Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh lần thứ VII - 2014: Hòa mình vào thiên nhiên

LÊ QUÂN 24/06/2014 09:54

“Phong cảnh xứ Tiên” như trở nên trong trẻo, xanh tươi hơn qua tác phẩm của các cây cọ nhí trong Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh lần VII vừa tổ chức tại Tiên Phước cuối tuần qua.

  • Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ VII: Phước Sơn giành giải Nhất toàn đoàn
Thí sinh nhóm tiểu học hòa mình vào thiên nhiên tại làng cổ Lộc Yên. Ảnh: LÊ QUÂN
Thí sinh nhóm tiểu học hòa mình vào thiên nhiên tại làng cổ Lộc Yên. Ảnh: LÊ QUÂN

Phong cảnh xứ Tiên

Đặc trưng của cảnh sắc Tiên Phước chính là sự tạo hình giàu nghệ thuật của đá. Đá tạo nên nét văn hóa tồn tại hơn 500 năm ở Tiên Phước. Từ những ngõ đá rêu phong chạy dọc theo triền đồi bát úp, bao bọc những ngôi nhà cổ có tuổi đời lên đến 200 năm, đến những thắng cảnh dọc hai bên lưu vực sông Tiên. Đá là một “đặc sản” làm nên khung cảnh nơi đây. Chọn Tiên Phước - vùng đất trung du bán sơn địa làm địa điểm tổ chức hội thi lần này, ý đồ của Ban tổ chức chính là muốn cảnh sắc ở đây sẽ khơi nguồn cảm hứng để thí sinh tạo nên những tác phẩm xuất sắc. Nhóm thí sinh tuổi tiểu học được Ban tổ chức chọn không gian vẽ là làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh) với những ngôi nhà trầm mặc được ngõ đá ôm ấp. Một không gian xanh tươi trong của hai hàng chè tàu, của ngõ đá trăm năm xanh rêu, của cây trái trong vườn... cho cảm giác về một ngôi làng bình yên. Ở không gian này, thí sinh được thỏa sức sáng tạo, bởi ngay ở bản thân cảnh vật đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.

Nhóm THCS được Ban tổ chức sắp xếp không gian vẽ tại thắng cảnh Lò Thung, nằm trên sông Đá Giăng, cũng ở xã Tiên Cảnh. Những hàng đá xếp tự nhiên, bao quanh dòng nước biếc. Cụ Huỳnh Thúc Kháng từng có những câu thơ về thắng cảnh này: “Một cái Lò Thung, một Sơn Ve/ Ai xây ai đắp khéo nên kìa/ Ngàn năm còn mãi kỳ quan ấy/ Đổ xòe nước bạc, đá so le”. Không thể tả hết cảm giác khi lần đầu tiên nhìn thấy khung cảnh này. Ấy là sự quyện hòa màu xanh ngọc của nước và màu xanh thẫm của bầu trời, ở đó, còn có hàng hàng lớp lớp tảng đá nhiều hình khối khác nhau. Thiên nhiên tạo nên bức tranh vô cùng đẹp. Cảnh sắc thiên nhiên như vậy đòi hỏi các em phải biết quan sát để chọn cho mình những góc nhìn ưng ý, trọng tâm trong bố cục, cũng như sự liên tưởng, phối hợp màu sắc hài hòa.

Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Quảng Nam lần thứ VII do Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Hội Văn học nghệ thuật và Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức cùng sự hỗ trợ từ UBND huyện Tiên Phước. Diễn ra trong hai ngày 19 và 20.6, hội thi thu hút 100 thí sinh ở hai cấp tuổi tiểu học và THCS thuộc 16 huyện, thành phố tham gia. Kết quả chung cuộc, đơn vị Phước Sơn giành giải Nhất toàn đoàn, Tiên Phước giải Nhì và Điện Bàn giải Ba. Giải Nhất khối tiểu học thuộc về Hà Giang Thảo Duyên (đơn vị Phước Sơn), giải Nhất khối THCS thuộc về Lê Văn Thịnh (Điện Bàn).

