Cần tiếp tục điều chỉnh chính sách giảm nghèo (*)
(QNO) - LTS: Ngày 7.6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Nam Lê Phước Thanh có bài phát biểu tại buổi thảo luận. Báo Quảng Nam đăng nguyên văn bài phát biểu này (tít bài do tòa soạn đặt).
Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam Lê Phước Thanh phát biểu tại buổi thảo luận. |
Kính thưa Quốc hội!
Để làm rõ hơn việc thực hiện chính sách giảm nghèo trong thời gian qua, từ thực tế tại địa phương, tôi xin có một số ý kiến như sau:
Công tác giảm nghèo trong thời gian đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, việc ban hành, triển khai thực hiện các chính sách về giảm nghèo vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp, đó là:
Xoá đói, giảm nghèo là thành quả quan trọng quá trình tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ta, được cộng đồng thế giới và nhân dân ta ghi nhận; song do chính sách này được triển khai trong thời gian dài, nhưng chậm được nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, đầy đủ; việc triển khai thực hiện chính sách còn rất chung chung, đại trà mà không điều tra, phân tích, phân loại đối tượng tác động, mạnh ai nấy làm, thiếu thống nhất, làm cho nguồn lực bị phân tán, nhỏ lẽ kém hiệu quả; nguy hại hơn làm suy giảm ý chí phấn đấu vươn lên, tinh thần tự tôn, tự trọng của một bộ phận người nghèo nhưng lười lao động ...
Công tác điều tra, bình xét, công nhận hộ nghèo tại một số địa phương còn nhiều bất cập, chưa thực sự chính xác, bình quân, gây mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, trở thành áp lực đối với cán bộ cơ sở khi tổ chức bình xét công nhận hộ nghèo. Trong khi đó, một số hộ dân rơi vào tình trạng nghèo do bị thiên tai, dịch họa, các tai nạn bất ngờ nhưng chậm được công nhận hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ kịp thời (nhất là các chính sách về y tế, giáo dục, hỗ trợ trực tiếp) nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì việc bình xét, công nhận hộ nghèo được thực hiện một lần vào cuối năm...
Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo có thể nêu ra các nguyên nhân sau:
- Số lượng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng thực hiện chính sách giảm nghèo được ban hành rất lớn và thường xuyên thay đổi theo mục tiêu giảm nghèo của từng giai đoạn nhưng chưa được rà soát, hệ thống hóa, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện; việc quy định quá nhiều cơ quan có thẩm quyền tham gia hướng dẫn, quản lý và triển khai thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo (Nghị quyết 30a/NQ-CP quy định 14 bộ, ngành tham gia; Nghị quyết số 08/NQ-CP quy định 18 bộ, ngành, cơ quan trung ương tham gia...) dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, nguồn lực đầu tư bị dàn trãi, phân tán, hiệu quả không cao (ví dụ: Nghị quyết 30a/NQ-CP, Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình xây dựng nông thôn mới... đều hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; 70% số xã đang thụ hưởng chính sách Chương trình 135 giai đoạn II nằm trong Chương trình 30a...). Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách giảm nghèo thiếu cụ thể, không phù hợp với thực tế hoặc không bảo đảm nguồn tài chính để thực hiện chính sách đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện và giảm hiệu quả của chương trình giảm nghèo trên địa bàn.
- Một số chương trình, chính sách giảm nghèo chưa được khảo sát, đánh giá kỹ trước khi ban hành; còn có sự áp đặt, không phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương nên hiệu quả không cao. Một số chương trình, chính sách ban hành nhưng thiếu nguồn vốn để thực hiện, mức đầu tư thấp, các chính sách hỗ trợ sinh kế để phát triển sản xuất chưa nhiều, tổ chức thực hiện gặp nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với vùng, miền (như chương trình dạy nghề, tín dụng, xuất khẩu lao động, ...).
- Thủ tục triển khai thực hiện một số chương trình, dự án giảm nghèo, đặc biệt là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng còn nặng thủ tục hành chính, chi phí hành chính và các chi phí gián tiếp còn cao, làm giảm hiệu quả đầu tư trực tiếp cho người nghèo (cá biệt có công trình chi phí thiết kế, thẩm định, giám sát... chiếm từ 25-30% chi phí xây dựng công trình).
- Các chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa phân loại đối tượng theo thực tế, chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo để có chính sách phù hợp. Hiện nay, các đối tượng xã hội có hoàn cảnh neo đơn, tàn tật, hoạn nạn... không có khả năng lao động, nằm trong diện được nhà nước trợ cấp thường xuyên nhưng vẫn được xếp vào diện hộ nghèo là chưa hợp lý, chưa phản ánh đúng thực trạng nghèo.
Để công tác giảm nghèo đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững, xin kiến nghị thêm một số giải pháp như sau:
Trước hết, đề nghị tổng điều tra, rà soát phân loại hộ nghèo (theo nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, tái nghèo) thành 4 nhóm sau:
- Nhóm hộ có khả năng lao động, phát triển sản xuất nhưng thiếu vốn, thiếu tư liệu, phương tiện sản xuất; trình độ canh tác thấp, thiếu kỹ năng lao động, khó tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
- Nhóm hộ bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch họa, bị các tai nạn, bệnh tật bất ngờ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế gia đình cũng như tổ chức sản xuất.
- Nhóm hộ gia đình không có khả năng lao động: Người già neo đơn, các đối tượng xã hội.
- Nhóm hộ có khả năng lao động nhưng lười lao động, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Từ việc phân loại này, từng nhóm đối tượng sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp và hiệu quả.
Thứ hai: Thực hiện tổng rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các chương trình, chính sách về giảm nghèo; thay đổi phương thức thực hiện đối với một số chính sách theo hướng hạn chế hỗ trợ trực tiếp và tăng dần các chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua việc tăng đầu tư vào cộng đồng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ phát triển thị trường nông - lâm - ngư nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân. Xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp với từng loại đối tượng hộ nghèo. Chú trọng đến các giải pháp thoát nghèo bền vững; có chính sách động viên, khuyến khích các hộ, các cấp chính quyền thực hiện hiệu quả các chương trình thoát nghèo nhanh và bền vững (bằng các công trình đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông, y tế, giáo dục...).
Thứ ba: Đổi mới cơ chế quản lý, điều hành các chương dự án giảm nghèo hiện nay theo hướng: Trung ương chỉ quy định chính sách chung, có tính nguyên tắc và phân cấp mạnh cho cấp tỉnh, cấp huyện quyết định các biện pháp, giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với đặc thù từng vùng, miền và địa phương.
Thứ tư: Đề nghị đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển giáo dục – đào tạo cho con em các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đào tạo phải gắn liền với sử dụng và nhu cầu xã hội, chỉ có như vậy mới giúp thoát nghèo bền vững. Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đến 1/3 số sinh viên sau khi đi học cử tuyển tại các tỉnh miền núi chưa có việc làm; đề nghị cần làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân của tình trạng này. Cử tuyển là vậy, còn không cử tuyển, tự do thì sẽ như thế nào, lãng phí xã hội, tồn tại này này cần sớm được khắc phục.
Kính thưa Quốc hội, cũng liên quan đến công tác giảm nghèo, với tình hình phức tạp ở biển Đông hiện nay, tôi xin nêu thêm về đời sống của ngư dân qua khảo sát thực tế tại Quảng Nam cho thấy:
Đối với chủ tàu thuyền và lực lượng lao động đánh bắt xa bờ có thu nhập tương đối ổn định, đảm bảo yêu cầu cải thiện đời sống, có tích lũy để phát triển sản xuất. Nhưng đối với bộ phận ngư dân khai thác ven bờ (kể cả ngư dân khai thác thủy sản trên các cửa sông) có đời sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu ổn định do nguồn lợi thủy sản khu vực này ngày càng suy giảm, hiệu quả đánh bắt không cao, tàu thuyền công suất nhỏ và trang thiết bị đánh bắt lạc hậu.
Đơn cử, như tỉnh Quảng Nam có hơn 4.000 tàu cá, nhưng phần lớn tàu có công suất nhỏ, bình quân công suất 43 CV/tàu, số tàu có khả năng hoạt động xa bờ chỉ chiếm 8,7%. Việc đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn có khả năng đánh bắt xa bờ chỉ được ngư dân Quảng Nam quan tâm, hưởng ứng trong thời gian gần đây, nhất là sau khi có Quỹ hỗ trợ ngư dân của tỉnh đi vào hoạt động.
Phần lớn ngư dân hiện nay có điều kiện kinh tế khó khăn với tập quán sản xuất nhỏ, ven bờ; việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng lớn là không khả thi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chính sách để chuyển đổi nghề từ đánh bắt theo kiểu hộ gia đình, ven bờ sang lao động đánh bắt xa bờ. Điều này dẫn đến tình trạng các tàu thuyền đánh bắt xa bờ thiếu nguồn lao động, trong khi ngư dân nghèo vẫn không thay đổi tập quán sản xuất.
Các chính sách hỗ trợ đối với ngư dân được quy định ở nhiều văn bản khác nhau và ghép chung với các đối tượng khác (như đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ thuộc diện chính sách…) và các lĩnh vực hỗ trợ khác (như sản phẩm nông sản), trong khi đó hoạt động sản xuất khai thác thủy sản và đời sống ngư dân có những đặc thù riêng, đòi hỏi phải có hệ thống chính sách đồng bộ để ngư dân yên tâm tổ chức sản xuất trên biển.
Từ thực tế nêu trên, việc ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế biển nói chung, hoạt động khai thác thủy sản và đời sống ngư dân nói riêng là hết sức cần thiết, nhất là đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển. Do vậy, đề nghị Chính phủ tổ chức sơ kết đánh giá công tác xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo; trong đó, tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả, tính khả thi của các chính sách hỗ trợ đối với ngư dân và hoạt động khai thác, chế biến thủy sản hiện nay; qua đó, xây dựng chính sách tổng thể, đảm bảo bao quát những lĩnh vực cần hỗ trợ, khắc phục những bất cập hiện nay, góp phần nâng cao đời sống ngư dân, thúc đẩy ngành khai thác thủy sản phát triển ổn định, bền vững.
Cùng với các chính sách hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ, đề nghị cần có chính sách hỗ trợ, cho vay lãi suất thấp để chuyển đổi nghề, tập quán sản xuất nhỏ lẻ ở khu vực ven bờ sang đánh bắt xa bờ, thông qua hộ, nhóm hộ gia đình, tổ, đội sản xuất cam kết cùng vay vốn để đánh bắt xa bờ.
Trong tình hình hình hiện nay các tàu lạ, tàu Trung Quốc thường xuyên tìm cớ để gây gấn, cậy tàu lớn để đâm tàu đánh cá của ngư dân; mặt khác quá trình tổ chức khai thác trên biển, nguy cơ gặp tai nạn, rủi ro là rất lớn, đây là một trong những nguyên nhân làm cho ngư dân chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư đánh bắt xa bờ, trong khi đó các chính sách hiện nay chỉ mới quan tâm đến cứu nạn. Đề nghị cần có chính sách hỗ trợ đối với tàu cần phải cứu hộ và chính sách hỗ trợ các tàu tham gia cứu hộ trên biển để ngư dân an tâm đầu tư đánh bắt xa bờ.