Hàn Quốc ngầm ủng hộ Đông Nam Á về vấn đề biển Đông

QUỐC HƯNG 04/07/2014 11:57

Tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc nhưng Hàn Quốc vẫn ngầm ủng hộ Đông Nam Á về vấn đề biển Đông.

Đó là nhận định của nhiều nhà phân tích quốc tế được đăng tải trên các trang báo nhân chuyến thăm Hàn Quốc trong 2 ngày 3 và 4.7 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trên trang Bloomberg, Reuters, CNN viết: Là một quốc gia phát triển nhờ vào xuất khẩu, chiếm đến một nửa tổng sản phẩm quốc nội, Hàn Quốc trong nhiều năm trở lại đây rất cần đến thị trường tiêu thụ khổng lồ Trung Quốc – một thị trường đầy tiềm năng. Do vậy, việc duy trì quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc là ưu tiên số một của Chính phủ Hàn Quốc hiện nay. Mặt khác, việc giải quyết những bất đồng trên bán đảo Triều Tiên, đối với Hàn Quốc cũng cần đến sự ủng hộ từ Trung Quốc, vốn được xem là “người anh em thân thiết” của CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, Seoul cũng mong muốn tìm tiếng nói đồng thuận từ Bắc Kinh khi cả hai đang trong tình trạng gia tăng căng thẳng với Nhật Bản.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc (trái) vẫn quan ngại về động thái của Trung Quốc trên biển Đông. (ảnh: presstv.ir)
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc (trái) vẫn quan ngại về động thái của Trung Quốc trên biển Đông. (ảnh: presstv.ir)

Thế nhưng, tham vọng bành trướng của Trung Quốc gần đây khiến Seoul lo ngại. Đó là khi Trung Quốc ngày càng hung hăng, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, kể cả việc dùng vũ lực để áp đặt các yêu sách phi lý của Bắc Kinh, nhất là trên biển Đông hiện nay. Vào cuối năm 2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, không chỉ bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, mà còn gộp luôn cả bãi đá ngầm Socotra đang do Seoul kiểm soát dưới tên gọi Ieodo, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền dưới tên Tô Nham.

Trang web International Policy Digest (Mỹ) số ra ngày 2.7 đăng tải bài viết của tác giả Ann Song, một chuyên gia nghiên cứu quốc tế của Đại học Denver (Mỹ) rằng, Hàn Quốc vẫn giữ thái độ trung lập trên “hồ sơ” biển Đông nhưng trong thực tế đã có động thái ngầm ủng hộ Philippines nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Quả vậy, một ngày trước khi ông Tập Cận Bình đến Seoul, Philippines đã loan báo sắp tiếp nhận hai chiến đấu cơ đầu tiên từ Hàn Quốc, trong tổng số 12 máy bay FA-50 theo hợp đồng được hai bên ký kết trị giá 420 triệu USD hồi tháng 3.2014.

Còn nhớ, tháng 10.2013, Hàn Quốc ký bản ghi nhớ với Philippines về mở rộng hợp tác quốc phòng song phương. Cuối năm nay, Hàn Quốc sẽ chuyển giao cho Philippines một tàu hộ tống nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội Philippines. Tàu hộ tống lớp Pohang được sử dụng để tuần tra ven biển, được trang bị vũ khí chống tàu chiến, chống ngầm và có thể bắn hạ máy bay. Tàu có trọng lượng rẽ nước khoảng 1.200 tấn, tốc độ 32 hải lý/giờ và phạm vi hoạt động khoảng 4.000 hải lý (7.408km).

Đối với giới phân tích, ý nghĩa các tín hiệu trên đây đã rõ ràng, việc Hàn Quốc và Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng cho thấy là Seoul âm thầm ủng hộ Manila các nước khác ở Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG