Trực chiến ở đất liền

NGUYỄN THÀNH 20/06/2014 10:42

Những ngày tháng 5, Hoàng Sa dậy sóng khi Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam. Song hành với lực lượng Cảnh sát biển (CSB), Kiểm ngư, hàng chục phóng viên, nhà báo xông pha ra Hoàng Sa, đối mặt với muôn vàn hiểm nguy để tác nghiệp, làm nhiệm vụ thông tin. Ở đất liền, khắp ba miền không khí  sục sôi, tất cả hướng về Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu với muôn vàn cảm xúc. Cánh phóng viên ở bờ vừa làm nhiệm vụ thông tin thời sự hàng ngày vừa làm nhiệm vụ “trực chiến” chuyển tải thông tin nóng hổi từ Hoàng Sa với một tinh thần: tất cả vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vì bạn đọc, vì đồng nghiệp và anh em chiến sĩ nơi đầu ngọn sóng!

Ngày 10.5 từ TP. Đà Nẵng, một nhóm phóng viên theo tàu kiểm ngư số hiệu HP 926, hai ngày sau một nhóm khác theo đội tàu ngư dân Quảng Nam - Đà Nẵng trực chỉ Hoàng Sa nơi Trung Quốc đang  đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép để ghi nhận tình hình tại “điểm nóng” này. Có hai đồng nghiệp là phóng viên Nam Cường và Nguyễn Huy của báo Tiền Phong đi trong chuyến này. Cả hai trước khi lên đường đều gửi gắm: “Anh em ở đất liền “trực chiến” tin tức giùm nhé”.

Tác giả nghe điện thoại từ Hoàng Sa.
Tác giả nghe điện thoại từ Hoàng Sa.

Những con tàu rời bến, mọi thông tin liên lạc với anh em phóng viên đều bất thành vì nằm ngoài vùng phủ sóng. Một ngày, rồi hai ngày trôi qua anh em phóng viên vẫn bặt vô âm tín. Chiều ngày 12.5, tôi nhận được cuộc điện thoại của một chiến sĩ trực thông tin ở Vùng Cảnh sát biển 2 thông báo: “Anh xuống gấp vùng để nhận thông tin từ Hoàng Sa”. Lúc này đồng hồ đã điểm 4h chiều. Báo cáo trực chỉ huy Tòa soạn, tôi tức tốc phóng xe xuống Vùng CSB 2, lòng đầy vui mừng. Mừng vì đồng nghiệp đã liên lạc với đất liền và tờ báo đã có thông tin mới cho số ngày mai phục vụ bạn đọc. Máu nghề nổi lên, nắng hừng hực, quãng đường từ Tam Kỳ - Tam Quang (Núi Thành) nơi Vùng CSB 2 đóng chân ngót 30km như ngắn lại vì xe máy lao hết tốc lực. Hớt hải nhưng rồi đành ra về vì quy định nên chỉ huy Vùng CSB 2 không cho phép kết nối liên lạc trực tiếp với tàu đang làm nhiệm vụ. Thuyết phục bất thành, tôi báo cáo lại cơ quan và không quên gợi ý nhờ sếp tìm cách “tác động” để lập cầu nối.   

Tối muộn, vừa về lại Tam Kỳ, điện thoại đổ chuông, vẫn số điện thoại lúc chiều. Đầu dây bên kia hớt hải: “Anh ơi. Quay lại nhanh. Chỉ huy vùng cho nghe điện từ Hoàng Sa”. Mừng quýnh, lại phóng xe quay lại Tam Quang để nhận điện thoại.

Đúng 20h, điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia, giọng của Huy ngắt quãng vì sóng vệ tinh chập chờn, câu được câu mất. Huy rối rít hỏi han tình hình đất liền trước và cho biết Hoàng Sa rất căng thẳng, tàu Trung Quốc liên tục đâm húc tàu chấp pháp Việt Nam. Giọng huy nghe chừng đã ngấm đòn say sóng biển. Khi sóng điện thoại ổn định, từ đầu dây bên kia, Huy bắt đầu tường thuật và đọc bài cho tôi tốc ký. Bật ghi âm, căng hết lỗ tai để nghe, tay ngoáy liên tục để ghi chép đúng từng câu từng chữ về diễn biến trên biển Hoàng Sa từ thời gian, tọa độ, đến số hiệu các tàu Trung Quốc... Tất cả phải chính xác, bởi những trang báo ngoài cung cấp cho bạn đọc những thông tin mới nhất, chính xác nhất nó còn là những luận cứ thuyết phục đưa ra cho dư luận thế giới và là bằng chứng đanh thép khi đưa ra Tòa án Quốc tế. Cố gắng chép thật nhanh, không để file ghi âm gián đoạn. Hơn một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi kết thúc phần trao đổi, điện đàm. Trước khi gác máy, Huy nhờ tôi nhắn nhủ đất liền rằng, anh em chiến sĩ và anh em phóng viên vẫn khỏe mạnh và luôn vững tin, kiên cường bám trụ để làm nhiệm vụ, mọi người hãy yên tâm.

