Tinh hoa võ đường Hồ Tấn

ALĂNG NGƯỚC - NG.DƯƠNG 05/07/2014 08:52

Tròn 100 năm, cũng đủ để khẳng định một môn phái võ cổ truyền với tinh hoa võ thuật thuộc bậc nhất xứ Tam Kỳ.

Ở vùng đất Tam Kỳ, võ đường Hồ Tấn (khối phố Bàn Thạch, phường Hòa Hương) từ lâu đã trở thành không gian võ thuật được nhiều người mến mộ. Trải qua 100 năm hình thành và phát triển, dù ở hoàn cảnh nào, các lớp môn sinh của võ đường vẫn luôn tự hào về môn phái võ thuật cổ truyền nức tiếng từ thời triều Nguyễn.

Võ sinh biểu diễn thi đấu đối kháng tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập võ đường Hồ Tấn (2.6). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Võ sinh biểu diễn thi đấu đối kháng tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập võ đường Hồ Tấn (2.6). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chưởng môn Hồ Ngọc Doãn nay đã ở ngưỡng tuổi 80. Dù đôi mắt không còn sáng từ hơn 20 năm nay nhưng ông vẫn duy trì võ đường. Các thế hệ võ sinh Hồ Tấn, ai cũng ngưỡng mộ chưởng môn Hồ Ngọc Doãn bởi “dù mù mắt nhưng ông rất sáng… lòng” với các thế võ hay được ông truyền đạt một cách tận tâm. Trong số gần 20 bài quyền võ thuật Hồ Tấn, nhiều môn phái võ thuật trong khu vực rất nể trọng đến bài siêu đao cổ truyền mà theo nhận xét của họ là chưa từng bị người đời “sao chế”. Đó là bài “Thanh long đao”, hiện vẫn được nhiều võ sinh Hồ Tấn duy trì và phát triển. Là truyền nhân đời thứ 4 của võ đường Hồ Tấn, võ sư Hồ Ngọc Doãn không chỉ được biết đến với vai trò chưởng môn, ông còn là người duy nhất của võ đường có khả năng truyền đạt kinh nghiệm cả về võ thuật và các bài thuốc chuyên điều trị các vết thương. Vì thế, với đám học trò, ông là người “ba trong một”: vừa là thầy võ, thầy giáo và cũng là thầy thuốc.

Đao là một trong số binh khí thường được các võ sĩ sử dụng trong chiến đấu, có thể kết hợp đánh cả trên bộ
Biểu diễn bài “Thanh long đao”.
Biểu diễn bài “Thanh long đao”.
và trên lưng ngựa. Bài võ “Thanh long đao” có thể chiến đấu ở cự ly từ gần đến xa, tùy theo thế đi. Có 2 loại đao thường được sử dụng trong bài “Thanh long đao”: trường đao và đoản đao. Ngoài đánh giáp lá cà, võ sĩ còn sử dụng chiêu thức phóng đao khi đối mặt với kẻ thù ở cự ly vài mét hoặc lợi dụng mặt đao để cản mũi tên của đối phương.
Võ sư Hồ Ngọc Doãn cho biết: “Trong võ thuật, người võ sĩ luôn hiểu về tác dụng, công dụng việc học võ của mình. Bởi võ thuật được xây dựng nhằm mục đích tự vệ và chiến đấu. Không chỉ bằng tay chân, võ thuật yêu cầu người học phải phản xạ tốt và luôn luôn tưởng tượng trước mặt là đối phương, kể cả khi nhắm mắt. Vì thế, học võ đòi hỏi cần phải siêng năng, chăm chỉ tập luyện, thông thạo từng động tác, kỹ năng, kỹ xảo,… theo phương châm “học để tự vệ và chiến đấu”. Trong chiến đấu, không phải lúc nào cũng có thể vận dụng hết bài võ mà phải biết linh hoạt, tùy cơ ứng biến để hạ gục đối phương ở mọi tình huống…”

