Một chuyến đi đáng nhớ
Những ngày cuối tháng 5, anh em phóng viên báo chí công tác tại TP.Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có cơ hội tham gia cùng đoàn công tác của Vùng Cảnh sát biển 2 trong chuyến ra khơi đột xuất. Trời nắng nóng như thiêu đốt, cánh phóng viên vẫn hăng hái lên đường thực hiện chuyến đi đầy ý nghĩa.
Đại diện Vùng Cảnh sát biển 2 tặng quà tàu ĐNa-90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Ảnh internet |
Đúng 12 giờ 30 phút, đội ngũ phóng viên, nhà báo 20 người đã có mặt đông đủ tại phòng họp của Vùng Cảnh sát biển 2 (đóng chân tại xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam). Tiếp đoàn báo chí, Đại tá Trần Văn Dũng - Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 thông tin về mục đích, nội dung chuyến công tác đột xuất lần này (đón 10 ngư dân tàu ĐNa-90152 của Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc cố tình đâm được đưa về Lý Sơn, Quảng Ngãi). Đồng thời nhắc nhở lực lượng phóng viên báo chí thực hiện đúng quy định của đơn vị để chuyến công tác được đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Đúng 13 giờ 30 phút, đoàn công tác xuống âu thuyền lên tàu Cảnh sát biển và chỉ ít phút sau con tàu 2012 nhổ neo hướng ra huyện đảo Lý Sơn để thực hiện nhiệm vụ.
Tình quân - dân
Nói là thực hiện nhiệm vụ thì hơi lớn lao quá, nhưng đây cũng chính là thực hiện việc làm rất có ý nghĩa thể hiện tình quân dân trong những lúc khó khăn, hay khi gặp hoạn nạn… Tôi rất tâm đắc những chia sẻ của Đại tá Trần Văn Dũng với đại ý: Vùng Cảnh sát biển 2 cùng với lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển Hoàng Sa để tuyên truyền xua đuổi Trung Quốc rút giàn khoan khỏi khu vực thuộc đặc quyền lãnh hải Việt Nam mà Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép. “Chúng tôi được toàn thể người dân Việt Nam và quốc tế ủng hộ, động viên về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, chiến sĩ an tâm thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Nay tàu ngư dân ĐNa-90152TS của Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm, may mắn 10 ngư dân trên thuyền thoát chết, chúng tôi nghĩ trong cảnh hoạn nạn này với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nên chúng tôi dành món quà nhỏ 20 triệu đồng để thăm tặng và động viên cho 10 ngư dân của thuyền với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn, cùng với cả nước chung tay giúp đỡ, động viên ngư dân sớm khắc phục hậu quả để tiếp tục sớm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa của mình” - Đại tá Trần Văn Dũng thông tin.
Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau khi tàu nhổ neo, đoàn công tác đã có mặt tại huyện đảo Lý Sơn; anh em báo chí được cán bộ, chiến sĩ của tàu hướng dẫn và đưa đến khu vực cảng cá An Hải (Lý Sơn). Tại đây, giới báo chí, truyền hình đã được gặp gỡ 10 ngư dân gặp nạn và họ đã tường thuật lại vụ việc bị nhiều tàu cá “bán vũ trang” của Trung Quốc tấn công (vào ngày 26.5.2014) ở khu vực cách giàn khoan Hải Dương 981 hàng chục hải lý trên vùng biển Hoàng Sa. Anh em phóng viên, báo chí và truyền hình tuy mồ hôi nhễ nhại, song vẫn hăng say ghi hình, phỏng vấn và đã có những bài viết xúc tích, sống động, phản ánh đúng thực tế về vụ việc mà tàu Trung Quốc đã gây ra cho ngư dân Việt Nam nói chung, ngư dân tàu ĐNa-90152TS nói riêng.
Thay mặt đoàn công tác của Vùng Cảnh sát biển 2, Đại tá Trần Văn Dũng gặp gỡ 10 ngư dân chia sẻ và phát biểu: “Dùng nhiều tàu lớn tấn công đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam rồi bỏ đi là việc làm không thể chấp nhận được của phía Trung Quốc. Chúng tôi cực lực phản đối và mong muốn bà con ngư dân an tâm, bình tĩnh, nhanh chóng khắc phục tàu để tiếp tục ra khơi bám biểm, bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam sẽ luôn bảo vệ ngư dân và kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình kết hợp tuyên truyền và đấu tranh ngoại giao để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan về nước”.
Những “cột mốc sống” trên biển
Tuy bị thiệt hại về tài sản và bị thương, song các ngư dân trên tàu ĐNa-90152 vẫn thể hiện quyết tâm cao, mong muốn sớm sửa chữa lại tàu để tiếp tục vươn khơi, bám biển khai thác thủy hải sản trên ngư trường Hoàng Sa của mình. Cũng trong thời điểm này, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân khu 5, UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi cùng đại diện Báo Tuổi trẻ… cũng đã có mặt kịp thời để chia sẻ, động viên và giúp đỡ ngư dân bị nạn. Có thể nói, tình quân - dân lúc nào cũng gắn bó mật thiết, nhất là trong những lúc khó khăn hoạn nạn thì tinh thần tương trợ, đoàn kết càng được phát huy.
Phóng viên phỏng vấn thuyền trưởng tàu ĐNa-90152 TS về diễn biến vụ việc bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
Trong chuyến công tác ngắn ngủi đó, khi màn đêm buông xuống, biển Việt Nam lại hiện ra đẹp và thơ mộng, với hàng trăm ánh đèn của ngư dân đang hướng ra khơi; sóng biển vẫn đang thì thào tâm sự… Trên chiếc tàu Cảnh sát biển, tôi có dịp được tiếp cận trao đổi, trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2. Qua đó, chúng tôi cảm nhận được tinh thần trách nhiệm và quyết tâm rất cao của các anh khi thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng trên tuyến đầu để bảo vệ chủ quyền lãnh hải đất nước. Hầu hết các anh còn rất trẻ, đều ở xa nhà, mỗi người có hoàn cảnh riêng, tuy nhiên các anh đã gác lại tất cả, tập trung cho nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin tưởng giao phó. Khi tôi hỏi về quê quán, gia đình, vợ con, Trung úy Nguyễn Văn Toản cho biết: “Quê tôi ở Ninh Bình, mất bố mẹ từ nhỏ. Tôi mới lập gia đình, hiện là chính trị viên của tàu. Tôi và các thuyền viên trên tàu luôn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc”. Tuy Toản không muốn nói nhiều về cá nhân mình, nhưng qua các thuyền viên khác được biết, cuối tháng 4.2014, anh được đơn vị, chỉ huy Vùng Cảnh sát biển 2 cho về phép 6 ngày để cưới vợ. Tuy nhiên, mới nghỉ được một ngày thì xảy ra sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến hạ đặt tại vùng biển Việt Nam. Nhận được tin này, anh đã cấp tốc chia tay người vợ trẻ trở về đơn vị để thực hiện nhiệm vụ trên chính con tàu 2012 do anh làm Chính trị viên - một trong những con tàu đầu tiên xuất phát ra biển Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Còn thuyền trưởng tàu 2012, Thượng úy Đàm Minh Khoa nói: “Chiến sĩ tàu 2012 luôn quyết tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng anh em luôn đoàn kết và quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.
Có thể khẳng định, cùng với ngư dân, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam - các anh cũng chính là “những cột mốc sống”, là “những ngọn hải đăng” tỏa sáng trên vùng biển Việt Nam.
VÕ VĂN THỌ