Lỗi dấu ký hiệu trong viết báo

ĐÌNH QUÂN 18/06/2014 14:03

Trong nhịp sống hiện đại, hàng ngày chúng ta nhận tin bài qua e-mail, tin nhắn điện thoại v.v. ngay cả thông tin “sốt dẻo” trên blog, facebook, twitter. Nói chung, khi cập nhật thông tin, những trình tiện ích này sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều dữ liệu.

Người biên tập sẽ vui vẻ biết mấy nếu mở máy để truy cập, lấy tin v.v.  lướt nhanh trên đó hiển thị những dòng thông tin hay bài viết (file văn bản) rõ ràng, chính xác. Tuy nhiên, sẽ “mất cảm tình” biết bao sau khi download, tập tin mở ra thấy trong đó nhiều lỗi như đặt sai dấu thanh điệu, chính tả v.v. không những mất thời gian mà còn gây nhiều “phiền toái” (!). Văn bản khi chỉnh sửa nhiều lỗi về chính tả (nói chung những lỗi kỹ thuật) người biên tập sẽ “hết hứng thú” để dồn tâm sức cho nội dung bài viết. Vậy nên khi hoàn thành văn bản chúng ta nên kiểm tra lần cuối về dấu chấm câu, đánh đúng dấu thanh điệu (hóa không viết hoá, thủy không viết thuỷ v.v.) và còn nhiều kỹ thuật văn bản khác mà khi “cọ xát” trên trang bản thảo mong người viết sẽ sớm nhận ra và khắc phục.

Sau đây chúng tôi nhắc lại một số lỗi mà khi viết chúng ta thường không để ý:

Dấu gạch ngang dài (dash - dấu ngăn cách, phép chêm xen) –

1. Dùng thay dấu hai chấm hoặc dấu chấm phẩy để nêu bật một sự tóm tắt hoặc kết luận về những gì đã xảy ra:

Đàn ông bắn súng, đàn bà gào thét, con nít khóc ré – cảnh tượng hỗn độn.

2. Dùng một mình hoặc cả đôi để tách đoạn thông tin phụ thêm, một ý nảy ra thêm hoặc một bình luận, ra khỏi phần bình luận của câu:

– Ông không biết nhiều về nơi đó – mà ông nói như thế. Mùa đông ở Địa Trung Hải – tương phản với nhiều người nghĩ – có lẽ rất lạnh.

– Khoan đã! – nó nói thế – nhưng tôi cứ cắm đầu đi thẳng.

Dấu gạch nối (hyphen) -

Hiện nay chúng ta có thói quen thay gạch ngang dài bằng dấu gạch nối. Theo giáo sư Cao Xuân Hạo: Đây là một sự nhầm lẫn rất có hại, vì chức năng của hai ký hiệu này hoàn toàn khác nhau – một bên có công dụng chia tách một câu ra khỏi hai câu đứng hai bên, một bên có công dụng nối liền hai từ đứng cạnh nhau thành một từ ghép.

1. Dùng để ghép hai từ thành một từ ghép:

Ví dụ:  ki-ốt, pa-nô, tô-nô, ma-nơ-canh, xê-mi-na v.v.

2. Ngang nối có khoảng cách:

Ví dụ:  kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nhận thức - phát ngôn, hoàn thành từ 15 - 20 ngày, 1.000 - 3.000USD v.v.

Dấu chấm lửng (...) và vân vân  (v.v.)

Dấu chấm lửng (...) không thể dùng thay cho “v.v.” hay “vân vân”. Tuy nhiên, khi thực hiện văn bản chúng ta vẫn có “thói quen” sử dụng v.v. thay cho dấu chấm lửng... (có lẽ tiện lợi trong thao tác chăng?). Dấu chấm lửng (...) có nghĩa là câu chưa nói hết, hoặc cho biết rằng ở đây có một quãng im lặng (vì bị ngắt lời chẳng hạn) hoặc có sự phân vân hay ngần ngại. Ví dụ: Này! Tôi cho anh biết một chuyện bí mật của cô...

Dấu phẩy (,)

Dấu phẩy dùng để tách các mục trong danh mục các từ, cụm từ hoặc mệnh đề. Trên trang báo có lẽ người viết vì muốn làm rõ những từ liệt kê mà đôi lúc ta thấy “hình thức” câu văn rườm rà. Ví dụ: Đoàn từ thiện vừa trao mền, màn, chăn, chiếu, quần, áo v.v. cho người dân vùng lũ.  Sửa lại: Đoàn từ thiện vừa trao mền màn, chăn chiếu, quần áo v.v. cho người dân vùng lũ. Chính vì thế không chỉ trên mặt báo mà ngay cả những văn bản quan trọng của nhà nước vẫn “vướng” sự lạm dụng dấu phẩy. Rất nhiều thành ngữ, từ ghép cần viết liền thì lại tách bằng dấu phẩy nên văn bản trông rối rắm. Ví dụ:  phòng, chống tham nhũng; phòng, cháy chữa cháy; chó treo, mèo đậy; cơm, áo, gạo tiền; v.v.  

Ngoài ra, khi sử dụng tiếng Việt sẽ đụng nhiều vấn đề “trở ngại” vì chúng ta chưa có sự thống nhất trong việc chuẩn hóa từ vựng, chính tả, viết hoa v.v. Chính những hạn chế này mà các cơ quan báo chí hiện nay mới nảy sinh “thích gì làm nấy” hay mỗi nơi làm mỗi kiểu...

Để giữ linh hồn tiếng Việt thiết nghĩ mỗi chúng ta cần loại bỏ những viền diềm, tua ren... dư thừa trong một chiếc áo (tiếng Việt) – vốn dĩ có sự tinh tế và không kém phần duyên dáng!

ĐÌNH QUÂN

ĐÌNH QUÂN