"Bám" cùng Bút Tưa

ALĂNG NGƯỚC 18/06/2014 08:37

Tôi là phóng viên đầu tiên phát hiện, tiếp cận và thông tin về sự việc 17 hộ dân ở Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) bỗng nhiên rời bỏ nhà cửa tìm đến nơi ở mới vì lo sợ sau những cái “chết xấu” xảy ra trong làng.

  • Làng mới ở Bút Tưa
  • Thanh niên xã Sông Kôn giúp các hộ dân Bút Tưa san đất dựng nhà
  • Rút kinh nghiệm sau sự việc thôn Bút Tưa
  • Thống nhất giữ nguyên tên làng Bút Tưa
  • Tổ chức cầu an ở thôn Bút Tưa
  • Khám bệnh, cấp phát thuốc cho người dân Bút Tưa
  • Ổn định cuộc sống cho người dân Bút Tưa
  • 20 triệu đồng giúp các hộ dân thôn Bút Tưa
  • Ám ảnh ở Bút Tưa
Những ngôi nhà mới của người dân được dựng lên, sau gần nửa năm sống trong nỗi ám ảnh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Những ngôi nhà mới của người dân được dựng lên, sau gần nửa năm sống trong nỗi ám ảnh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Bài báo đầu tiên về sự kiện Bút Tưa

Sau Tết Nguyên đán, tôi có được nguồn tin cho biết, người dân ở tổ dân cư số 2 (thôn Bút Tưa) có ý định rời bỏ nhà cửa kể từ sau cái “chết xấu” của một người trong làng. Ngay lập tức, tôi báo cáo với tòa soạn và được chỉ đạo bám sát theo dõi. Chừng vài ngày sau đó, nguồn tin cho hay đã có 13 hộ dân tự ý rời bỏ nhà cửa, đến tá túc tại nhà người thân ở tổ dân cư số 1 cùng thôn. Đầu giờ chiều, liên lạc với nguồn tin, tôi được biết chính quyền đã vào cuộc nhưng cũng đành “bó tay” vì tập tục lâu đời của đồng bào. “Người dân nhất quyết không chịu trở về làng cũ. Khả năng nhà cửa sẽ bị đập bỏ” - nguồn tin cho hay.

Tôi tức tốc báo tin cho tòa soạn và xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời tìm cách liên lạc với nguồn tin “dò” xem có phóng viên nào biết chuyện hay chưa. Đang chờ lệnh, bất ngờ tôi nhận được tin có một đồng nghiệp ở Đà Nẵng đã đến hiện trường và đang làm việc với công an xã. Không thể chậm trễ, tôi gọi điện “giục” Ban thư ký tòa soạn có hướng chỉ đạo để kịp thực hiện cho số báo ngày mai (thứ Sáu). Mặt khác, tôi liên lạc với chính quyền địa phương để xác nhận thông tin. Gọi  cho Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cả 2 cuộc tôi đều bị “từ chối”. Cuộc thứ 3, tôi thất vọng nhận tin báo của tổng đài “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”. Đổi hướng, tôi điện thoại cho Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn nhưng cũng nhận được câu trả lời: “Tôi đang bận họp” rồi cúp máy, mặc dù lúc đó đã hơn 19 giờ tối. Lúc bấy giờ,  tôi đứng ngồi không yên. Chưa bao giờ tôi có cảm giác nôn nóng như hôm đó và quyết tâm bằng mọi giá phải có thông tin sớm nhất. Tôi lại liên lạc với Phó Chủ tịch UBND huyện để xác minh. Dù được bắt máy nhưng vị phó chủ tịch cũng “không nắm được vấn đề này, có gì nhà báo điện cho đồng chí chủ tịch”. Lạy trời. Tôi quyết định bình tĩnh để “nói lý” với người ở đầu dây bên kia và yêu cầu thông tin ngắn gọn để… kịp thời định hướng dư luận. Cuối cùng, tôi cũng thành công!

