Quốc hội thảo luận về các Luật căn cước, hộ tịch: Cần đơn giản tối đa các thủ tục hành chính

DUY MAI 10/06/2014 08:37

Sáng 9.6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch. Luật Căn cước công dân gồm 5 chương, 36 điều, Luật Hộ tịch gồm 7 chương, 76 điều. Đây là hai dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2014.

Ông Trần Xuân Vinh phát biểu góp ý tại Quốc hội về các dự án luật.  Ảnh: DUY MAI
Ông Trần Xuân Vinh phát biểu góp ý tại Quốc hội về các dự án luật. Ảnh: DUY MAI

Tham gia thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân, đại biểu Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh đồng tình với việc cần thiết phải sớm ban hành luật nhằm đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính cho người dân, đồng thời hiện đại hóa các giấy tờ về căn cước, đáp ứng các giao dịch của nhân dân và phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Đại biểu Trần Xuân Vinh - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị luật cần đơn giản tối đa các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân theo đúng tinh thần nhà nước phục vụ nhân dân, tránh gây phiền hà, tốn kém cho người dân. Ông Trần Xuân Vinh cũng đề nghị xem xét bổ sung các quy định về việc cấp thẻ căn cước đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời lưu ý, việc quy định giá trị sử dụng thẻ căn cước công dân chỉ có thời hạn 10 - 15 năm thì một người từ khi sinh ra cho đến khi chết có thể phải cấp, cấp lại thẻ đến 5 - 6 lần là không hợp lý… Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Nam Trà My đề nghị đối với điều kiện đặc thù của người dân sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới… thì cần phải có cơ chế để cán bộ đến tận thôn, bản hoặc nhà của người dân làm thủ tục cấp thẻ, không nên quy định cứng nhắc nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân bắt buộc tại trụ sở cơ quan công an hoặc tại UBND xã, phường, thị trấn như dự thảo luật.

DUY MAI

DUY MAI