Nhiều vùng thiếu nước
Từ đầu mùa khô tới nay, người dân tại nhiều địa phương miền núi và vùng bán sơn địa phải vật lộn với cảnh thiếu nước uống, nước sinh hoạt. Tình trạng không có công trình cấp nước hoặc có nhưng không phát huy hiệu quả cùng với sự khô kiệt của sông suối đã đẩy người dân vào cảnh khó khăn.
Mùa khô này, hàng trăm hộ dân thôn Ngọc Kinh Đông (xã Đại Hồng, Đại Lộc) phải vật lộn với cảnh khô hạn khi nguồn nước uống lẫn sinh hoạt trên địa bàn trở nên khan hiếm. Vùng này đất đai cằn cỗi, tầng đất dưới toàn là đá nên việc đào giếng, khoan giếng hết sức khó khăn. Bà Nguyễn Thị Nghĩ (60 tuổi, trú thôn Ngọc Kinh Đông) cho biết: “Khoan giếng không được, giếng đào thì gặp phèn và nếu không gặp phèn thì cũng bị cạn dòng giữa thời tiết nắng nóng. Xóm ni chỉ một cái giếng giữa đồng là còn nước, từ đầu mùa nắng tới nay, cả mấy chục nhà xúm xít vào gánh nước ở đó”. Ông Bùi Minh Quý (trú cùng thôn với bà Nghĩ) thì nói: “Lâu ni, dân chúng tôi phải tự bỏ tiền túi mỗi hộ cả triệu đồng kéo đường ống dẫn nước từ các khe suối trên địa bàn về dùng. Nhưng đường ống hư hại qua lũ, các khe đã khô cạn, đóng giếng lại không có nước, nhà nào nhà nấy kẻ thì đi xin nước ở gần, chở nước ở xa, kẻ thì đi mua nước bình về dùng… khổ trăm bề”. Cũng theo người dân nơi đây, do khu vực này không có công trình cấp nước sinh hoạt nên đa số bà con đều sử dụng nước khe, nước suối để ăn uống, sinh hoạt. Dẫu biết chất lượng vệ sinh của nước tự chảy kém chất lượng, nhất là mùa mưa nước suối nhiều khi đỏ và đục, song không còn sự lựa chọn nào khác nê đành phó thác vào nguồn nước duy nhất đó. “Chúng tôi mong chính quyền kịp thời quan tâm, hỗ trợ đường ống dẫn nước từ xa về thôn để bà con có nước sinh hoạt. Khô hạn kiểu ni, ruộng đồng bỏ hoang, cây cối chết héo vì thiếu nước tưới. Không thể làm gì được, chúng tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền để mua nước bình về dùng” - bà Nguyễn Thị Nghĩ trăn trở.
Nước tự chảy dẫn về làng mùa khô chảy nhỏ giọt. Ảnh: H.L |
Không khác gì Ngọc Kinh Đông, lâu nay bà con thôn Ahu (xã A Tiêng, Tây Giang) đã quen với cảnh thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên. Người dân ở đây cho biết, khoảng cách từ con suối đến thôn Ahu khá xa, cùng với đường ống dẫn thường xuyên bị hư hỏng nên không đủ nước sử dụng trong những ngày nắng nóng oi bức này. Ông Bling Dũng (trú tại Ahu) nói: “Mưa bão năm 2013 đã làm cho đường ống dẫn nước vào thôn bị hư hỏng, nước lúc có lúc không, hầu như nguồn nước chảy về thôn rất nhỏ giọt chỉ đủ dùng để nấu nướng, còn mọi sinh hoạt khác như rửa chén, giặt giũ, tắm rửa phải ra tận con suối khá xa”. Cùng cảnh ngộ như Ahu, nhiều bà con thôn R’cung (xã Bha Lêê, Tây Giang) cũng gặp khó khăn vì thiếu nước. Chị Zơrâm Thị Biếc vất vả cõng thùng nước lấy từ thôn lân cận cách đó chừng cây số, chia sẻ, ống nước của thôn hư hỏng hơn một năm nay nhưng chưa sửa được, nhà nào cũng phải đi sang các thôn bên cạnh để xách về sinh hoạt. Địa hình nhiều nơi ở Tây Giang chủ yếu là đồi dốc, người dân không thể đào giếng để lấy nước, do đó mọi sinh hoạt tại các thôn phải phụ thuộc các dòng suối. Một khi đường ống dẫn nước tự chảy từ suối về thôn bị hư hỏng là coi như cả làng điêu đứng vì nước. Chưa kể, mùa khô hạn năm nay diễn biến phức tạp và khắc nghiệt hơn mọi năm nên nguồn nước gần như trở nên khan hiếm tại nhiều nơi khi sông suối vơi cạn dần.
Bà Alăng Thị Thiếu - Phó Chủ tịch UBND xã A Tiêng cho hay, nhiều khu dân cư trên địa bàn xã thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt nghiêm trọng là 2 thôn Ahu và Rbượp. “Thiếu nước, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, đồng bào miền núi vốn đã khó khăn lại càng cực khổ trăm bề. Chúng tôi vận động bà con thường xuyên đi sửa chữa ống nước để có nguồn sinh hoạt, nhưng do đường ống hư hại quá nặng, kinh phí xã không có, phải chờ huyện có hướng khắc phục” - bà Alăng Thị Thiếu nói. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đắc Vinh - Phó phòng NN&PTNT huyện Tây Giang thông tin, trên địa bàn huyện vẫn chưa có công trình nước sạch mà chỉ là công trình nước tự chảy dẫn từ sông suối, hồ đập. Tình trạng bão lũ năm vừa qua đã làm hư hỏng rất nhiều công trình, gây thiếu nước cục bộ ở nhiều nơi. Hằng năm, huyện đều bố trí nguồn kinh phí để khắc phục, sửa chữa đường ống dẫn nước, nhưng nguồn vốn thì hạn hẹp, trong khi có quá nhiều công trình nước bị hư hỏng. Cũng theo ông Vinh, thời gian tới, huyện có dự án đầu tư nước sinh hoạt do Ngân hàng ADB tài trợ với số vốn lên tới 20 tỷ đồng. Theo đó, huyện sẽ làm lại toàn bộ hệ thống nước đã bị hư hỏng, làm mới đối với những nơi chưa có công trình nước, không để tiếp diễn tình trạng thiếu nước mùa khô.
H.LIÊN - H.YÊN