Nhật ký trên... đôi giày

SONG ANH 19/06/2014 14:33

Cuộc đi của người làm báo sẽ không bao giờ có điểm dừng, nếu trong lòng còn sục sôi nhiệt huyết và những đam mê muốn đi đến tận cùng vùng đất, tận cùng câu chuyện.
Đã chọn nghề báo, phần lớn là những kẻ ưa đi - “những con ngựa bất kham” trên đường. May mắn gặp những người bạn - những đồng nghiệp cũng cùng chí hướng “rong ruổi” như mình, chúng tôi thả trôi suy nghĩ của mình trên những chuyến xe dọc ngang Bắc Nam, trên những chuyến đò dập dềnh và nhiều nhất là trên  con ngựa sắt của mình. Mỗi tên đất, tên làng – dù xa dù gần, dù lạ dù quen, khi gắn tick  (ghi chú) “đã đến” trên bản đồ, lòng lại dấy lên những niềm vui vô cùng.

tác giả với 2 em bé người Mông gặp tại Đồng Văn – Hà Giang.
tác giả với 2 em bé người Mông gặp tại Đồng Văn – Hà Giang.

Dấu tick đầu tiên, chúng tôi - 4 người trẻ tuổi, quyết chinh phục bằng được những cung đường Đông Bắc uốn lượn, muốn say sưa với nghệ thuật sắp đặt của tạo hóa trên cao nguyên đá Đồng Văn, muốn lướt khướt say với vị rượu ngô Mèo Vạc. Vậy là dù chưa ai – trong nhóm 4 người có kinh nghiệm phượt xe máy, chưa ai từng đi quá xa nơi chốn quê hương trong vòng bán kính hơn 500km, vẫn quyết định băng những con đèo xa lạ trong đêm đặc quánh sương của núi rừng Tây Bắc. Xa lạ. Choáng ngợp, nhưng thích thú. Có lẽ cái nghề đã chọn cho chúng tôi cái “liều” trong bản tính. Để rồi dù chuyến đi sắp kỷ niệm một năm, nhưng mỗi lần nghe đến Hà Giang, đến đồng tam giác mạch Sà Phìn, không hiểu sao tim tôi lại rung lên – như cái cảm giác khi nghe nhắc đến người tình đầu tiên vậy.

Dấu tick thứ 2, là khi gia đình bé nhỏ của tôi đang cuống quýt với dự án dựng nhà. Vậy mà chúng tôi – cặp vợ chồng ham chơi, vẫn quyết lên đường đến những địa chỉ đỏ của miền Trung. Có lẽ vì cái “máu” đi chẳng bao giờ ngừng chảy trong người. Tròn  một tuần đi không ngơi nghỉ, cùng với những người anh, người bạn đồng nghiệp, chúng tôi đi dọc miền Trung trong một mùa hè “đỏ lửa” – theo cả 2 nghĩa – đi trong cái nắng nóng không bao giờ dưới 40 độ, đi khi cả đất nước đang cùng nhau đồng vọng về những địa chỉ anh hùng, như Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Vũng Chùa… Dấu chân lưu trên những mảnh đất một thời đạn bom khốc liệt, nơi có hàng triệu người ngả xuống để đổi lấy hòa bình, mỗi nơi chốn đến, lòng chúng tôi lại rưng rưng. Hành trình ấy vô cùng ý nghĩa, nhất là vào những ngày đất nước đang cần những hào khí của ngày cũ.

“Bản đồ” cuộc đi của người làm báo sẽ không bao giờ có điểm dừng, nếu trong lòng còn sục sôi nhiệt huyết và những đam mê muốn đi đến tận cùng vùng đất, tận cùng câu chuyện. Những ngày đầu tháng 5.2014, khi cả nước ngóng từng tin về biển đảo quê hương, tôi lại có cuộc hẹn với hậu phương của những người cảnh sát biển. Phải rất nhiều lần hẹn, cả bằng điện thoại và chạy xe máy đi về hơn 50km, để gặp những người vợ trẻ - đang ngày đêm chờ tin chồng nơi đảo xa. Lúc ấy, tuy không phải đến những mảnh đất xa xôi, lạ lẫm, nhưng cái cảm giác được nghe câu chuyện trên chính đất mình, của những người rất gần mình, lại hồi hộp và lại gặp cái cảm xúc khi bước chân được khám phá một vùng đất mới, được nghe những câu chuyện đầy tình tiết thú vị.

Cũng trong những ngày “nóng ran” câu chuyện về biển Đông, tôi cùng một bạn đồng nghiệp quyết thực hiện cho bằng được chuyến đò dọc sông Thu – như một cách trải nghiệm những cảm giác sông nước, hòa vào cuộc sống của người dân hai bên bờ sông, được nghe lại tích của tên đất, tên làng… Và hơn hết, như người bạn đồng nghiệp đi cùng đã viết: “Sông sẽ hòa mình ra biển, nơi những ngày này, chiến sĩ của chúng ta, đồng nghiệp của chúng tôi đang căng mình trước làn sóng dữ. Sông sẽ mang niềm tin của những người con đất liền hướng về biển đảo, hướng về từng tấc chủ quyền ngoài khơi xa. Một niềm tin sắt đá, vẹn nguyên và hừng hực hào khí Việt…”.

Che Guavara có câu rằng: “hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi”. Với tôi, một phụ nữ làm báo, một người mẹ trẻ, thì hạnh phúc nhất là khi đã trải qua bao nhiêu nơi chốn, bao nhiêu chặng đường và bao nhiêu câu chuyện, tôi trở về bình yên, lành lặn trong ngôi nhà mình, nghe tiếng con gọi “mẹ ơi” – như nguồn động lực để tiếp tục cuộc hành trình đời mình, với nghề báo!

SONG ANH

SONG ANH