Xuyên qua tâm bão
Ở một nơi không… hiếm bão, lũ như Quảng Nam, tác nghiệp trong bão lũ trở thành một nhiệm vụ đặc biệt của người làm báo. Cơn bão Nari đổ bộ vào Quảng Nam năm 2013, tôi cùng những đồng nghiệp của mình thêm một lần đi xuyên tâm bão…
Trước ngày bão đổ bộ, thông tin liên tục được phát đi trên các phương tiện truyền thông. Trang web chính thức của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương được truy cập nhiều hơn cả hộp thư điện tử. Tam Kỳ mưa lớn từ cả ngày hôm trước, đến 10 giờ đêm, điện phụt tắt. Máy ảnh, máy tính đều đã sạc đầy pin, sẵn sàng lên đường tác nghiệp, nhưng cả đêm tôi và anh bạn đồng nghiệp vẫn thấp thỏm. Đêm 14 tháng 10, gió rít ầm ào trên mái tôn, vẫn phải loay hoay với cơ số bao bì ni lông để bảo vệ máy móc khi tác nghiệp. Chưa kịp trang bị “đồ nghề” chuyên dụng để tác nghiệp trong bão, vậy là đủ phương án bảo vệ cho máy móc được chuẩn bị với quyết tâm thà ướt người chứ không ướt… máy, đảm bảo chuyển tới bạn đọc kịp thời nhất những thông tin về tình hình bão lũ. Trời vừa hửng sáng, tôi và một đồng nghiệp báo bạn, hai người một xe máy lên đường. Đường phố Tam Kỳ không có một bóng người, cây cối, bảng hiệu ngã đổ, xơ xác. Chúng tôi ghi lại được những hình ảnh đầu tiên, rồi trực chỉ về Điện Bàn, Hội An, nơi được dự đoán tâm bão sẽ đổ bộ. Càng đi, gió càng giật mạnh, cảnh hoang tàn, ngã đổ khắp nơi. Vài chiếc xe đường dài cố vượt qua những thân cây đổ rạp ra đường quốc lộ. Điện thoại báo tin nhắn của tòa soạn: “Bão đổ bộ. Anh em phóng viên theo dõi các địa bàn phân công. Chú ý, bảo đảm an toàn tính mạng, bảo vệ thiết bị khi tác nghiệp”. Đến Hà Lam, gió quá mạnh, tôn bị bão thổi bung bay khắp mặt đường, chúng tôi đành “lánh nạn” trong một nhà dân ngay ngã tư thị trấn. Tranh thủ phỏng vấn người dân, gửi những hình ảnh đầu tiên về tòa soạn, vừa ngớt gió, chúng tôi lại tiếp tục băng về hướng tâm bão. Qua cầu Câu Lâu thời điểm đó là cả một thử thách. Hai người phải oằn mình đẩy bộ xe máy qua cầu. Đánh vật với chiếc xe máy và gió giật, rồi chúng tôi cũng đến nơi cần đến.
Chiếc đèn thờ đung đưa dưới mái nhà đã bị bão thổi tung, trống hoác trong mùa mưa bão 2013. |
Bão Nari là cơn áp thấp thứ 40, cơn bão nhiệt đới thứ 25 và cơn bão cuồng phong thứ 8 (theo danh sách bão) trong mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2013. Bão Nari là cơn bão đã đổ bộ cơn bão đã tàn phá dữ dội Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, làm ít nhất 3 người chết và 49 người bị thương. |
Hội An xác xơ sau bão. Những cành cây bị trút trụi lá, đèn lồng nằm vương vãi khắp các tuyến phố, rũ rượi đến tang thương. Cúp điện toàn thành phố, mạng 3G chậm như đang truy cập ở… vùng biên, chúng tôi phải dạt vào một khách sạn ở Cẩm Nam nhờ sạc pin máy tính và tìm cách gửi hình ảnh, thông tin về. Quay ngược lại phố cổ, xe cán phải một chiếc đinh thép gắn tôn bị bão “thả rơi” trên mặt đường. Sốt ruột, anh bạn tôi dắt xe như chạy khắp các tuyến phố tìm chỗ sửa chữa. May sao, chúng tôi được một người dân phố cổ chỉ đường đi, rồi cũng giải quyết được sự cố. Điện thoại từ tòa soạn lại reo, chúng tôi ngược lên Điện Dương (Điện Bàn), nơi hàng chục căn nhà bị bão quật sập. Đồng nghiệp báo hàng trăm mét kè Cửa Đại bị sóng đánh sập, lại băng xuống Cửa Đại. Mưa vẫn chưa chịu ngớt. Chúng tôi như con thoi chạy đi chạy lại giữa những vùng thiệt hại nặng nhất do cơn bão Nari trong suốt ngày hôm đó. Trong ba lô, chỉ vỏn vẹn hai hộp sữa cho cả một hành trình…
Những chiếc đèn lồng tả tơi ở Hội An sau cơn bão Nari.Ảnh: Phương Giang |
Đi, gặp, không ít lần chúng tôi phải nén lại cảm xúc của mình trước những câu chuyện tang thương trong bão. Tôi vẫn còn ám ảnh hình ảnh chiếc đèn thờ bị gió đánh bật, đung đưa dưới mái nhà đã trống hoác vì gió giật sạch không còn một tấm tôn lợp. Bão qua, lại chạy đua với những đợt cứu trợ, trao quà cho người dân vùng thiệt hại. Cảm xúc đọng lại, không chỉ là sự xúc động, sẻ chia, mà còn là ý thức của chính mình với nghề, với bà con. Có vui, có buồn, có cả những hiểm nguy, nhưng chính những câu chuyện trên hành trình tác nghiệp là động lực để chúng tôi tiếp tục đi và viết với nghề, với niềm đam mê…
PHƯƠNG GIANG