Ăn Tết Bunpimay

TUỆ LÂM 20/06/2014 16:46

Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng đầu tháng 4, huyện Nam Giang lại tổ chức sang thăm huyện Đắc Chưng (Lào) nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của nước bạn. Được mời tham dự trong dịp đó, vậy là háo hức chuẩn bị mũ áo để lần đầu tiên được… xuất ngoại.

Ấn tượng đầu tiên về Đắc Chưng là những cao nguyên mênh mông, bạt ngàn đất đỏ bazan màu mỡ; là những con đường đất đỏ chạy dài ngút tầm mắt; là lác đác vài ngôi nhà được dựng đơn sơ bằng những tấm gỗ đã úa màu… Vùng đất này nghèo, hoang sơ, nghèo hơn cả một huyện miền núi xa xôi của mình rất nhiều. Vậy nhưng, con người nơi đây thì hào sảng đến lạ. Rất phóng khoáng và mến khách.

Dập dìu điệu múa lăm vông.
Dập dìu điệu múa lăm vông.

Tết Bunpimay của nước bạn Lào còn được biết đến là lễ té nước. Ông Nuphet Chanthamat - Phó huyện trưởng huyện Đắc Chưng giải thích về tục lễ Tết Bunpimay của dân tộc mình: “Tết Bunpimay của người Lào kéo dài từ ngày 13.4 đến ngày 15.4 hằng năm theo Phật lịch, trong đó bao gồm nhiều nghi thức. Đặc biệt lễ té nước chính là một nét đặc sắc trong văn hóa của chúng tôi. Lễ hội ở Lào thường được gọi là Bun. Bun có nghĩa là làm phúc, làm phúc để được hưởng phúc. Trước khi té nước cho nhau, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Bạn bè té nước vào nhau để chúc phúc, may mắn, vui vẻ. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất…”.

Đón đoàn công tác của huyện Nam Giang trong dịp Tết cổ truyền Bunpimay của mình, nhân dân Lào đã chuẩn bị sẵn một mâm cỗ, trên đó có đầy đủ hiện vật cần thiết như: hoa quả, tiền, chỉ… để đón tiếp những người khách của mình. Thay cho bàn làm việc, khách được mời ngồi quanh mâm cỗ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, màn buộc chỉ tay để làm quen, để cầu an, cầu hạnh phúc diễn ra sôi nổi, hào hứng nhưng không kém phần trang trọng, ấm áp. Buộc chỉ kết thân là một nét đặc trưng của dân tộc Lào, thể hiện lòng hiếu khách, cùng kết giao bằng hữu, để cùng nhau tạo dựng một tình bạn đẹp… Tất cả người ngồi quanh mâm cỗ sẽ lần lượt được buộc những sợi chỉ vào quanh cổ tay kèm theo các nghi thức…

Buộc chỉ cổ tay, kết bạn trong Tết Bunpimay.
Buộc chỉ cổ tay, kết bạn trong Tết Bunpimay.

Sau màn buộc chỉ cổ tay để làm quen cùng các nghi thức khác, màn té nước bắt đầu diễn ra. Dù đã được cảnh báo từ trước, vậy nhưng chẳng ai ngờ là bất thình lình một xô nước đã đổ ụp xuống đầu  mình. Lấy lý do  chụp ảnh tôi lịch sự đứng lên, vừa tránh được cái xô nước sẵn sàng ụp xuống đầu, vừa không làm mất lòng mọi người bởi có lý do chính đáng.

Trước đó, trên đường đi, anh Tơngol Với, Chánh văn phòng UBND huyện Nam Giang có rỉ tai: “Qua đó, họ mời là không được từ chối. Không được chạy đâu đấy. Nói trước là tìm đỏ con mắt cả huyện cũng không có một cục đá lạnh đâu, chỉ uống bia nóng thôi”. Tôi giãy nảy: “Rứa răng mà uống? Đi đường xa đã mệt rồi, không có sức mô anh ơi”. Với cười, vỗ vai bảo: “Chú yên tâm, không uống được thì đổ”. “Có không? Đừng lừa em nhé?”. “Thật đó, cứ thử đi. Người ta không quan trọng chuyện mình đổ đi đâu. Khi rượu, bia trong ly hết với họ (dù là đổ) nghĩa là trọn tình trọn nghĩa đối với họ…”.

Khi men rượu đã nồng cay mũi, những mệt mỏi của  chuyến đi dài trỗi dậy là lúc những giọt bia trở nên đắng ngắt, mắc lại ở cổ. Lời anh Với khiến tôi nhớ, nhưng vẫn chưa dám áp dụng... Khi đã không còn chịu được nữa, tôi đánh liều, uống một nửa và đổ đi một nửa rồi… hồi hộp chờ đợi. Anh bạn người Lào hầu như không để ý tới chuyện đó, mà bắt tay, rồi ôm thật chặt vẻ như vui lắm. Còn tôi thì thở phào nhẹ nhõm, và… mạnh dạn đi mời…

Té nước, một tập tục của người Lào.
Té nước, một tập tục của người Lào.

Khi màn đêm dần buông, men rượu đã nồng cay sống mũi, những điệu nhạc dập dìu nổi lên, từng đôi, từng đôi hòa mình vào điệu lăm vông - điệu múa cổ truyền của nhân dân Lào.

Lăm vông là một điệu múa rất phổ thông của người dân nơi đây. Lăm  vông có nhiều điệu, mỗi điệu đều có những bản khác nhau. Múa lăm  vông không quá phức tạp, ở mỗi giai điệu có những bước chân khác nhau, tùy theo từng giai điệu của từng bài nhạc cụ thể. Lúc dồn dập, lúc réo rắt, lúc lại nhẹ nhàng, sâu lắng.

“Ở nước tôi, chỉ thích điệu nhảy này thôi. Nhạc gì cũng vậy, vẫn một điệu múa lăm vông. Kể cả khi ở các quán bar hay sàn nhảy, khi bật những bản nhạc thời thượng thì nhân dân Lào cũng chỉ nhảy… lăm vông” - anh Xicanda, chuyên viên văn phòng huyện Đắc Chưng cho biết.

Là một du học sinh, từng học ở Đại học Quảng Nam, Xicanda hiểu rất rõ những khác biệt trong văn hóa của Việt - Lào. “Dân tôi còn nghèo lắm, nhưng ông bạn thấy đó, họ chơi, sống rất thân thiện, hào sảng. Họ sống với nhau bằng tình cảm, bằng con tim chứ không vụ lợi ông ạ…” -  Xicanda nói.

Rời nước bạn trong một sáng nắng hửng. Men rượu cần vẫn còn lâng lâng. Ấn tượng về những con người thân thiện, về vùng đất bạt ngàn gió núi vẫn còn in đậm trong tâm trí của người đi.

TUỆ LÂM

TUỆ LÂM