Một trăm năm trước, bên dòng sông Bàn Thạch hiền hòa, võ đường Hồ Tấn chính thức được khai trương do tổ phụ Hồ Long Đình (1884 - 1932, tên thường gọi là thầy Chính Lơn) thành lập. Đây được xem là “cột mốc” sau nhiều năm phiêu bạt ở các vùng miền trong cả nước để tìm hiểu, nghiên cứu các bộ môn võ thuật dân tộc và võ thuật Trung Hoa thời bấy giờ của thầy Chính Lơn. Qua quá trình chọn lọc, ông đã đúc kết và phát triển tinh hoa của hai nền võ thuật này để hình thành một số bài võ quyền cước, bài võ với các loại binh khí côn, siêu, kiếm, đao, thương, phủ, kích,… cùng với hơn 60 bài y thuật hỗ trợ luyện võ và chữa trị vết thương. Những năm sau đó, cụ Hồ Tấn Ba (thân phụ của võ sư Hồ Ngọc Doãn) tiếp tục nối nghiệp võ cha của mình và duy trì những bài võ gia truyền lưu danh đến tận ngày nay.

Ông Nguyễn Đình Khanh, người có hơn 40 năm theo học tại võ đường Hồ Tấn cho biết, không chỉ học võ, môn sinh của võ đường còn được học cách làm người và là người có ích cho xã hội. Dù không phải dòng dõi của tộc Hồ Tấn nhưng ông Khanh cho biết, võ sinh luôn coi võ đường như “mái nhà chung”, ra sức rèn luyện võ thuật, mang tinh hoa văn hóa phương Đông truyền bá với bạn bè quốc tế.

Trong con mắt của nhiều người, võ đường Hồ Tấn luôn là “cái nôi” sản sinh ra nhiều hiền tài, võ sĩ có công sức đóng góp cho cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chống giặc ngoại xâm. Trong đó, phải kể đến cụ Hồ Tấn Ba - người từng làm “đứng tim” Tỉnh trưởng Quảng Nam Hồ Ngận bằng những bài võ cổ truyền, trong Cách mạng Tháng 8. Sau này, cũng chính tại võ đường Hồ Tấn, các chiến sĩ đặc công Chu Lai đã tập hợp rèn luyện võ thuật để sau đó đi phục vụ chiến trường Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Dù không phải là môn sinh nhưng nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ  lại có mối thân tình rất sâu nặng với võ đường Hồ Tấn. Hỏi về võ đường, bất kể là chuyện gì ông cũng trả lời vanh vách. Bởi vậy, ông được chưởng môn của võ đường Hồ Tấn - võ sư Hồ Ngọc Doãn chọn đọc bài phát biểu nhân sự kiện kỷ niệm 100 thành lập võ đường vừa được tổ chức. “Những bài võ của võ đường Hồ Tấn vừa cao siêu, vừa giản đơn qua từng bài thiệu đã rèn luyện cho môn sinh tính kiên trì, dạn dĩ, chịu thương chịu khó. Suốt chặng đường 100 năm, võ đường Hồ Tấn đã nêu cao tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - ông Sĩ chia sẻ.

Theo võ sư Trần Xuân Mẫn - Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Nam, cùng với một số hiếm hoi võ đường trên địa bàn tỉnh còn giữ được một vài bài siêu đao cổ truyền nguyên gốc, võ đường Hồ Tấn nổi bật với bài “Thanh long đao”.  Năm 1989, tại Liên hoan võ cổ truyền toàn quốc được tổ chức tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), Hồ Trung Chí - con trai duy nhất (đã mất vì tai nạn giao thông) của võ sư Hồ Ngọc Doãn đã đoạt Huy chương Đồng với bài biểu diễn “Lăn khiên” khiến nhiều người ngưỡng mộ. “Hiện nay thầy Hồ Ngọc Doãn đã qua khỏi ngưỡng thất thập cổ lai hy. Rất may là còn một vài người học trò của thầy Doãn thi triển được bài Thanh long đao nguyên bổn, trong đó có Thái Viết Trung đang là Chủ nhiệm câu lạc bộ võ thuật Hồ Tấn Phú Ninh. Hồ Tấn là một dòng võ còn lưu giữ nhiều bài võ thuật cổ truyền, hy vọng, các thế hệ sau sẽ tiếp tục lưu truyền và phát triển” - võ sư Trần Xuân Mẫn nói.

ALĂNG NGƯỚC - NG.DƯƠNG

ALĂNG NGƯỚC - NG.DƯƠNG