"Về quê" qua từng trang báo
Dù xa quê, tôi vẫn cập nhật đều đặn báo Quảng Nam. Không chỉ để biết tin tức quê nhà, tờ báo đã trở nên thân thương, đồng hành với những cảm xúc buồn vui của một người xa xứ…
Biết tôi thích đọc các báo, tạp chí quê hương, thỉnh thoảng bạn quê tập hợp nhiều số báo, gửi cho tôi qua đường bưu điện. Trên máy tính cá nhân, tôi cũng cài đặt địa chỉ trang web “baoquangnam.com.vn” để tiện cập nhật tin tức hàng ngày.
Là người con xa xứ, Báo Quảng Nam trở thành người bạn rất đỗi thân thương với tôi. Cầm tờ báo giấy hay lướt trên báo mạng, tôi không bỏ sót mục nào. Những tin, bài ở trang “Nông thôn mới” đưa tôi về với tuổi thơ cùng ba mẹ cắt lúa, tỉa đậu. Con đường làng ngoằn ngoèo, sình lầy năm xưa đã được bê tông hóa. Bạn tôi bảo mùa mưa có thể đi guốc, che ô, thong dong được rồi, không còn cảnh xắn quần quá gối hay rút chân dưới sình. Con đường “huyết mạch” của tuổi thơ, kỷ niệm nhiều không kể xiết. Tôi kể về đêm trung thu diễu hành trên con đường ấy, qua tạp bút đầu tiên gửi Báo Quảng Nam. Tôi viết và gửi ngay, như thể sợ ai đó lấy mất đi cảm xúc của mình “Nhớ trung thu xưa” được đăng đúng dịp trăng tròn vành vạnh.
Tôi vui sướng vì được trải lòng với tờ báo quê hương. Vui với niềm vui khó diễn tả bằng lời ấy, tôi tiếp tục viết thêm nhiều bài cộng tác, chủ yếu ở mục “Người Quảng xa quê”. Thường 5 - 6 ngày sau khi bài đăng, tôi nhận được những tờ báo biếu và đọc lại bài mình thật kỹ. Ở một vài bài, ban biên tập đã thay đổi những câu, từ còn chưa hoàn thiện của tôi. Từ đó, tôi để ý cách chỉnh sửa, tự đặt câu hỏi vì sao họ lại sửa như thế, rồi dần rút kinh nghiệm và ít nhiều nắm bắt được “gu” của tờ báo. Cộng tác với Báo Quảng Nam, điều tôi thích nhất là những góp ý, nhận xét, sự động viên, khích lệ của các anh chị làm công tác biên tập. Điều ấy giúp chúng tôi phấn chấn, tự tin hơn rất nhiều.
Người Quảng làm báo ở TP.Hồ Chí Minh khá nhiều, họ sử dụng ngôn ngữ “phổ thông” để người đọc mọi miền dễ tiếp cận. Vì thế, chẳng mấy khi tìm được những “chừ mô răng rứa”, những phương ngữ nghe vui tai mà nghĩa tình như ở các báo, tạp chí quê hương. Tôi đặc biệt thích những phóng sự ảnh trên báo Quảng Nam, thích cái nhìn ngơ ngác của em bé Cơ Tu giữa mênh mông đại ngàn hay những đổi thay của thành phố Tam Kỳ… Đọc những tin dù vui hay buồn, tôi đều trao đổi với cô bạn thân đang sống và làm việc ở Quảng Nam. Tôi chia sẻ với bạn về những trận bão lũ tàn phá quê hương, hay vụ lật thuyền đau xót. Tôi khâm phục những số phận vượt khó, những tấm gương học giỏi và giàu nghị lực mà tôi đọc được. Bạn bảo tôi “xem ra mi còn nặng lòng với quê hương”.
Tôi có nhiều người bạn Quảng Nam công tác ở các tờ báo uy tín cả nước. Mỗi khi có dịp tụ họp, các bạn luôn tự tin mình là người Quảng Nam đang cầm bút “chiến đấu”. Tự tin nhưng không tự mãn, họ luôn nhắc nhở bản thân phải viết sao cho ngay, cho thẳng; phản ánh sao cho kịp thời và chính xác; phải ý thức đạo đức nghề nghiệp để không mắc sai lầm… Nhiều người Quảng làm báo đã trở thành “thương hiệu”, thật đáng trân trọng và tự hào. Giờ đây, mỗi khi được cầm tờ báo Quảng Nam trên tay hay lướt qua trang mạng, hoặc đọc Tạp chí Đất Quảng, Văn hóa Quảng Nam, Văn nghệ Tam Kỳ…, tôi được đắm chìm trong những cảm xúc rất riêng. Đặc biệt, qua những bài cộng tác, tôi may mắn được trải lòng để thỏa nỗi nhớ nhà; âu đó cũng là dịp để “về quê” trong hoài niệm.
PHI KHANH