Tình người ở thôn Phước Thạnh

ĐOÀN ĐẠO 06/06/2014 08:35

Suốt 10 năm nay, những người dân thôn Phước Thạnh (xã Tam Thạnh, Núi Thành) vẫn ngày ngày thay nhau cơm nước, tắm giặt cho cụ Phạm Thị Sòng (60 tuổi, người trong thôn) bị bệnh tâm thần và bại liệt.
Trưa, cái nắng như thiêu đốt căn nhà rộng khoảng chừng 16m2 của bà Sòng. Trong ngôi nhà ngổn ngang những vật dụng, nằm trên chiếc giường ọp ẹp, bà Sòng vẫn không thôi tự nói chuyện với chính mình. Nhẹ nhàng mang tô cơm đầy, chén canh khổ qua nấu thịt và vài khúc cá ngừ đặt lên giường, chị Huỳnh Thị Nguyên (thôn Phước Thạnh) nói: “Mời bác Sòng ăn cơm trưa”. Ra trước hiên nhà, chị Nguyên tâm sự: “Bà Sòng vốn bị bệnh tâm thần, lại đau một trận thập tử nhất sinh nên giờ chỉ có thể ngồi bệt, lết đi. Bà con trong xóm thương tình nên mỗi nhà thay phiên nấu một ngày và mang đến để bà Sòng có cái ăn. Nhà quê, thịt cá không nhiều nhưng rau cháo cũng đủ nuôi bà”. Chị Bùi Thị Kim Tuyết (Tổ trưởng tổ phụ nữ số 8, thôn Phước Thạnh) cho biết: “Trước lúc bị liệt, cô Sòng cũng biết chặt củi, hái lá về đổi lấy gạo, thức ăn rồi tự nấu được. Nhưng trận đau “thập tử nhất sinh” năm 2005 khiến bây giờ bà Sòng chẳng thể tự lo được gì cho bản thân”. Hỏi ra mới biết, bà Sòng chẳng còn ai thân thích, cha mẹ bà mất từ lâu bỏ lại bà bơ vơ cùng căn bệnh thần kinh lúc tỉnh, lúc mê.

Người lo dọn dẹp, người lo cơm nước, hàng ngày người dân thôn Phước Thạnh thay nhau chăm sóc cho bà Phạm Thị Sòng.
Người lo dọn dẹp, người lo cơm nước, hàng ngày người dân thôn Phước Thạnh thay nhau chăm sóc cho bà Phạm Thị Sòng.

Điều làm chúng tôi xúc động là những người dân nơi đây luôn xem bà Sòng như người thân trong gia đình, chăm sóc bà ân cần đến từng điều nhỏ nhất trong sinh hoạt hằng ngày. “Lúc đầu, khi cô Sòng nằm một chỗ, trong thôn ai mang đến gì thì cô ăn cái đó. Rồi ông trưởng thôn Ngô Quang Vinh cùng vợ nấu cơm suốt 3 tháng liền lo cho cụ từng miếng ăn. Còn tôi nhà gần bà Sòng, lo chuyện tắm rửa, gội đầu, quét dọn nhà cửa” - chị Tuyến cho hay. Xác định việc lo lắng, chăm sóc cho bà Sòng là lâu dài, Ban nhân dân thôn Phước Thạnh đã họp các hộ dân bàn bạc. “Thương cụ neo đơn lại bệnh tật chẳng ai lo, mọi người đều nhất trí mỗi gia đình nấu một ngày ăn, mang lên nhà cho cụ Sòng vào hai buổi trưa và tối. Riêng nhà anh Nguyễn Thành Trung lo việc nối bóng điện, thắp sáng vào mỗi tối cho cụ chứ không dám để cụ làm vì sợ cụ bị điện giật. Và chị Tuyết chủ công lo lắng, thăm nom cụ hằng ngày để có việc gì gọi mọi người đến hỗ trợ” - Trưởng thôn Phước Thạnh Ngô Quang Vinh chia sẻ.

Nhưng chăm sóc một cụ bà bị bệnh tâm thần không phải chuyện đơn giản. Biết bao lần những người mang cơm đến bị bà Sòng úp cả cơm canh lên đầu hoặc bị mắng té tát. Hay những chị em phụ nữ đến quét dọn nhà cửa, giặt quần áo cho cụ cũng bị cụ ném mọi thứ vào người lúc không tỉnh táo. Chị Tuyết nói: “Biết bao chị em phụ nữ bị cô Sòng mắng chửi cũng chỉ biết chạy về khóc chứ chẳng thể trách giận được. Hoàn cảnh của cô Sòng như vậy, mình thương không hết, sao ghét cho đành”. Biết bà Sòng tính tình thất thường, chị em phụ nữ chọn những lúc bà ngủ rồi lẳng lặng đến quét nhà, giặt đồ cho cụ. Và lựa lúc bà tỉnh táo qua lựa lời “dỗ dành” để tắm táp, gội đầu cho bà Sòng. “Nhiều cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm đến tặng tiền, tặng quà chị em phụ nữ mua mì tôm để buổi sáng sang nấu cho cô Sòng ăn trước khi chị em đi làm. Còn khi trái gió trở trời thì tôi hỏi để biết cô Sòng đau ra sao để chạy lên Trạm y tế xã xin thuốc về, các chị em khác đi chợ mua thêm đồ ăn để bồi bổ cho cô mau lành bệnh” - Tổ trưởng tổ phụ nữ số 8 thôn Phước Thạnh, nói.

Cứ thế, gần 10 năm, những người dân thôn Phước Thạnh bao bọc, cưu mang cụ bà bất hạnh Phạm Thị Sòng bằng tình làng nghĩa xóm sâu nặng. “Không một ai trong thôn tôi nói bỏ rơi cụ Sòng cả. Và chúng tôi sẽ chăm sóc cụ như người trong nhà cho đến cuối đời cụ. Ở đây bà con còn nghèo nhưng dân quê chúng tôi không nghèo tình cảm. Chỉ mong có thêm nhiều nhà hảo tâm giúp cụ để cụ có thêm cá thịt bồi bổ sức khỏe” - ông Vinh nói.

Rời Phước Thạnh, câu chuyện tình người của những người dân quê vẫn cứ hiện lên trong chúng tôi như kết thúc có hậu của một câu chuyện cổ tích. Lòng nhân ái, tình yêu thương nhiều khi chỉ đơn sơ như vậy!

ĐOÀN ĐẠO

ĐOÀN ĐẠO