Chừng 20 phút sau, tôi gửi cho tòa soạn bài viết về diễn biến và thông tin ban đầu sự việc. Ít phút sau, tôi nhận phản hồi của Ban biên tập yêu cầu bổ sung một số thông tin để thực hiện bài viết tiếp theo. Để kịp thời cập nhật, bản tin đầu tiên về sự kiện Bút Tưa được đăng tải trên Báo Quảng Nam điện tử vào tối cùng ngày. Hôm sau, một tờ báo bạn mới cập nhật, kèm theo những hình ảnh về người dân tháo dỡ nhà cửa.

“Sát cánh” cùng người dân

Sự việc bỏ làng ra đi của người dân thôn Bút Tưa được  nhiều cơ quan truyền thông trong nước quan tâm. Nhiều tờ báo mạng “tranh thủ” cập nhập liên tục đến độ ở thời điểm đó, chỉ cần gõ từ khóa “Bút Tưa” đã xuất hiện hàng trăm bản tin với nhiều nguồn khác nhau. Để có được một bài báo sâu về sự kiện này, tôi cùng phóng viên Nguyễn Mạnh Thành Công đã tức tốc chạy lên Bút Tưa, ăn ở cùng  đồng bào. Thời điểm chúng tôi có mặt tại hiện trường, người dân địa phương không một ai dám đến khu vực vì sợ. Ngay cả khi biết chuyện tôi đến hiện trường để chụp ảnh, những người thân cũng ra sức ngăn cản vì cho rằng “hồn ma” vẫn còn loanh quanh gần khu vực.

Tôi quyết tâm đi và ghi lại tất cả hình ảnh tan hoang của những ngôi nhà, mái bếp bên đống đổ nát. Không một bóng người, ngôi làng giờ đây u ám lạ thường. Bếp lửa đã tắt, những khúc củi nằm lăn lóc, vương vãi. Chỉ có những con gà tung cánh chạy nhanh vào bụi rậm khi thấy có người đến gần. Buổi tối hôm đó, chúng tôi đến thăm hỏi và động viên 3 hộ nhà dân còn ở lại, nắm bắt thông tin để sáng hôm sau có bài viết gửi về tòa soạn. Xong việc, trong túi chỉ còn đúng 50 nghìn đồng. Ghé đổ xăng ở Trung Mang, chúng tôi tạt vào nhà người quen xin mượn thêm 200 nghìn đồng phòng thân để về Tam Kỳ. Liên tục sau đó, tôi bám sát cùng người dân và giữ mối quan hệ với nguồn tin để chủ động theo dõi cũng như kịp thời nắm bắt diễn biến sự việc. Nhờ đó thông tin về thôn Bút Tưa liên tục được tôi cập nhật đầy đủ để chuyển đến bạn đọc.  

Bẵng một thời gian, tôi lại có thông tin: người dân Bút Tưa đề nghị xin đổi tên làng do ám ảnh về những cái “chết xấu” liên tục xảy ra. Người làng nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến sự việc trên có liên quan đến cái tên của làng. Bởi, trước đây làng Bút Tưa được đặt theo tên của một người “chết xấu” (treo cổ tự vẫn - PV). Huyện đã đồng ý, ra công văn đề nghị chính quyền xã hoàn tất thủ tục để trình UBND huyện thẩm định. Tuy nhiên, tại buổi họp thôn sau đó, đồng loạt già làng, trưởng bản và người dân đều thống nhất giữ nguyên tên làng vì sợ ảnh hưởng đến việc làm lại toàn bộ hồ sơ, sổ sách cũng như khó khăn trong việc xác định lại địa danh mới cho thôn sau này. Tôi thầm mừng vì cuối cùng đồng bào cũng đã “tỉnh ngộ” sau những hủ tục. Tin đồn về cái “chết xấu” cũng không còn được nghe ai nhắc đến…

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC