Một cách khai thác đề tài

HỒNG VÂN 19/06/2014 08:50

Nhiều người hỏi tôi, đề tài chiến tranh tôi lấy ở đâu ra mà viết nhiều và kịp thời đến vậy. Xin tiết lộ “bí quyết”, đó là nhờ tôi có những người thân thiết sẵn sàng giúp đỡ - các cựu chiến binh (CCB), những người đã đi qua chiến tranh. Điều đặc biệt nữa, hầu hết “những người thân thiết” của tôi đều quê Quảng Nam.

Các đại biểu và phóng viên báo chí về dự kỷ niệm 50 năm thành lập Trung đoàn 1 - Ba Gia (Sư đoàn 2).
Các đại biểu và phóng viên báo chí về dự kỷ niệm 50 năm thành lập Trung đoàn 1 - Ba Gia (Sư đoàn 2).

Tôi có nhiều kỷ niệm với Thiếu tướng Trần Ngọc Yến - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, kể từ khi nghe các anh ở Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nói rằng có một vị tướng ở Campuchia mỗi lần qua Việt Nam đều ghé thăm thủ trưởng cũ của mình là Thiếu tướng Yến. Bởi sau đó, ông trở thành đề tài để tôi viết “Tình bạn đặc biệt giữa hai vị tướng”. Cũng biết ông là người Tam Giang (Núi Thành), sau này tôi lại tìm đến và nhờ ông giúp đỡ để hoàn thành bài viết “Tấm ảnh Bác Hồ trong ống tre”. Sau này cần kiểm tra thông tin liên quan đến các tướng lĩnh, tôi luôn được ông giúp đỡ nhiệt tình.

Với Đại tá Huỳnh Phương Bá, quê Điện Phương (Điện Bàn) tôi có bài “Người giữ hơn 40 lá thư đồng đội trong chiến tranh” khi tình cờ đến nhà thấy ông đem thư ra hong cho khỏi ẩm. Từ bài viết này, ông rất quý và trở thành “ăng ten” giúp tôi khai thác các nguồn tư liệu khác. Khi các báo yêu cầu bài viết về một nhân vật nào đó vừa từ trần hay có những trận đánh hay thì y như rằng tôi tìm đến các CCB. Để có bài “Hai anh em ở hai chiến tuyến”, tôi liên lạc với Đại tá Trà Thanh Lợi quê ở Điện Hồng (Điện Bàn). Để viết bài “48 năm đi tìm người trong câu hát” tôi đã rất vất vả để tìm ra CCB Nguyễn Thanh Lùng. Bài báo ra đời, nhiều đồng chí của ông đã rất vui mừng khi biết ông còn sống, có người đã tìm đến hỏi thăm.

Hay như Đại tá Lê Công Thạnh có tên trong nhiều bài viết của tôi khi ông là người kể chuyện, hoặc có khi là nhân chứng như trong các bài “Nhà có 3  người đi B”, “Ba Tư lệnh Quân khu 5 là anh hùng”, “Theo bước chân dũng sĩ Núi Thành”. Đại tá Lê Văn Cúc thì giúp tôi hoàn thành bài viết “Những mùa xuân ở chiến trường K”. Đại tá Nguyễn Xuân Cẩn giúp tôi có bài “Huyền thoại của huyền thoại” nhân kỷ niệm 55 năm đường Trường Sơn. CCB Huỳnh Văn Khả ở Tam Kỳ là người cung cấp thông tin để tôi viết bài “Nhớ mãi Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh”. CCB Nguyễn Văn Tá, Trần Ngọc Ảnh ở Tiểu đoàn 70 giúp tôi rất nhiều trong các bài viết “Kỷ niệm mối tình đầu”, “Gặp lại dũng sĩ Núi Thành năm xưa”. Cũng ở Tiểu đoàn 70, CCB Nguyễn Văn Nho rất tận tình giúp tôi tìm các nhân vật để hoàn thành bài viết “Chiếc áo má Trương”.

Đặc biệt nhất là kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung đoàn 1- Ba Gia (Sư đoàn 2) ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tôi bàn bạc với Ban Chỉ huy Sư đoàn mời các CCB từng chỉ huy các trận đánh về giao lưu với phóng viên báo chí và kể chuyện truyền thống với chiến sĩ đơn vị. Ý tưởng này được Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 1 - Đại tá Trần Như Tiếp đồng ý ngay. Vậy là một chuyến đi bổ ích do tôi làm “chủ xe” lên Gia Lai đem lại sự thành công hơn cả mong đợi. Mười phóng viên báo của trung ương, địa phương đã hào hứng khai thác các nhân chứng. Và trước ngày kỷ niệm thành lập Trung đoàn (20.11.2013), những bài viết, hình ảnh về truyền thống Trung đoàn 1 được đăng tải tưng bừng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính trên chuyến xe này, tôi khai thác được nhiều bài viết xúc động cho các số tiếp theo và hầu hết đã được đăng trên Báo Quảng Nam.

Có thể bạn sẽ thắc mắc “làm sao biết nhân vật này có thể liên quan đến chủ đề mình viết”. Thì phải hỏi dần thôi. Chịu khó khai thác và quan trọng là tạo mối thiện cảm. Kinh nghiệm của tôi là có báo biếu viết về các bác hay đồng đội thân thiết của họ là tôi trực tiếp mang gửi tặng ngay; lâu lâu lại đến hỏi thăm sức khỏe. Điện thoại của tôi lưu tên hàng chục CCB, khi cần “a lô” là được sẵn sàng giúp đỡ. Có trường hợp biết tôi bận rộn không đi xa được, bác Trương Văn Minh ở Tam Hiệp (Núi Thành) phóng xe ra Đà Nẵng để tôi gặp, nhân tiện thăm đồng đội, làm tôi vô cùng xúc động. Nhờ vậy tôi đã có bài viết “Cuộc gặp gỡ kỳ diệu” nói về câu chuyện CCB Trương Văn Minh gặp cha trên đường hành quân trong những năm chống Mỹ. Hay CCB Đinh Đoàn ở Quế Thuận (Quế Sơn) hai lần ra Đà Nẵng đều ghé thăm, cung cấp thông tin giúp tôi viết bài “Duyên tình với xứ sở Chùa Tháp” - câu chuyện về người lính tình nguyện Việt Nam được đề nghị làm Tỉnh phó Stung T’reng. Nói chuyện riết với người già, tôi tập thói quen kiên trì, có thể chăm chú nghe hàng giờ không chán. Tôi sàng lọc thông tin các bác kể một số chi tiết quý giá để dành, có dịp lại khai thác. Những lần Ban liên lạc các Sư đoàn 2 hay Sư đoàn  315, Sư đoàn 307 gặp mặt kỷ niệm ngày truyền thống dù ở Đà Nẵng hay Quảng Nam, tôi ít khi vắng mặt.

Ngẫm lại, tôi vô cùng cảm ơn các CCB! Mong sao cho các bác luôn khỏe mạnh để có thể kể cho con cháu nghe về một quãng đời rực rỡ của thế hệ  mình.

HỒNG VÂN

HỒNG VÂN