Xã Sông Trà (Hiệp Đức): Nhiều công trình mất công năng
Nhiều nhà cửa và công trình công cộng có giá trị tiền tỷ ở xã Sông Trà bị mất công năng lâu nay, trong khi đó các cấp chính quyền đang gặp khó khi tìm giải pháp khắc phục.
Xuống cấp nặng
Thôn 6 (xã Sông Trà) nằm heo hút giữa những cánh rừng cao su, các hộ dân ở đây phần lớn là đồng bào Ca Dong. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn bởi những ngôi nhà được xây dựng theo Chương trình 134 giờ hư hỏng, nằm chỏng chơ dưới nắng. Dọc theo con đường bê tông của thôn, dãy nhà theo Chương trình 134 có hơn 10 cái bị tốc mái tôn, có cái chỉ còn lại nền nhà với đống gạch đổ nát. Bí thư Chi bộ thôn 6 - ông Hồ Văn Diên cho biết: “Cơn bão số 11 năm 2013 khiến nhiều ngôi nhà 134 tốc mái hết và vài nhà bị hư hỏng nặng nên giờ bà con làm nhà gỗ nhỏ ở tạm. Cũng không thể sửa chữa vì họ không có tiền”. Do nhà bị hư hỏng toàn bộ mái tôn, gia đình anh Hồ Văn Điều đành trú ngụ trong căn nhà nhỏ dựng phía sau rất ọp ẹp, chật chội. Anh Điều nói: “Mình chẳng có tiền sửa đâu, bởi hàng ngày mình làm được ít tiền để lo cái ăn cho cả nhà mà còn thiếu lên thiếu xuống”. Nằm kế nhà anh Điều, bà Hồ Thị Liễu nay sang ở nhờ nhà con rể bởi nhà 134 của bà cũng đã hư hỏng nặng, đòn tay rơi xuống chắn ngang nhà, tôn cuốn cong… “Chồng chết, mình già cả rồi thì tiền đâu mà sửa chữa nhà đây. Mong sao Nhà nước hỗ trợ cho ít tôn lợp lại. Biết là bỏ phí đó nhưng đành chịu thôi” – bà Liễu nói.
Dãy phòng học ở thôn 6, xã Sông Trà bị bỏ hoang.Ảnh: Đ.ĐẠO |
Ngược lên rừng cao su cách đó chừng 500m, một công trình nước sạch chẳng còn phát huy tác dụng, bể chứa trơ đáy, đầy cát sỏi và rác cũng bị bỏ hoang từ lâu. Theo thiết kế, công trình nước sạch Sa Mưa này cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 270 hộ dân ở 4 thôn của xã Sông Trà. Nhìn công trình được đổ bê tông cốt thép kiên cố bị bỏ hoang, ông Trương Văn Phổ - Tổ trưởng tổ quản lý công trình nước sạch Sa Mưa cho hay: “Bể lọc ở thôn 6 trơ đáy bởi đường ống hư hỏng nhiều đoạn từ tháng 5.2013. Tình trạng này khiến nhiều hộ dân phải tự tìm kiếm nguồn nước khác để sinh hoạt hằng ngày”. Chị Hồ Thị Đêm (tổ 2, thôn 5, xã Sông Trà) cho biết: “Không có nước sạch nữa nên mình dùng lại nước giếng đào. Có nước sạch dùng tốt hơn và vệ sinh hơn nước giếng nhiều”. Cách bể lọc nước công trình nước sạch Sa Mưa chừng 100m, một dãy phòng học cũng “trơ gan cùng tuế nguyệt”, dây leo và cây dại mọc um tùm chắn hết lối vào.
Cần giải quyết rốt ráo
Về công trình nhà 134 tại thôn 6 xuống cấp, theo ông Hồ Văn Diên, địa phương đang giúp các hộ nghèo làm hồ sơ vay vốn, từ đó sẽ có hướng làm kinh tế và sửa chữa lại nhà. Còn ông Lê Dần – Chủ tịch UBND xã Sông Trà thì nói: “Nhà 134 tại thôn 6 được triển khai xây dựng từ năm 2005 đến năm 2009. Tuy nhiên, mức hỗ trợ chỉ khoảng 7 triệu đồng/hộ, tại thôn 6 nhân dân còn khá nghèo nên không thể đóng góp vào thêm khiến công trình không như ý muốn. Vùng này lại thường xuyên bị mưa dông, lốc xoáy nên nhiều nhà hư hỏng nặng”. Bàn về hướng giải quyết, ông Dần cho biết xã không đủ kinh phí để hỗ trợ sửa chữa các ngôi nhà 134 bị hư hỏng. “Đảng ủy, UBND xã đã xuống tận nơi vận động bà con tự sửa chữa lại để có nơi ở ổn định. Đồng thời chỉ đạo Chi bộ thôn, Ban nhân dân thôn 6 tích cực vận động việc tự sửa chữa, không ngồi chờ đợi sự hỗ trợ từ Nhà nước. Hiện nay, đã có một vài hộ có ý thức tự sửa chữa lại nhà của mình” – ông Dần nói. Đối với dãy phòng học bị bỏ hoang, ông Dần cho biết: “Dãy phòng học đó do Dự án CBRIF đầu tư từ khá lâu rồi. Nhưng do nằm ở địa thế không còn phù hợp, con em địa phương đi lại học hành gặp khó khăn nên đành bỏ hoang. Xã đã báo cáo huyện lên kiểm tra, để thực hiện thanh lý tài sản”.
Vấn đề nan giải và cấp bách hiện nay là chuyện nước sạch, ông Dần cho biết khi công trình nước sạch Sa Mưa bị hư hỏng, địa phương đã có tờ trình báo cáo lên UBND huyện. Theo Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức, công trình nước sạch Sa Mưa là một phần của công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt kết hợp thủy lợi Sông Trà với tổng mức đầu tư trên 2,8 tỷ đồng. Hiện trạng công trình không thể sử dụng do đường ống nước sinh hoạt và nước tưới hư hỏng khoảng 120m. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Bội Thuyên – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho rằng huyện đang gặp khó khi khắc phục công trình nước sạch Sa Mưa: “Chúng tôi đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT lập phương án sửa chữa, tuy nhiên vẫn chưa thể nói gì về việc có sửa chữa công trình nước sạch Sa Mưa hay không. Bởi lẽ ý thức bảo vệ công trình của người dân quá kém, họ tùy tiện xâm phạm công trình thì có sửa chữa cũng hư hỏng lại”. Ông Thuyên cũng nói thêm, kinh phí để chi trả chưa đáp ứng nhu cầu thực tế cho những người quản lý cho công trình này, trong khi đó công trình lại lớn, đường ống kéo dài trên nhiều cây số khiến việc quản lý gặp khó khăn. Hiện “số phận” của công trình này vẫn còn lơ lửng.
ĐOÀN ĐẠO