Người Quảng Nam làm báo
Ngày nay, ai cũng có thể làm báo và tham gia viết báo được, miễn là thiết tha với nghề làm báo. Làm báo không khó và cũng không dễ. Nghề ấy không khó vì ai cũng có thể viết được. Nhưng nghề ấy cũng không dễ vì văn chương báo chí là thứ văn chương cô đọng, như người ta sắc thuốc bắc đổ ba chén sắc còn sáu phân. Một bài báo có quy phạm hẳn hoi, không dài dòng lan man; chỉ nói những điều cần nói; thể hiện cao tính thông tin, tính cảnh báo, tính xây dựng qua một nội dung nhất định dài khoảng 600, 800, 1.200 hay 1.500 chữ.
Các phóng viên báo chí đang tác nghiệp. Ảnh: MINH ĐỨC |
Chúng ta tự hào rằng người Quảng Nam là người có năng khiếu làm báo. Tôi nói năng khiếu mà không nói đến kỹ năng và trình độ chuyên môn, bởi ngày xưa không hề có trường chuyên biệt đào tạo ra những người làm báo chính quy. Những nhà báo tiền bối trong báo chí Quảng Nam xuất thân là những nhà nho, nhà văn, nhà thơ, nhà cách mạng. Văn chương của các vị ấy là tiếng nói phản biện trước thực tế lịch sử thời thuộc Pháp.
Huỳnh Thúc Kháng tiên sinh là một bậc túc nho, đậu tiến sĩ nhưng không ra làm quan cho triều đình mà ra làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Tiếng Dân. Giải thích sự ra đời của tờ báo đầu tiên trên đất Trung kỳ, cụ Huỳnh Thúc Kháng viết: “Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước… Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì tiếng của dân mới bộc lộ ra được”.
Phan Châu Trinh tiên sinh từng làm quan rồi cởi áo từ quan, hội nhập cuộc sống với vai trò người diễn thuyết và nhà báo tự do. Văn chương của Phan tiên sinh cứng rắn như sắt thép, thể hiện một cá tính rất Quảng Nam “Vạn dân nô lệ cường quyền hạ/ Bát cổ văn chương túy mộng trung” - Muôn dân nô lệ cúi đầu/ Văn chương tám vế say câu mơ màng. Tác phẩm văn chương báo chí xuất sắc nhất của Phan tiên sinh là Thư thất điều (Thư bảy điều) lên án vua Khải Định khi nhà vua sang Pháp dự cuộc đấu xảo Marseille. Thư vạch rõ nhà vua phạm hai tội nặng nhất là làm nhục quốc thể và phung phí tiền bạc của nhân dân.
Phan Khôi là một nhà báo lỗi lạc, một nhà thơ xuất sắc đi tiên phong trong phong trào Thơ mới của đầu thế kỷ XX với bài Tình già. Nhà thơ – nhà báo Phan Khôi đã làm một cuộc cách mạng trong thơ ca Việt Nam, thoát ly khỏi thi ca cổ điển vốn có nhiều quy tắc phức tạp; hướng đến một thể thơ mới với câu dài câu ngắn không đều nhau, nội dung là tình ý rất lãng mạn của một đôi tình nhân.
Với ba trường hợp trên, ta có thể nhận ra những người làm báo tiên phong của đất Quảng Nam đều là những nhà thơ. Thi ca và báo chí vốn là hai lĩnh vực tách bạch nhau, khác hẳn nhau về bút pháp, văn phong, nội dung thể hiện. Thế nhưng khi xét thấy con đường văn chương thuần túy không đủ sức nặng để nói lên hết tâm tư, khát vọng thuở làm người, đặc biệt là chưa nói hết được tâm thức phản biện của người dân, nhà thơ lập tức trở thành nhà báo hoặc quay về với con đường làm báo.
Sơ thảo chân dung người Quảng Nam làm báo Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh thời hiện đại, ta thấy có nhiều điều thú vị. Đông đảo người Quảng Nam đã và đang làm báo tại trung tâm báo chí lớn nhất cả nước này trong đó có các tổng và phó tổng biên tập Huỳnh Bá Thành (Công An TP.HCM), Lê Hoàng và Huỳnh Sơn Phước (Tuổi trẻ), Trần Ngọc Châu (Kinh tế Sài Gòn), Nguyễn Công Khế và Đặng Việt Hoa (Thanh niên), Phạm Phú Tâm (Pháp luật TP.HCM). Ở vai trò thư ký tòa soạn, tổ trưởng phóng viên, biên tập viên, đội ngũ càng đông đảo hơn: Trần Quang, Vu Gia và Nguyễn Đình Xê (Người lao động), Cao Vũ Huy Miên (Sài Gòn giải phóng), Lê Công Sơn, Nguyễn Ngọc Thanh (Thanh niên), Hoàng Yên Dy (Công An TP.HCM), Lê Minh Quốc (Phụ nữ), Nguyễn Ngọc Trân (Kinh tế Sài Gòn)… Còn đội ngũ các trưởng ban, phóng viên trong báo viết lẫn báo hình thì số người Quảng Nam làm báo có mặt ở hầu hết các báo, số lượng lên cả trăm người.
Cũng như các tỉnh thành trên cả nước, Quảng Nam cũng có tờ Báo Quảng Nam. Báo Quảng Nam là một trong những tờ báo tỉnh thuộc hàng hay và có trình độ nghiệp vụ tốt nhất. Từ khi cải tiến mới đến nay, Báo Quảng Nam đã ra 6 số/tuần với lượng tin bài khá phong phú. Bên cạnh đó, Báo Quảng Nam có hẳn Quảng Nam Online, mà tin bài và hình ảnh nhanh, bén nhạy không kém gì những đồng nghiệp online trên cả nước. Cái hay nhất của Báo Quảng Nam và Quảng Nam Online là các đồng nghiệp chúng tôi đã gắn liền hoạt động báo chí của họ với các hoạt động của các địa phương thành phố, huyện trên toàn tỉnh; nhiều khi sự gắn kết ấy còn đến với các xã và phường. Đọc một giai phẩm báo xuân Quảng Nam chẳng hạn, ta thấy gần như toàn cảnh các thành tựu của các thành phố, các huyện trong tỉnh Quảng Nam đều được phản ánh và ghi nhận.
Tại sao người Quảng Nam yêu sự nghiệp làm báo? Trả lời câu hỏi ấy là ta phải trở về với văn hóa cãi trong cụm từ “Quảng Nam hay cãi”. Ngày xưa, khái niệm cãi để chỉ một hành động đơn thuần là bày tỏ thái độ phản đối như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh và Phan Khôi đã phản đối nhà cầm quyền Pháp và chế độ Nam triều. Ngày nay, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khái niệm cãi để chỉ sự phản biện vốn rất giàu tính xây dựng và tinh thần trách nhiệm nhằm hướng đến một xã hội tốt đẹp, công bằng, văn minh và phồn vinh. Phản biện xã hội của báo chí được xem là phản biện có văn hóa nhất, có trật tự nhất, minh bạch nhất và được nhân dân quan tâm nhất.
Chúng ta thật tự hào vì người Quảng Nam làm báo luôn giữ được lòng trong, mắt sáng. Gần 40 năm qua, chưa ai nghe nói về một người làm báo gốc Quảng Nam vướng vào sai phạm về tiền bạc, vật chất. Một lớp đông đảo những người Quảng Nam trẻ được học hành bài bản, đã và đang trở thành các phóng viên trong các báo đài. Họ sẽ là những người kế tục tốt cho đội ngũ Quảng Nam làm báo.
MẠC ĐẠI