Cần bảo vệ bản quyền trong nhiếp ảnh
Mới đây, nhà báo - nhiếp ảnh gia - tay máy cừ khôi một thuở ở chiến trường khu 5 - anh Trần Xuân Quang cho biết, ảnh tư liệu do anh chụp thời chiến tranh bấy giờ được sung hết vào ngân hàng ảnh của đơn vị bộ đội, nay được đưa ra sử dụng, đó là điều quý! Nhưng rất tiếc nó bị dùng tùy tiện, chú thích lẫn lộn, kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” cũng như không đề tên tác giả…
Đối với Quảng Nam, có lẽ mức độ vi phạm bản quyền chưa nhiều, cũng chưa đến mức kiện tụng như nhiều nơi nhưng rải rác đây đó vẫn xảy ra những việc chưa tốt trong việc quản lý, sử dụng ảnh. Không lâu, một số anh em cầm máy ở Hội An phản ánh, tác phẩm của mình bỗng dưng “có mặt”, rao bán tại các điểm du lịch Mỹ Sơn và Hội An, truy ra mới rõ là một cửa hiệu cà phê ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) đem in sang “phục vụ” du khách. Tình trạng các tờ báo, tập san, bản tin chuyên ngành… xuất bản hằng tháng, 2 tháng/ kỳ, 1 quý ra một số… cũng sử dụng ảnh (dùng cho cả bìa lẫn ruột) mà không xin phép tác giả. Cũng dễ dàng nhận ra nhiều ảnh được “khéo léo” ngụy trang bằng sự cắt cúp hay xử lý photoshop nhằm “lạ hóa” ảnh gốc để “đánh lận con đen”.
Đồng nghiệp tôi có lần ngạc nhiên vì đứa con tinh thần của mình đã được “tuốt” lại và sử dụng trên tờ tạp chí; sau khi truy hỏi người có trách nhiệm thì được trả lời thật thà “không biết của ai”! Hoặc lấp liếm hơn, dưới bức ảnh được đăng ghi: T.L, tư liệu, T.S, S.T hoặc ảnh có tính minh họa, nhuận bút vào túi ai cũng… chẳng rõ. Đồng môn còn cho hay, ảnh của mình khi được sử dụng lại ghi tên người khác. Đáng nói, việc cắt cúp tùy tiện làm thay đổi tinh thần của bức ảnh gốc. Chưa kể, ảnh dùng trên những trang báo đẹp, chỗ trang trọng thì hay biết mấy, đằng này được tận dụng trên những hộp trang trí ở những địa điểm công cộng. Cá biệt có đơn vị, ban ngành, địa phương in tờ rơi (bướm), ấn phẩm, đặc san cứ tự nhiên dùng ảnh người khác mà không đoái hoài tác giả.
Hiện công nghệ thông tin và cả phương tiện kỹ thuật nghề ảnh, sao chép hiện đại và thuận tiện, nhưng để có một tấm ảnh ưng ý không đơn giản tí nào. Ai hành nghề ảnh cũng thấm thía, để có một tác phẩm ảnh ưng ý, người cầm máy phải mai phục, săn tìm, chọn góc độ rồi bối cảnh, chờ thời cơ bấm máy. Chưa kể, họ phải suy nghĩ đề tài, nung nấu, tìm ý tưởng, đi lại vất vả, len lỏi đến vùng sâu, miền núi, hẻo lánh, tốn kém chi phí dọc đường, nhọc công sức mới có được “khoảnh khắc” đẹp. Vậy mà “úm ba la” tác phẩm bị “cuỗm” dễ dàng!
Gần hơn, một số ấn phẩm nhân kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh, do một số đơn vị, cá nhân đứng ra tập hợp hình ảnh xuất bản sách nhưng đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng” gây thắc mắc trong giới nhiếp ảnh . Bởi nhiều bức ảnh không ghi tên tác giả, không trả thù lao nhuận ảnh, chưa được sự đồng ý của tác giả.
Bản quyền tác phẩm trong nhiếp ảnh hiện đang có lỗ hổng lớn, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý cũng như người cầm máy. Bởi nếu để tình trạng “cả nể” như lâu nay thì phần thiệt vẫn thuộc về những người đam mê nắm bắt những khoảnh khắc “vàng” trong cuộc sống.
BÙI MINH PHỤNG