Trung tâm giáo dục thường xuyên: Đi về đâu?

THÂN VĨNH LỘC 28/06/2014 13:18

Không phải đến bây giờ những vướng mắc trong hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, dạy nghề (GDTX&HN,DN) mới bộc lộ. Tuy nhiên, việc tìm hướng đi phù hợp cho mô hình này vẫn đang còn loay hoay.

Rất ít học sinh theo học hệ giáo dục thường xuyên tại các trung tâm GDTX. Ảnh: VĨNH LỘC
Rất ít học sinh theo học hệ giáo dục thường xuyên tại các trung tâm GDTX. Ảnh: VĨNH LỘC

Tự xoay xở

Có thể nhận thấy, trong số 15/17 trung tâm GDTX&HN,DN trên địa bàn tỉnh (trừ 2 trung tâm Nam Giang và Phước Sơn do Phòng GD-ĐT huyện quản lý), muốn tồn tại được đều phải tự xoay xở bằng nhiều cách như liên kết đào tạo đại học, dạy lái xe mô tô, đào tạo nghề nông thôn… Ông Đặng Trung Phương - Giám đốc Trung tâm GDTX&HN huyện Điện Bàn cho biết, kinh phí hàng năm Sở GD-ĐT rót để trung tâm trả lương cho giáo viên đứng lớp chỉ khoảng 76%, số tiền 24% còn lại trung tâm phải tự thu. Vì vậy, để duy trì hoạt động, đảm bảo các chế độ lương và đứng lớp cho 18 cán bộ, nhân viên của trung tâm, hàng năm, ngoài việc phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện để nắm danh sách học sinh không vào được lớp 10 rồi đến nhà tư vấn vận động vào học GDTX, trung tâm cũng chủ động liên kết với các trường THCS trên địa bàn huyện cử giáo viên đến dạy nghề hoặc hợp đồng giáo viên tại chỗ nhằm đảm bảo duy trì số lượng học sinh học nghề… Nhờ những cách làm này, Trung tâm GDTX&HN Điện Bàn là một trong số ít trung tâm tự sống được hiện nay.  

Còn đối với Trung tâm GDTX&HN huyện Duy Xuyên, để đa dạng hóa hoạt động, tạo nguồn thu, trung tâm không chỉ tăng cường công tác hướng nghiệp cho các em học sinh lớp 12 trước khi thi đại học mà còn mở hướng liên kết đào tạo dịch vụ, nghề xã hội như liên thông trung cấp, cao đẳng lên đại học, tổ chức học và thi bằng lái xe phân khối lớn…Đặc biệt, 3 năm qua trung tâm đã phối hợp với Dự án phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới tại Quảng Nam (PD) do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ tổ chức dạy nghề truyền thống như dệt chiếu, làm chổi…cho đối tượng người lao động lớn tuổi tại địa phương. Riêng Trung tâm GDTX&HN,DN TP.Hội An, ngoài việc dạy bổ túc văn hóa và dạy nghề phổ thông, trung tâm còn liên kết với Trường Dạy nghề Quảng Nam tổ chức 12 khóa mô tô thu hút số lượng 1.630 học viên theo học. Ngoài ra, Trung tâm GDTX&HN,DN TP.Hội An còn phối hợp với các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các lớp phổ biến kiến thức như dinh dưỡng trong bữa cơm gia đình, phương pháp chế biến và bảo quản thức ăn... Năm 2013, trung tâm đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thành phố cùng Thành đoàn Hội An tổ chức đào tạo cho 31 học viên trình độ sơ cấp nấu ăn trong chương trình giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân thay đổi sinh kế…

Giao về địa phương quản lý?

Qua thăm dò ý kiến của các trung tâm GDTX, phần lớn đều thống nhất, trong trường hợp sáp nhập trung tâm vào một đơn vị khác nên giao về cho huyện/thành phố quản lý. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Nam Giang (một trong 2 trung tâm thuộc Phòng GD-ĐT huyện quản lý), trung tâm thuộc huyện quản lý sẽ có những thuận lợi trong việc phân chia chức năng dạy nghề phổ thông khối THPT thuận tiện và đúng chức năng hơn. Riêng năm học 2013 - 2014, trung tâm đã tổ chức dạy cho gần 140 học viên khối lớp 11 học nghề phổ thông, điều mà ở các trung tâm thuộc Sở GD-ĐT quản lý khó đạt được trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, các chế độ tài chính, thâm niên, đứng lớp của giáo viên hay việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… cũng dễ dàng được quan tâm. “Trung tâm GDTX huyện Nam Giang đến nay vẫn “sống” khỏe vì chúng tôi có những lợi thế mà các trung tâm khác không có, như được chia mảng dạy nghề với các trường THPT cũng như hưởng được nguồn học sinh từ 2 huyện Đông Giang và Tây Giang qua (2 huyện không có trung tâm GDTX) và phổ cập bổ túc văn hóa cho đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số của 3 huyện” - ông Bình cho biết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với ý kiến sáp nhập trung tâm GDTX về huyện. Ông Võ Văn Ba - Giám đốc Trung tâm GDTX&HN,DN TP.Hội An cho rằng nếu tỉnh có ý định sáp nhập trung tâm GDTX vào một đơn vị khác thì nên tổ chức một hội thảo giữa lãnh đạo tỉnh, Sở GD-ĐT với lãnh đạo các trung tâm để tìm ra hướng đi phù hợp. “Theo tôi vấn đề không phải là sáp nhập hay giải thể mà là cơ chế quản lý có nhiều bất cập, nếu được tháo gỡ tôi tin không chỉ Trung tâm GDTX&HN,DN Hội An mà nhiều trung tâm khác cũng sẽ hoạt động và sống tốt”. Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm GDTX-HN huyện Đại Lộc tỏ vẻ hoài nghi với phương án giao trung tâm GDTX về cho huyện. Ông Thắng cho rằng, nếu giao về huyện mà chuyên môn, kinh phí đào tạo vẫn thuộc Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB&XH quản lý thì cũng như nhau. “Đơn cử kinh phí dạy nghề nông thôn Sở LĐ-TB&XH rót trực tiếp về Phòng LĐ-TB&XH huyện quản lý, lúc đó tùy mối quan hệ mà phòng có thể phân bố về xã hoặc các đơn vị khác để dạy nghề, trung tâm cũng chỉ đứng ngoài cuộc” - ông Thắng nói. Còn theo ý kiến của ông Đặng Trung Phương, nếu tỉnh thấy các trung tâm GDTX không cần thiết tồn tại thì có thể giải thể chứ không thể sống một cách “lay lắt” như thời gian qua. “Chỉ riêng việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng nhiều năm nay chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Báo cáo lên sở thì được trả lời không cần thiết vì trung tâm hoạt động không hiệu quả, còn huyện thì chỉ về sở” - ông Phương than vãn.

Không phủ nhận, hiệu quả hoạt động của một số trung tâm GDTX thời gian qua vẫn chưa như mong muốn. Tuy nhiên, tháo gỡ vấn đề này thế nào vẫn là bài toán không hề đơn giản, đòi hỏi các cấp ngành liên quan cần có cái nhìn thấu đáo để các trung tâm GDTX không phải “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” trong mối quan hệ chồng chéo như thời gian qua.

THÂN VĨNH LỘC

THÂN VĨNH LỘC