Ở cả hai không gian dự thi, màu sắc chủ đạo được thí sinh sử dụng vẫn là những gam màu tươi như xanh, vàng. Thạc sĩ Võ Như Diệu - Trưởng ban Giám khảo cuộc thi cho rằng, ở thắng cảnh Lò Thung, tuy cảnh sắc thiên nhiên đẹp nhưng rất khó để chọn trọng tâm và khai thác điểm nhìn để vẽ. Đối với làng cổ Lộc Yên, cảnh sắc tuy gần gũi nhưng cũng sẽ rất khó có một bức tranh đẹp nếu các em không tìm được trọng tâm của khung cảnh.

Ghi chép thực tế

Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi Quảng Nam năm nay là sự lên ngôi của khu vực miền núi. Có lẽ bởi đây là khung cảnh đã khá quen thuộc với các thí sinh. Tuy nhiên, năng khiếu, tố chất vẫn là điều tiên quyết thể hiện trong tác phẩm. Hà Giang Thảo Duyên (lớp 5, đơn vị Phước Sơn) năm nay tiếp tục giành giải Nhất khối tiểu học với bức tranh về ngõ đá Lộc Yên. Năm ngoái, với chủ đề “Biển trời quê em”, Thảo Duyên đã xuất sắc giành giải nhất hội thi với tác phẩm “Vui chơi ngày hè”. Chia sẻ về ý tưởng của tác phẩm, Thảo Duyên nói: “Em chỉ vẽ lại những gì nhìn thấy ở làng cổ Lộc Yên, với màu xanh là chủ đạo”. Hồn nhiên vậy, nhưng bất cứ ai khi nhìn tác phẩm của Thảo Duyên đều cảm thấy thích thú vì sự trong trẻo về màu sắc cũng như bố cục hoàn chỉnh. Năm nay, tiêu chí Ban giám khảo đưa ra vẫn là “ghi chép” tính trung thực của tự nhiên trên tinh thần phù hợp với đặc điểm từng lứa tuổi.

So với năm 2013, hội thi năm nay chứng kiến sự vượt trội về chất lượng tác phẩm cũng như màu sắc sử dụng với chiều hướng chuyên nghiệp hơn. Nhận xét về tác phẩm đoạt giải Nhất khối THCS của Lê Văn Thịnh (lớp 8, đơn vị Điện Bàn), ông Võ Như Diệu cho rằng đây là bức tranh có tính tạo hình cao, nắm bắt được trọng tâm của thắng cảnh Lò Thung. Kỹ thuật sử dụng màu tương phản nóng - lạnh, gần - xa, tạo nên khung cảnh hài hòa với điểm nhấn là không gian mênh mông với nhiều tầng đá. “Tác giả đưa con người vào tranh chỉ như hạt cát bé nhỏ giữa không gian mênh mông càng làm nổi rõ sự hùng vĩ của cảnh sắc. Thí sinh này có bút pháp và cách dựng màu rất thành thục, diễn tả mảng khối rõ ràng, rất có năng lực và cá tính” - ông Diệu nói. Lê Văn Thịnh chia sẻ, đây là lần đầu tiên nhìn thấy cảnh sông suối trùng điệp như vậy và đây cũng là lần đầu tiên đi thi. Đặc biệt, Lê Văn Thịnh chưa từng học qua lớp mỹ thuật nào, em chỉ vẽ bằng cảm nhận của mình, có thể nhờ vậy mà tác phẩm có thể khơi gợi nhiều ý tưởng nơi người xem. Ông Nguyễn Văn Hàm - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng ban Tổ chức hội thi nói: “Hội thi vừa là một sân chơi ngày hè đầy sáng tạo cho thiếu nhi, vừa là nơi để phát huy năng khiếu, tính sáng tạo của mỗi em, để từ đó các đơn vị, địa phương có kế hoạch bồi đắp cho những “mầm xanh” này”. Một ngày hội sắc màu dành cho các “họa sĩ nhí” với việc hướng đến những không gian rộng lớn, cảnh sắc thơ mộng của quê hương xứ Quảng cũng là một cách giáo dục cho các em về tình yêu quê hương”.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN