Thiếu hụt nguồn nhân lực địa phương
Tuy đã khai phá nhiều điểm đến ở phía nam và tây của tỉnh, nhưng nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn và kỹ năng lại thiếu hụt trầm trọng.
Thiếu kỹ năng
Ghé khu nhà cổ Vinahouse Điện Bàn, nhiều đoàn khách còn phàn nàn về cách thức phục vụ chưa chuyên nghiệp ở nơi này. Một đại diện doanh nghiệp lữ hành nói: “Cách phục vụ đoàn ít người còn khá lúng túng, nếu đoàn đông chúng tôi sợ bể tour”. Tại một điểm tham quan của Tam Kỳ là Văn thánh Khổng miếu, nhân xưng “mình” của cô hướng dẫn viên cũng làm cho nhiều người cảm thấy không vừa ý. Bên cạnh đó, do kiến thức về lịch sử không vững nên cô hướng dẫn viên luôn mất bình tĩnh trước những thắc mắc của khách về điểm di tích. Tại khu du lịch Hồ Phú Ninh chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên cũng không khá hơn, dường như mang tính ngẫu hứng không theo quy trình nào. Ngoài ra, thái độ phục vụ cũng là điểm hạn chế nghiêm trọng của nhiều điểm du lịch địa phương, khi phần lớn nhân viên chưa ý thức được vai trò của một người làm dịch vụ là “khách hàng luôn đúng” ngược lại, thường tỏ thái độ khó chịu, cau có khi bị khách phàn nàn.
Chất lượng đội ngũ nhân viên hiện nay tại các điểm đến chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. |
Thiếu kỹ năng làm việc trong ngành du lịch không phải là câu chuyện mới mẻ mà đã được các nhà quản lý du lịch và doanh nghiệp lữ hành cảnh báo từ lâu. Điều này không chỉ tồn tại ở các điểm du lịch địa phương mà ngay cả Hội An cũng còn nhiều điều cần hoàn thiện. “Điểm đến có thể không hấp dẫn, dịch vụ có thể không cao nhưng nếu có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có kỹ năng phục vụ tốt thì những khiếm khuyết đó cũng sẽ dễ dàng được khách bỏ qua. Ngược lại, điểm đến có hấp dẫn đến mấy mà đội ngũ nhân viên tồi thì coi như thất bại”- ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng Giám đốc Công ty APEX Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) cho biết.
Tăng cường đào tạo
Thực tế, hằng năm doanh nghiệp du lịch tại Hội An cũng như những đơn vị lưu trú lớn đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng phục vụ cho nhân viên. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lan - Tổng Giám đốc khách sạn Lê Dung (Tam Kỳ), định kỳ một năm 2 lần doanh nghiệp mời các chuyên gia du lịch đến từ Pháp hoặc các tổ chức phi chính phủ qua bồi dưỡng, kiểm tra kiến thức và kỹ năng phục vụ cho nhân viên khách sạn, nhờ vậy chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tại một số điểm điều này dường như ít được quan tâm khi phần lớn hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ chủ yếu là người lao động tại chỗ thiếu chuyên môn về du lịch. Riêng với những điểm du lịch do Nhà nước quản lý phần lớn nhân viên đứng điểm thuộc xã hoặc ngành văn hóa địa phương tăng cường nên trình độ chuyên môn khó đảm bảo. Còn theo tiết lộ của lãnh đạo Phòng VHTT TP.Tam Kỳ, trước đây thành phố cũng đã chọn một số thuyết minh viên đứng điểm nhưng do vắng khách nên việc đào tạo bồi dưỡng cũng không được chú trọng. “Chất lượng nguồn nhân lực du lịch địa phương thấp là sự thật hiện nay vì rất ít nơi quan tâm đến công tác đào tạo hoặc tuyển chọn nhân viên có chuyên ngành” - ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận xét.
Theo ông Hài, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong ngành du lịch và được ví như những đại sứ đại diện cho một vùng đất, một điểm đến đối với du khách nên việc tăng cường đào tạo chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ này luôn là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, ngoài việc tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến liên kết doanh nghiệp… Sở sẽ phối hợp với một số địa phương tổ chức đào tạo chuyên môn cho nhân viên đứng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong thời gian đến. “Nếu không có gì thay đổi dự kiến cuối quý 3 năm nay sở sẽ tổ chức lớp đào tạo hướng dẫn viên đứng điểm cho các địa phương trên địa bàn tỉnh”- ông Hài tiết lộ. Ngoài ra, sở cũng sẽ tiến hành phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo nhân viên tại chỗ nhằm từng bước hoàn thiện kỹ năng cho đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực này trong thời gian đến.
THÂN VĨNH LỘC