Liên hiệp quốc muốn hòa giải, Trung Quốc né tránh

QUỐC HƯNG 12/06/2014 15:33

(QNO) - Hãng tin NHK của Nhật vừa đăng tải, phát ngôn viên của Liên hiệp quốc (LHQ), ông Stephane Dujarric cho biết Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon có thể sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải nếu các bên liên quan yêu cầu trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

 “Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng các tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế” - ông Stephane Dujarric cho hay. Còn Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại biển Đông, đồng thời ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Ông cũng cho rằng các bên liên quan không nên có các hành động đơn phương làm căng thẳng gia tăng; văn phòng của ông theo dõi sát sao tình hình và khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ các bên giải quyết tình hình hiện.

Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric.Ảnh: (UN)
Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric.Ảnh: (UN)

Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Lê Hoài Trung kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan và hơn 100 tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng tiến hành đối thoại về những tranh chấp trên biển Đông. Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại nơi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 kể từ ngày 1.5.2014.

Tuy nhiên, Đại sứ Lê Hoài Trung cho biết, chính quyền Bắc Kinh đã từ chối tiến hành đàm thoại cùng với luận điệu trắng trợn, rằng Trung Quốc không có tranh chấp và “toàn bộ vùng biển nơi hạ đặt giàn khoan là của Trung Quốc”. Đại sứ Việt Nam tuyên bố, việc Trung Quốc từ chối đối thoại là khiêu khích và làm dấy lên những quan ngại sâu sắc. “Chúng tôi muốn có các cuộc thương lượng, đối thoại hoặc bất kỳ biện pháp hòa bình nào để giải quyết tranh chấp. Cho đến nay, chúng tôi đã kiềm chế, nhưng đương nhiên, như mọi quốc gia khác, chúng tôi sẵn sàng thực hiện quyền tự vệ” - Đại sứ Lê Hoài Trung tuyến bố.

Việc Trung Quốc gởi công hàm lên LHQ với luận điệu vu cáo trắng trợn, tuyên bố có chủ quyền với khoảng 90% vùng biển Đông dựa trên biểu đồ “đường 9 đoạn” mà họ vẽ nhưng lại từ chối đàm thoại. Báo giới quốc tế phản ứng, lý do thực sự của việc Trung Quốc đưa vụ giàn khoan Hải Dương-981 ra LHQ nhằm ngăn chặn Việt Nam có thể kiện nước này ra Tòa án quốc tế, bởi trong trường hợp bị kiện Trung Quốc chắc chắn sẽ thua kiện.

Ông Dmitry Mosyakov thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định, công hàm phản đối Việt Nam của Trung Quốc sẽ gây phản ứng chống Trung Quốc ngay từ thành viên trong LHQ vì những gì xảy ra thực tế tại biển Đông, mà Trung Quốc là bên đơn phương khiêu khích. Rõ ràng, với động thái này, Trung Quốc muốn xoa dịu cộng đồng quốc tế về hành động ngang ngược, leo thang và vô nhân đạo mà các tàu Trung Quốc gây ra cho các tàu chấp pháp, đánh bắt cá hòa bình của Việt Nam. Thậm chí, Trung Quốc tìm cách xoa dịu trước những tác động tiêu cực tiềm ẩn do hành động của họ gây nên.

Quả vậy, việc Trung Quốc né tránh Tòa án quốc tế theo đơn kiện của Philippines và lần này là từ chối đàm thoại ở LHQ, với Việt Nam cho thấy Trung Quốc một mặt vừa “la làng”, vừa sợ “bẽ mặt” trước công lý quốc tế.

QUỐC HƯNG




QUỐC HƯNG