Bật lại ghi âm để  gõ thành bài hoàn chỉnh gửi gấp tòa soạn làm tường thuật báo giấy. File ghi âm dài, lắm đoạn phải căng hết tai để nghe cho rõ, nhức buốt cả tai. Mở phần mềm chỉnh sửa file ghi âm làm bản tin tường thuật radio từ Hoàng Sa cho báo điện tử. 23h đêm, tôi đóng máy, chào và cảm ơn anh em Vùng CSB 2 ra về. Trước lúc về, không quên xin số điện thoại vệ tinh tàu CSB 8003 mà anh em đồng nghiệp đang ở trên đó.

Bài tường thuật đầu tiên từ điểm nóng Hoàng Sa được tường thuật trên báo giấy, cập nhật báo điện tử phần điện đàm trực tiếp từ Hoàng Sa. Để duy trì thông tin, từ đất liền tôi tìm cách liên lạc với Hoàng Sa. Muốn gọi ra Hoàng Sa cho tàu CSB phải có điện thoại vệ tinh. Liên hệ cậy nhờ vài nơi có điện thoại vệ tinh Vinasat nhưng không được bởi, bởi số điện thoại dân sự không thể gọi được. Cuối cùng tôi qua Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Nam trực tiếp xin nhờ điện thoại để kết nối với Hoàng Sa. Trình bày với Bộ Chỉ huy Biên phòng ngỏ ý muốn nhờ điện thoại để kết nối với phóng viên ở Hoàng Sa thu thập thông tin. Anh em Bộ Chỉ huy Biên phòng vui vẻ đồng ý. Đường điện đàm đất liền và Hoàng Sa được thiết lập tại Tam Kỳ.

Trực chỉ huy tòa soạn liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình anh em ở Hoàng Sa và hối thúc thông tin. Được sự giúp đỡ của Biên phòng Quảng Nam, chúng tôi kết nối được với tàu CSB 8003 và ấn định thời gian cập nhật từ Hoàng Sa về. Đều đặn ngày 2 lần: sáng 9h, chiều 3h đồng nghiệp từ Hoàng Sa sẽ gọi điện về để đất liền trực ghi âm, tốc ký. Lại căng hết  tai, lại cặm cụi ghi chép phần tường thuật, bài phóng sự ghi nhanh của đồng nghiệp đang nơi đầu ngọn sóng.

Suốt mấy ngày liền, cơm nước tại biên phòng, tôi và một đồng nghiệp Báo Người lao động “trực chiến” hỗ trợ anh em phóng viên ở Hoàng Sa. Chúng tôi động viên nhau cố gắng. Anh em ngoài Hoàng Sa đối diện nguy hiểm vất vả hơn mình nhiều. Những thông tin nóng hổi liên tục cập nhật trên các trang báo điện tử và báo giấy kịp thời cung cấp cho người dân trong nước và nhân dân thế giới biết những hành động sai trái, vi phạm pháp luật quốc tế và chủ quyền biển Việt Nam. Những bài báo, hình ảnh từ Hoàng Sa dần lật tẩy bản chất của cái mà Trung Quốc gọi là giàn khoan thăm dò dầu khí với sự bảo vệ dày đặc của các tàu hải giám, hải cảnh, tàu quân sự và hộ vệ tên lửa, góp tiếng nói cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu.

Cật lực làm việc hết mình và vui mừng khi sản phẩm của đồng nghiệp đến được tay bạn đọc. Và trên hết, vơi bớt cảm giác hổ thẹn với Tổ quốc, với anh em đồng nghiệp khi chưa ra được Hoàng Sa lúc hiểm nguy. Những file ghi âm, đàm thoại trò chuyện Hoàng Sa – Tam Kỳ sẽ được lưu giữ kỹ. Đó là là những kỷ niệm khó quên của đời làm báo trong những ngày Hoàng Sa sục sôi.

NGUYỄN THÀNH

NGUYỄN THÀNH