Tôi là phóng viên… Lào

ALĂNG NGƯỚC 19/06/2014 10:35

Hai lần được dự sự kiện ở biên giới Việt - Lào là chừng nớ lần tôi bị nhầm là… phóng viên Lào.

Hồi huyện Tây Giang tổ chức lễ khai trương cặp cửa khẩu phụ biên giới Tây Giang (Quảng Nam) - Kà Lừm (Sê Kông, Lào), cùng với nhiều phóng viên khác, sáng 25.4.2013 tôi có mặt tại cột mốc biên giới 692 (thôn Ch’nóc, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang) để tác nghiệp. Là sự kiện trọng đại của hai địa phương giáp ranh thuộc vành đai biên giới Việt Nam - Lào nên lễ khai trương cặp cửa khẩu phụ thu hút đông đảo phóng viên ở các báo, đài của hai nước đến tác nghiệp đưa tin. Đang loay hoay tìm góc chụp, tôi bất ngờ khi nghe có người vỗ vai mình: “Lên phía trên chụp cho thoải mái đi anh”. Được đà, tôi nhảy vọt lên phía trước, cẩn thận xem xét vị trí để tránh che mất tầm nhìn của đồng nghiệp phía sau. Xong việc, tôi đến bắt chuyện với anh - một chiến sĩ của bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ lễ. Qua trò chuyện tôi mới biết, từ lúc đầu anh cứ tưởng tôi là người Lào. Hỏi nguyên nhân, té ra là… chiếc mũ mà tôi đang đội. “Người Lào họ hay đội cái mũ giống ri”, như lời giãi bày của anh với tôi khi lễ khai trương vừa kết thúc.

Chưa hết, lúc ngồi ăn trưa với đồng nghiệp, tôi cũng bị họ nhầm là… phóng viên Lào. Vì mới vô nghề nên “cái mặt hơi lạ với anh em”. Chính anh Hoài Nam - phóng viên VOV tại Đà Nẵng cũng không thể nhịn cười khi biết tôi là… Alăng Ngước. Bởi trên thực tế, anh đã nghe tên tôi từ rất lâu nhưng anh em chưa có dịp gặp mặt nhau. “Rứa mà nãy giờ, cứ tưởng em là phóng viên Lào”, sự ngỡ ngàng của anh khiến tôi không nhịn được cười. Sau này, khi trò chuyện với chị Kim Cương (cũng là người Cơ Tu, hiện là phóng viên của VOV tại Đà Nẵng) tôi mới biết, trước đây khi mới vô nghề, chị cũng nhiều lần bị nhầm là người Lào nên về sau chị cũng thường bị đồng nghiệp trêu là “cô phóng viên Lào”.

Lần khác, tôi tham dự sự kiện lễ kết nghĩa giữa các thôn, bản hai bên biên giới của huyện Nam Giang và Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào). Cũng như lần trước, tôi cũng bị nhiều người nhầm là “phóng viên Lào”. Buổi sáng ngày diễn ra lễ kết nghĩa, trời mưa xối xả như trút nước do ảnh hưởng của cơn bão số 8 sắp đổ bộ. Từ trung tâm xã Chà Vàl đi lên cửa khẩu Đắc Tà Oọc đường ngập nước, nhiều đoạn bị sạt lở nặng. Ngồi trên xe nhưng Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Phạm Thị Như không thể yên chỗ, liên tục bấm điện thoại theo dõi tình hình. Mưa liên tục không ngớt, đã có lúc chúng tôi nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra: tạm hoãn tổ chức lễ kết nghĩa. Nhưng may sao, dù mưa gió bão bùng nhưng lễ kết nghĩa vẫn được tổ chức sau khi đoàn cán bộ và nhân dân nước bạn Lào được các chiến sĩ Bộ đội biên phòng cửa khẩu Đắc Tà Oọc (xã La Dêê, huyện Nam Giang) giúp đưa qua suối lũ an toàn.

Những chuyến tác nghiệp vùng cao.
Những chuyến tác nghiệp vùng cao.

Tôi  tranh thủ gõ tin gửi về tòa soạn đề phòng cúp điện đột ngột. Thời tiết ở vùng biên giới vốn rất lạnh so với bình thường, lại kèm mưa to gió lớn khiến mặt mày ai nấy cũng chuyển sang màu… tím. Lạnh run người, tôi liên tục hà hơi để giữ nhiệt  đôi tay. Một người bạn học chung trường với tôi cùng thời cấp 3 cũng đứng gần đó, bắt chuyện để làm “nóng”. Vậy mà, ít phút sau cô bạn ghé tai tôi cười bảo: “Có người tưởng mi là phóng viên Lào đó!”. Ui trời, tôi không giấu được vẻ mặt bất ngờ. “Thì phóng viên Lào cũng có chi mô. Như nhau rứa thôi!” - câu trả lời của tôi khiến cô bạn cười nắc nẻ. “Mà mi đội cái mũ ni, nhìn cũng giống người Lào đó. Hèn chi họ nhầm cũng phải” - cô bạn cố ý chọc tôi, rồi cười tít mắt.

…Dù đã khá lâu nhưng với tôi, những câu chuyện về các lần bị nhầm là “phóng viên Lào” như mới vừa hôm qua. Một kỷ niệm đẹp, thật khó quên của một phóng viên trẻ mới bước chân vào nghề.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC