Phía sau bài báo nóng
Vào nghề báo, ai cũng muốn thể hiện tên tuổi qua tác phẩm. Lên rừng xuống biển, đi theo “tiếng gọi” của bạn đọc, ngoài niềm vui những bài báo nóng hổi trên mặt báo, còn là hạnh phúc được dấn thân, bảo vệ lẽ phải…
1. Dường như mọi cảm xúc “hỉ - nộ - ái - ố” tôi đều nếm trải trong suốt nhiều năm được phân công điều tra theo đơn bạn đọc. Có thời điểm, trong tuần dồn dập 3-4 đơn thư, phần lớn “đụng” vào lĩnh vực đất đai nhạy cảm. Từ các vụ việc đơn giản đến phức tạp, khi phóng viên vào cuộc, hầu như Báo Quảng Nam đều có bài viết, phản hồi thông tin; có lúc “thân chủ” vì muốn phần thắng thuộc về mình nên cố tình che giấu sự thật. Nếu ngồi nghiên cứu trên đống hồ sơ ngồn ngộn kia mà không đến tận nơi, tiếp cận đa chiều thông tin, thì bài báo đó cũng chỉ là… những câu hỏi bỏ lửng. Trong vô số những đơn thư bạn đọc gửi về tòa soạn, thật may mắn tôi được phân công tìm hiểu nhiều vụ góc cạnh, bức xúc của nguyên đơn là xác đáng.
Tác giả tại hiện trường phá rừng Trà Ka (Bắc Trà My) cách đây hơn 2 năm. |
Cuối năm 2013, cơn bão đã càn quét qua cánh rừng Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, Núi Thành), gây thiệt hại nhiều diện tích cây trồng cho người dân, trong đó có chủ rừng Huỳnh Xuân Thạch. Keo đổ ngã gần 4ha, vì xót của, Thạch đến chính quyền địa phương xin khai thác theo quy định. Tuy nhiên, cán bộ gây khó không xác nhận vào đơn xin thu hoạch keo, gây thiệt hại tài sản công dân. Biết không thể nào “đối đầu” với chính quyền, Thạch đã nhờ báo chí. Trước sự quan liêu, sách nhiễu của một số cán bộ địa phương, Báo Quảng Nam đã có bài phản ảnh về quyền lợi chính đáng của người dân bị xem nhẹ. Hiệu ứng bài viết sau đó là các cơ quan chức năng huyện Núi Thành vào giải quyết. Sau hai lần xét xử, mới đây, TAND tỉnh buộc chính quyền xã Tam Xuân 2 có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân.
2. Giữa năm 2013, cánh nhà báo chúng tôi (gồm Báo Người Lao động, Công an Đà Nẵng và tôi) đến gặp anh Trịnh Tấn Phúc (xã Bình Quý, Thăng Bình) – nạn nhân bị các đối tượng côn đồ đánh đập gây thương tích hơn 85%, gần như tàn phế suốt đời. Thế nhưng, gần một năm trôi qua, các đối tượng gây án vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, vụ án không được đem ra xét xử. Khi biết có nhà báo đến tìm hiểu vụ việc, bà con hàng xóm đã bỏ hết chuyện đồng áng đến bày tỏ sự bức xúc thay cho gia đình Phúc và nhờ báo chí lên tiếng. Thật bất ngờ, trưa hôm đó, người dân đã làm sẵn một bữa cơm tiếp chúng tôi. Chúng tôi kiên quyết ra về, nhưng gia đình nài nỉ dúi quà vào ba lô. Khi về lại thành phố, mở “món quà” mà gia đình hiếu hỉ cho 3 nhà báo chúng tôi là phong bì 3 triệu đồng. Tôi lập tức điện thoại cho gia đình Phúc vào Tam Kỳ nhận lại, chờ đến khi trả lại số tiền trên, chúng tôi mới thấy lòng nhẹ nhõm. Hóa ra, bây giờ nhiều người dân vẫn còn có suy nghĩ, muốn giải quyết việc gì cũng… bỏ tiền ra. Sau khi báo chí đặt vấn đề về có hay không việc bỏ lọt tội phạm, các cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện Thăng Bình đã giải quyết và trả lại sự công bằng cho Phúc.
3. Trở lại thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân) trong vụ khác về tranh chấp đất rừng. Khi biết lực lượng chức năng đến cưỡng chế việc sử dụng đất trái phép tại đây, cả rừng người đã kéo lên cản trở, khống chế. Hàng trăm thanh niên mang theo cuốc xẻng, rựa nhằm uy hiếp cán bộ thi hành công vụ. Thấy sự có mặt của phóng viên, nhiều thanh niên như có dịp thừa thắng xông lên. Tuy nhiên, cho đến khi chúng tôi cương quyết nói rằng, báo chí sẽ không bao giờ chấp nhận cho hành vi coi thường pháp luật của họ, lúc đó các đối tượng mới hết manh động.
Tiệm cận với sự thật khách quan là trách nhiệm của người cầm bút. Với nhà báo, biết từ chối những cám dỗ vật chất tầm thường, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, giữ được cái tâm trong sáng với nghề mới chính là “tác phẩm lớn” đọng lại trong lòng bạn đọc.
HỮU PHÚC