Bảo vệ cây ươi
Ngày 29.5.2014, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ cây ươi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc thu mua hạt ươi phải được chính quyền sở tại xác nhận rõ nguồn gốc, có xuất xứ rõ ràng.
Rộ mùa ươi
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, theo chu kỳ khoảng từ 3 - 4 năm, cây ươi mới ra hạt một lần, mùa gần nhất là vào năm 2011 và đến năm nay loại cây này mới ra hạt lại. Vì ươi phân bố rải khắp và phân tán ở nhiều huyện miền núi như Phước Sơn, Bắc Trà My, Tây Giang… nên không có con số thống kê chính thức diện tích. Những ngày qua, đi dọc khu vực lòng hồ thủy điện Đắc My (Phước Sơn) rồi vòng Nam Giang, Đông Giang, đâu cũng đỏ rực màu cây ươi mọc xen trên những cánh rừng.
Mùa ươi ra hạt đỏ cả cánh rừng tại huyện Phước Sơn. Ảnh: V.H |
Ươi ra hạt tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn thu nhập từ việc đi nhặt ươi bay (ươi đã chín và rụng). Tuy nhiên, theo người dân, thời điểm này chưa thấy thương lái đến hỏi mua nên có rất ít người đi nhặt loại hạt này. Vào thời điểm này năm 2011, từ việc lượm hạt ươi, nhiều người có của ăn của để. Nhìn ươi rụng đầy dưới chân rừng, ông Hồ Văn Don (46 tuổi, xã Phước Đức, Phước Sơn) cho biết, ươi năm nay cho hạt nhiều gấp đôi so với cách đây 4 năm. “Hồi truớc mỗi ngày đi lượm tôi thu được tiền triệu. Loại cây này nếu biết bảo vệ đúng cách thì mỗi khi tới mùa ra hạt, dân bản địa chúng tôi lại có thêm nguồn thu nhập kha khá” - ông Don nói. Tuy nhiên, điều mà ông Don canh cánh là liệu đến lúc thương lái ào ạt đến thu mua thì tình trạng chặt phá cây ươi để lấy hạt có tái diễn? Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một cơ sở thu mua loại hạt này ở phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ), vì đầu ra cho sản phẩm này còn bị “tắt” nên thương lái dè chừng, không dám mua nhiều; giá ươi khô hiện nay là 250 nghìn/kg.
Thị trường hạt ươi trầm lắng nên dọc các cánh rừng chưa xuất hiện tình trạng cây ươi bị khai thác, chặt phá. Có một số người dân bản địa tranh thủ lượm nhặt loại hạt này về đem cất chờ có người tới mua. Thời gian tới, nếu hạt ươi được giá, người dân sẽ có thêm một nguồn thu nhập đáng kể, nhưng đồng thời sẽ kéo theo “sức nóng” khi dân khắp nơi đổ về những cánh rừng này để triệt hạ cây ươi thu hạt.
Tăng cường bảo vệ
Nhằm khắc phục tình trạng chặt hạ cây ươi ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đồng thời để bảo vệ và khai thác một cách bền vững nguồn lợi do cây ươi mang lại, ngày 29.5.2014, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ cây ươi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc thu mua hạt ươi phải được chính quyền sở tại xác nhận rõ nguồn gốc, có xuất xứ rõ ràng. Tại xã Phước Hiệp (Phước Sơn), công tác truy quét, bảo vệ rừng ươi được triển khai ngay từ khi cây ươi mới bắt đầu đơm hạt. Bà Nguyễn Thị Bích Xinh - Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp cho biết đến nay địa phương đã thành lập 2 tổ và phân thành nhiều nhóm nhỏ để tham gia công tác quản lý, bảo vệ. “Một tổ được phân công thường xuyên vào rừng để giám sát, truy quét việc chặt phá cây ươi; một tổ khác làm nhiệm vụ chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào các thôn. Qua kiểm tra, ngày 10.6, chúng tôi phát hiện và tịch thu một chiếc cưa lốc ở bìa rừng, tuy nhiên chưa phát hiện cây ươi nào bị đốn ngã” - bà Xinh nói.
Theo một số tài liệu, cây ươi (có tên khoa khọc là scaphium lychnophorum kost) là một loại cây rừng có giá trị kinh tế cao, phân bố nhiều ở vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và một số tỉnh phía Nam. Quả ươi có công dụng làm thảo dược, chế biến nước giải khát, trị chữa bệnh… |
Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn cũng vừa ban hành công văn gửi đến các UBND xã, thị trấn và đơn vị chủ rừng để đẩy mạnh việc quản lý, kiểm soát việc kinh doanh, mua bán hạt ươi trên địa bàn huyện; kịp thời ngăn chặn các hành động “căng cây” (lột vỏ xung quanh gốc cây để cây ươi chết đi) để tận thu hạt. Các trạm kiểm soát liên ngành thôn 4, thôn 5 (xã Phước Đức), Trạm kiểm lâm địa bàn số 1 (xã Phước Xuân), Trạm kiểm lâm Phước Hiệp… tăng cường các biện pháp quản lý người dân đưa phương tiện, công cụ vào rừng. Tại huyện Tây Giang, lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng đã tham mưu với các địa phương sở tại để củng cố lực lượng, có chế tài xử phạt nặng nếu phát hiện trường hợp vi phạm. “Chúng tôi tích cực phối hợp với các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chung sức bảo vệ cây ươi. Đồng thời vận động, hướng dẫn người dân khai thác hạt ươi theo đúng quy định nhằm bảo tồn bền vững sản phẩm của loại cây này” - ông Ria Trao, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tây Giang cho biết.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm nay việc tiêu thụ hạt ươi sẽ được quản lý nghiêm ngặt hơn. Các ban ngành, địa phương vẫn khuyến khích người dân vào rừng lượm nhặt hạt ươi để tăng nguồn thu nhập. Tuy nhiên, sản phẩm hạt ươi này phải được các xã, thị trấn phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn xác nhận, kiểm duyệt trước khi mang đi tiêu thụ. Ngày 11.6, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Sau khi có chỉ thị của UBND tỉnh, chúng tôi đã chỉ đạo kiểm lâm các địa phương tổ chức rốt ráo công tác bảo vệ, chốt chặn, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng”.
VĂN HÀO