể nhân dân trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm gần 3%. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh đã được đầu tư xây dựng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bãi ngang ven biển; nhiều địa phương đạt mức giảm nghèo cao và duy trì nhiều năm liền. Những kết quả đó đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng cho rằng, kết quả giảm nghèo vẫn chưa nhanh và chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao và cao hơn so với mức bình quân của cả nước và khu vực duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, số hộ cận nghèo, số xã và thôn đặc biệt khó khăn, số xã và thôn có tỷ lệ nghèo cao còn nhiều, chênh lệch giữa khu vực đồng bằng và khu vực miền núi còn khá lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao.

Để tiếp tục đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo, đảm bảo vừa nhanh vừa bền vững, bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, theo UBND tỉnh, cần thiết có “chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững” để động viên, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của hộ nghèo, địa phương nghèo, địa phương có tỷ lệ nghèo cao. Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho hộ mới thoát nghèo, hạn chế tái nghèo để đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. (B.T)

-------------------
Bài cuối: Thoát nghèo có... thưởng

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